Cổ phiếu ngân hàng khởi sắc, "cá mập" PYN Elite Fund có tháng 1 rực rỡ nhất trong một thập kỷ
Quy mô danh mục (AUM) của quỹ tại thời điểm 31/1 đạt hơn 759 triệu Euro (~19.240 tỷ đồng), tương đương tăng 77 triệu Euro (~1.900 tỷ đồng) so với tháng trước đó.
Pyn Elite Fund vừa công bố báo cáo hoạt động tháng 1/2023 với hiệu suất đầu tư đạt 10,33%, mức cao nhất quỹ ngoại này từng đạt được vào tháng 1 kể từ khi rót vốn vào Việt Nam cách đây 10 năm.
Thời điểm 31/1/ 2022, giá trị tài sản ròng/ccq của PYN Elite đạt hơn 436 Euro. Quy mô danh mục (AUM) lên đến hơn 759 triệu Euro (~19.240 tỷ đồng), tăng 77 triệu Euro (~1.900 tỷ đồng) so với thời điểm cuối năm 2022.
Top 3 khoản đầu tư lớn nhất không có sự thay đổi so với tháng trước, lần lượt là những cái tên quen thuộc: CTG (18%); VHM (14,9%) và STB (10,3%). Trong khi đó, VRE của Vincom Retail đã xếp thứ 4 danh mục với tỷ lệ 8,6% khiến ACV lùi về đứng thứ 5 với tỷ trọng giảm từ 9,1% xuống còn 8,1%.
Theo đánh giá của Pyn Elite Fund, Vincom Retail (VRE) là chủ sở hữu trung tâm thương mại hàng đầu Việt Nam. Trong quý 4, VRE đã ghi nhận thu nhập tăng mạnh 549% từ mức thấp của năm ngoái. Tỷ lệ lấp đầy tiếp tục cải thiện kèm theo số lượng khách hàng đến các trung tâm thương mại ở Hà Nội và TP.HCM đã đạt 90-95% mức trước Covid.
Năm 2023, lợi nhuận ròng của VRE dự kiến tiếp tục tăng trưởng 25%/năm nhờ chuyển đổi tiền thuê tích cực, mới mở trung tâm mua sắm cũng như doanh số bán bất động sản cao hơn từ việc bàn giao Shophouse còn tồn đọng.
"Trái ngọt" từ sự hồi phục của cổ phiếu ngân hàng
PYN Elite Fund đánh giá kết quả khả quan trong tháng đầu năm được thúc đẩy bởi sự phục hồi xuất sắc của các cổ phiếu ngân hàng.
Giữa cơn bão thị trường quý 4 vừa qua, quỹ đến từ Phần Lan đã tăng tỷ trọng cổ phiếu ngân hàng từ 40% lên gần 50% danh mục đầu tư, điều này đã mang lại “trái ngọt”. Những cổ phiếu mà quỹ nắm giữ đã tăng trưởng 16% trong tháng 1 và 33% so với đáy, vượt trội hơn so với VN-Index (+10% trong tháng 1 và +18% kể từ đáy tháng 11).
Hiệu suất tích cực phản ánh tăng trưởng thu nhập ổn định của ngành ngân hàng với lợi nhuận ròng quý 4 tăng 24% trong khi tổng lợi nhuận từ các ngành còn lại giảm tới 52% so với cùng kỳ.
Về vĩ mô, sức tiêu dùng nội địa của Việt Nam trong tháng đầu năm tăng mạnh với doanh số bán lẻ tăng trưởng 20%; doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 37%; doanh thu du lịch tăng 113% so với cùng kỳ 2022.
Ngược chiều, giải ngân vốn FDI ghi nhận giảm 16%, công nghiệp sản xuất giảm 8% và xuất khẩu giảm 21% so với tháng 1/2022. Cần lưu ý rằng, kỳ nghỉ Tết kéo dài trong tháng khiến nhiều chỉ tiêu "đi lùi" cũng khá dễ hiểu.
Trong tháng, lạm phát tăng nhẹ lên 4,9% song vẫn được kiểm soát tốt. Đáng chú ý, lãi suất huy động đã có dấu hiệu suy yếu từ mức cao trong tháng 12. Nhờ vậy, PYN Elite Fund nhận định rằng tình hình thanh khoản bớt "căng cứng" là điểm tích cực cho một số ngành nghề, lĩnh vực chịu ảnh hưởng bởi lãi suất.
Dương Ngọc
Nhịp sống thị trường