“Gã khổng lồ” sở hữu cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam chia cổ tức tiền mặt, gần 700 tỷ sắp về túi cổ đông
Trước đó tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, cổ đông công ty đã thông qua phương án trả cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt, tỷ lệ 22%.
Ngày 16/7 tới đây, CTCP Gemadept (mã GMD) sẽ chốt danh sách cổ đông đăng ký cuối cùng để nhận cổ tức năm 2023 bằng tiền với tỷ lệ 22% (01 cổ phiếu nhận 2.200 đồng). Với hơn 310 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Gemadept dự chi hơn 682 tỷ đồng trả cổ tức. Thời gian thanh toán dự kiến vào ngày 16/8.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, cổ đông Gemadept đã thông qua phương án trả cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt, tỷ lệ 22%. Như vậy, công ty đã hoàn thành kế hoạch chi trả cổ tức đề ra.
Về tình hình kinh doanh quý đầu năm, Gemadept ghi nhận doanh thu thuần tăng 11% so với cùng kỳ 2023, đạt 1.006 tỷ đồng. Công ty báo lãi trước thuế 708 tỷ đồng, gấp gần 2,3 lần so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế 656 tỷ đồng, gấp hơn 2,5 lần so với quý 1/2023 nhờ khoản lãi từ thương vụ thoái vốn Cảng Nam Hải (336 tỷ đồng).
Năm 2024, Gemadept đặt kế hoạch doanh thu kỷ lục 4.000 tỷ đồng, tăng 4% so với thực hiện năm ngoái. Tuy nhiên, chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế dự kiến giảm 46% còn 1.686 tỷ đồng. Với kết quả đạt được sau quý đầu năm, "gã khổng lồ" ngành cảng biển đã thực hiện được 42% mục tiêu lợi nhuận năm đặt ra.
Gemadept là một trong những doanh nghiệp đầu ngành cảng biển và logistics của Việt Nam, trong đó hoạt động khai thác cảng đóng góp khoảng 70-80% doanh thu, còn lại đến từ mảng logistics.
Ở khu vực phía Bắc, Gemadept còn sở hữu hai cảng là Nam Đình Vũ và ICD Nam Hải. Tại phía Nam, doanh nghiệp đang có 2 cảng container là Gemalink - cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam, có khả năng đón được các siêu tàu lớn nhất hiện nay và 1 cảng ICD Phước Long. Ngoài ra, Gemadept còn có một cảng hàng rời là cảng Dung Quất.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, Chủ tịch HĐQT Gemadept Đỗ Văn Nhân cho rằng thị trường đã có những dấu hiệu khởi sắc trong năm 2024 nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều khó khăn, số liệu thống kê cho thấy doanh nghiệp rơi bỏ thị trường gấp 1,5 lần số lượng thành lập mới trong quý đầu năm, tăng trưởng tín dụng chỉ ở mức quanh 4%, khối ngoại bán ròng mạnh trên thị trường chứng khoán...
"Các số liệu này không cho phép Gemadept chủ quan trong năm 2024, công ty phải chủ động kế hoạch sản xuất kinh doanh. Ngoài ổn định sản xuất kinh doanh để hoàn thành kế hoạch, công ty còn cần tăng năng lực cạnh tranh", ông Nhân nói.
Trên thị trường, cổ phiếu GMD đã điều chỉnh nhẹ sau khi đạt đỉnh lịch sử hồi trung tuần tháng 6. Tuy nhiên, so với thời điểm đầu năm, cổ phiếu này vẫn tăng gần 16%. Vốn hóa thị trường của Gemadept tương ứng đạt 25.500 tỷ đồng (1 tỷ USD).