Công ty TQ làm dự án 7.000 tỷ tại tỉnh có cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam, hơn 4.000 người sắp có việc làm
Dự án hoàn thành sẽ lắp ráp và sản xuất ti vi, màn hình có độ phân giải cao dùng cho máy vi tính, linh kiện điện tử và cấu kiện nhựa, doanh thu ước tính 1 tỷ USD/năm.
Dự án gần 7.000 tỷ đồng tại Bà Rịa - Vũng Tàu
Bà Rịa - Vũng Tàu là tỉnh có cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam là Thị Vải - Cái Mép. Đây cũng là cảng nước sâu đứng thứ 19 thế giới.
Là một tỉnh có nhiều thế mạnh phát triển nên Bà Rịa - Vũng Tàu cũng là địa phương nhận được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài. Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trong quý 1/2024, thu hút lượng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào tỉnh đạt hơn 1,5 tỷ USD, bằng 1/4 của cả nước (6,17 tỷ USD).
Mới đây, Công ty TNHH Công nghệ Điện tử Nghe nhìn BOE Bắc Kinh (Tập đoàn công nghệ BOE, Trung Quốc) đã khởi công dự án thiết bị đầu cuối thông minh BOE Việt Nam giai đoạn 2 tại tại Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 (thị xã Phú Mỹ).
Dự án này có tổng vốn hơn 275 triệu USD (khoảng gần 7.000 tỷ đồng). Dự án hoàn thành sẽ lắp ráp và sản xuất ti vi, màn hình có độ phân giải cao dùng cho máy vi tính, linh kiện điện tử và cấu kiện nhựa với công suất trên 134,7 triệu sản phẩm, doanh thu ước tính 1 tỷ USD/năm và tạo việc làm cho hơn 4.000 lao động.
Tập đoàn BOE được thành lập vào năm 1993, hiện nay, doanh nghiệp thiết lập cơ sở tiếp thị tại nhiều thành phố lớn trên thế giới, với hoạt động kinh doanh phổ biến tại Hoa Kỳ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Ấn Độ, Việt Nam và nhiều quốc gia, khu vực khác.
Tập đoàn BOE cũng đã đưa ra chiến lược phát triển "Internet of Things cho màn hình", cho phép màn hình tích hợp nhiều chức năng hơn, tạo ra nhiều hình thức hơn, với mục tiêu dẫn đầu trong việc đột phá ngành công nghiệp màn hình bán dẫn bằng mô hình đổi mới ứng dụng bối cảnh mới; đưa thị trường ngành công nghiệp màn hình hiển thị toàn cầu vào một không gian tăng trưởng rộng lớn hơn.
Tại Việt Nam, BOE (VN) là nhà máy chiến lược tại nước ngoài của Tập đoàn BOE. Tập đoàn này đã thành lập và đưa vào hoạt động nhà máy đầu tiên tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2, tỉnh Đồng Nai vào năm 2019 với các sản phẩm tivi, màn hình, bảng giá điện tử ESL…Công ty có diện tích 60.000 m2 và có khoảng 1.000 nhân viên.
Năm 2023, dự án thiết bị đầu cuối thông minh BOE Việt Nam giai đoạn 2 thuộc Tập đoàn BOE triển khai tại KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 300 triệu USD với diện tích đất sử dụng khoảng 286.719m2.
Vì sao doanh nghiệp thích Bà Rịa - Vũng Tàu?
Bà Rịa - Vũng Tàu nằm ở cửa ngõ hướng ra biển Đông của các tỉnh trong khu vực miền Đông Nam Bộ, hội tụ nhiều tiềm năng để phát triển các ngành kinh tế biển như: Khai thác dầu khí trên biển, khai thác cảng biển và vận tải biển, khai thác và chế biến hải sản, phát triển du lịch nghỉ dưỡng và tắm biển.
Bà Rịa - Vũng Tàu có điều kiện phát triển tất cả các tuyến giao thông đường bộ, đường không, đường thủy, đường sắt và là một địa điểm trung chuyển đi các nơi trong nước và thế giới.
Theo Quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, tỉnh sẽ phát triển theo mô hình "3 trục động lực - 4 vùng chức năng".
Theo đó, 3 trục động lực kinh tế, gồm: Trục kinh tế động lực công nghiệp - cảng biển Cái Mép-Thị Vải gắn với hệ thống giao thông liên cảng và QL51; trục kinh tế động lực công nghiệp-logistics dọc cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu và đường Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh; trục kinh tế động lực du lịch ven biển dọc đường tỉnh ĐT994 và đường nối vào cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu.
4 vùng chức năng, gồm: Vùng chức năng công nghiệp - cảng biển nằm ở phía Tây - Tây Nam và Tây Bắc của tỉnh, vùng chức năng du lịch và đô thị biển nằm ở phía Đông Nam của tỉnh, vùng chức năng nông nghiệp và cân bằng sinh thái nằm ở khu vực phía Bắc và Đông Bắc của tỉnh, vùng biển và hải đảo bao gồm vùng không gian biển do tỉnh quản lý và hải đảo, là vùng tập trung phát triển kinh tế biển.