Doanh nghiệp ô tô lớn nhất trên sàn dự chi 6.700 tỷ để chia cổ tức tỷ lệ 50%, giá trị công ty vọt lên 60.000 tỷ đồng vượt Vietjet, VIB, SSI…
Từ đầu tháng, cổ phiếu VEA đã tăng gần 27%, tương ứng vốn hóa tăng thêm 500 triệu USD.
Hiện Bộ Công thương đang nắm giữ 88,47% vốn của VEAM.
Năm nay, VEAM lên kế hoạch kinh doanh công ty mẹ với tổng doanh thu 6.414 tỷ đồng, giảm 22% so với thực hiện năm 2023 và dự báo lợi nhuận sau thuế giảm 19% còn 5.489 tỷ đồng. VEAM cho biết kế hoạch lợi nhuận này chưa bao gồm trích lập bổ sung hoặc hoàn nhập dự phòng giảm giá hàng tồn kho cuối năm.
Theo lãnh đạo doanh nghiệp này, bên cạnh các khó khăn của nền kinh tế thế giới, trong nước và các vấn đề xung đột địa chính trị, một số tồn tại, vướng mắc của giai đoạn trước đây ở tổng công ty vẫn chưa thể giải quyết dút điểm. Đặc biệt là công nợ khó đòi (trong đó bao gồm công nợ hỗ trợ vốn cho các đơn vị thành viên).
Lĩnh vực động cơ và máy nông nghiệp liên tục sụt giảm trong nhiều năm gần đây, kinh doanh ô tô chưa có dấu hiệu khả quan. Doanh nghiệp dự kiến còn nhiều khó khăn trong việc thực hiện mục tiêu tiêu thụ hàng tồn kho lâu năm, các sản phẩm mới đưa ra thị trường còn hạn chế.
Ngoài ra, các công ty con là công ty cổ phần muốn cơ cấu lại tỷ lệ nắm giữ cổ phần của công ty mẹ vẫn rất khó khăn do cần phải đánh giá, phân tích và đề xuất phương án phù hợp với tình hình thực tế của từng đơn vị, bám sát định hướng phát triển tổng thể của VEAM.
Kết thúc phiên giao dịch sáng ngày 28/5, cổ phiếu VEA đang có mức giá 45.100 đồng/cp. Trước đó cổ phiếu này đã chứng kiến 7 phiên tăng điểm liên tiếp. Tính từ đầu tháng 5, cổ phiếu này đã tăng gần 27%, tương ứng vốn hóa tăng thêm 12.600 tỷ (500 triệu USD) lên 59.900 tỷ đồng.
Mức vốn hóa này đưa VEAM trở thành một doanh nghiệp giá trị nhất ngành ô tô cũng như là một trong những doanh nghiệp lớn nhất sàn chứng khoán. Lợi nhuận chủ yếu của VEAM đến từ phần vốn nắm giữ tại các liên doanh ô tô hàng đầu là Toyota Vietnam, Honda Vietnam và Ford Vietnam.