Dòng sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Fideco đang nhiều biến động

Do hoạt động kinh doanh của Công ty CP Ngoại thương và Phát triển Đầu tư TP Hồ Chí Minh (Fideco) khá bất ổn nên cổ phiếu FDC vẫn nằm trong diện cảnh báo. Mới đây, Fideco đã có văn bản giải trình biện pháp khắc phục tình trạng trên, đồng thời doanh nghiệp này cũng đang đối diện nhiều biến động khác.

Theo văn bản giải trình biện pháp khắc phục tình trạng chứng khoán bị cảnh báo của Công ty CP Ngoại thương và Phát triển Đầu tư TP Hồ Chí Minh (gọi tắt là Fideco) cho biết, về công tác thu hồi công nợ, các bên đang xem xét thỏa thuận phương án chuyển nhượng cho nhà đầu tư có năng lực và/hoặc xin ý kiến Đại hội đồng cổ đông phê duyệt phương án nhận lại phần vốn góp đã chủ động triển khai. Trường hợp không đạt được các thỏa thuận này, Fideco sẽ tiếp tục xử lý theo các quy định của hợp đồng.

Về hoạt động sản xuất, kinh doanh, công ty cho biết, dự án xây mới tòa nhà văn phòng 28 Phùng Khắc Khoan, Quận 1 hoàn thành, đã đưa vào sử dụng và bàn giao cho đơn vị thuê. Hoạt động cho thuê văn phòng tại tòa nhà phía sau văn phòng Fideco cũng đã hoàn tất công tác cơ cấu lại khách thuê. Công tác pháp lý của các dự án tồn đọng cũng đang được thúc đẩy nhằm hoàn thiện trong thời gian sớm nhất.

Tòa nhà văn phòng tại số 28 Phùng Khắc Khoan, Quận 1

Tòa nhà văn phòng của Fideco tại số 28 Phùng Khắc Khoan, Quận 1

Trước đó, Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh đã có quyết định về việc đưa cổ phiếu FDC của Fideco vẫn giữ nguyên diện cảnh báo.

Nguyên nhân do hoạt động kinh doanh của Fideco khá bất ổn từ năm 2016 đến nay khi năm lời lỗ đan xen, trong khi số lỗ nhiều hơn năm có lãi, nặng nhất là mức lỗ 198 tỷ đồng của năm 2022. Mặc dù năm 2023 đã có lãi nhưng chỉ vỏn vẹn 725 triệu đồng, còn 6 tháng đầu năm 2024 lại thua lỗ gần 1,2 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính ghi nhận, tại thời điểm cuối tháng 6/2024, tổng tài sản của Fideco tăng nhẹ lên 795 tỷ đồng. Trong đó, Fideco đang phải trích dự phòng khó đòi 199 tỷ đồng từ Công ty CP Dệt may Liên Phương (khoản phải thu phát sinh từ việc chuyển nhượng toàn bộ vốn tại Công ty TNHH Phúc Thịnh Đức năm 2019).

Đồng thời, Fideco cũng còn tới 280 tỷ đồng phải thu của Công ty CP Hưng Vượng Bến Lức - đây là khoản góp vốn hợp tác nhằm phát triển dự án tại xã Thanh Phú, huyện Bến Lức, tỉnh Long An.

Trong khi đó, vào ngày 7/10 vừa qua, ông Nguyễn Quốc Việt đã chính thức rời ghế cổ đông Fideco sau khi thoái toàn bộ 1,78 triệu FDC (tỷ lệ 4,61%). Ông Nguyễn Quốc Việt hiện là Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chứng khoán Thành Công (TCSC, mã: TCI) và TCSC cũng đang là cổ đông lớn nhất của Fideco với tỷ lệ sở hữu 7,79% vốn, tương ứng với 3.008.000 cổ phiếu.

Cũng liên quan tới vấn đề nhân sự của Fideco, tháng 7 năm nay, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành 3 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với ông Hồ Anh Tuấn (Thành viên HĐQT Fideco); ông Lê Thái Thành (Thành viên HĐQT Fideco) và bà Lê Ngân Nhi - người có liên quan đến ông Lê Thái Thành, vì có hành vi mua cổ phiếu "chui".

Qua đó, 3 cá nhân trên đã bị đình chỉ giao dịch chứng khoán 4 tháng và bị xử phạt tổng cộng 740 triệu đồng.

Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...