Doanh nghiệp Nhật Bản muốn đầu tư Nhà máy điện sinh khối 50MW tại Bình Định
Dự án Nhà máy điện sinh khối tại Bình Định dự kiến được khởi công vào năm 2027 với công suất lắp đặt là 50MW, tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Định cho biết, Công ty CP Erex (trụ sở chính tại Nhật Bản) đã có kế hoạch nghiên cứu đầu tư dự án Nhà máy điện sinh khối trên địa bàn với tổng mức đầu tư dự kiến 2.400 tỷ đồng.
Theo đề xuất từ Công ty CP Erex, dự án Nhà máy điện sinh khối Bình Định có công suất lắp đặt là 50MW; sản lượng điện sản xuất đạt 296,4 triệu kWh/năm. Công nghệ sử dụng cho dự án là lò hơi ghi xích (Stoker), turbine là dạng ngưng hơi thuần túy, không tái nhiệt…
Địa điểm thực hiện dự án được xác nhận sau khi khảo sát thực tế. Ưu tiên khu vực có hạ tầng giao thông thuận lợi. Diện tích của nhà máy khoảng 15-20 ha và sẽ không chồng lấn với rừng tự nhiên, đất lâm nghiệp.
Công ty CP Erex lên kế hoạch nghiên cứu đầu tư dự án Nhà máy điện sinh khối 50MW tại Bình Định. Ảnh: Dũng Nhân |
Công ty CP Erex cho biết, hiện đơn vị đang phối hợp cùng Viện Năng lượng - Bộ Công Thương (đơn vị tư vấn của dự án) trong việc xây dựng các tiêu chí cho việc xây dựng dự án, đồng thời xây dựng để cương nghiên cứu khảo sát lựa chọn địa điểm. Ngoài ra, Bộ Công Thương đang phối hợp UBND các tỉnh tiến hành rà soát và trình Chính phủ phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch điện VIII.
"Kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch điện VIII sau khi được phê duyệt sẽ là căn cứ, cơ sở pháp lý đầy đủ để Erex có thể chính thức tiến hành các thủ tục đầu tư dự án Nhà máy điện sinh khối tại tỉnh", Công ty CP Erex thông tin.
Theo doanh nghiệp, dự án kỳ vọng khai thác tiềm năng, lợi thế về nguồn vật liệu sinh khối hiệu quả và bền vững, góp phần tích cực vào thực hiện thành công Nghị quyết số 55/NQ-TW ngày 11/12/2020 của Bộ Chính trị cũng như các cam kết của Việt Nam tại COP 26 về ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính. Theo tính toán, Nhà máy điện sinh khối Bình Định có công suất 50MW có thể giảm phát thải CO2 dự kiến 250.695 tấn/năm.
Ngoài ra, các tác động lên môi trường không khí sẽ được xử lý và thải ra ống khói đáp ứng theo tiêu chuẩn môi trường quy định. Tro, xỉ đốt nhiên liệu sinh khối tạo ra từ lò hơi sẽ được chở đến các đơn vị tiêu thụ (phụ gia sản xuất phân bón, xi măng…) bằng xe chuyên dụng để tránh phát tán bụi ra môi trường.
Hơn nữa, các tác động lên môi trường nước được giảm thiểu bằng các biện pháp xử lý thích hợp đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra nguồn tiếp nhận. Các biện phân loại chất thải rắn tại nguồn và xử ý các loại rác thải theo đúng đặc điểm của từng loại, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường và vận chuyển đến điểm tập kết rác thải sinh hoạt của địa phương để chuyển đi xử lý.
Dự kiến, Nhà máy điện sinh khối tại Bình Định được khởi công, mua sắm thiết bị và hoàn thành lắp đặt máy, thiết bị vào năm 2027; đến năm 2030 sẽ đưa vào vận hành thương mại.