Cần Thơ tập trung giải pháp giải ngân vốn đầu tư công trên 95%
Theo báo cáo của UBND thành phố Cần Thơ, năm 2023 (tính đến ngày 31/1/2024) thành phố sẽ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn ước đạt trên 7.782 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 95,72% kế hoạch. Thành phố đang tập trung triển khai mọi giải pháp để đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất trong năm 2023.
Tại cuộc họp giữa Bí thư Thành ủy Cần Thơ với Ban cán sự Đảng UBND thành phố Cần Thơ và lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương mới đây, ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Cần Thơ yêu cầu giám đốc sở, ngành, đơn vị được giao làm chủ đầu tư khẩn trương thực hiện nghiêm những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, không để nợ đọng xây dựng cơ bản.
Theo ông Hiển, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng còn lại của năm 2023, lãnh đạo các sở ngành, các đơn vị, địa phương cần tăng cường lãnh đạo, nâng cao tinh thần trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công; chấn chỉnh và xử lý các hành vi thiếu trách nhiệm, chậm trễ trong thực hiện nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, các sở ngành, đơn vị, địa phương cần kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân làm chậm trễ giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện ngay điều chuyển cán bộ, công chức khi cần thiết; đánh giá khách quan, xử lý nghiêm các cá nhân, đơn vị không hoàn thành nhiệm vụ giải ngân vào cuối năm 2023.
Mặt khác, các sở ngành, địa phương, chủ chủ đầu tư các dự án cần thực hiện phân công nhiệm vụ và yêu cầu trách nhiệm công việc rõ ràng đối với từng cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện, hoàn thành giải ngân đạt trên 95% kế hoạch vốn đã bố trí. Giám sát chặt chẽ, hiệu quả quá trình tổ chức thi công; đẩy nhanh tiến độ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, nhất là những dự án sắp hết thời gian thực hiện, các dự án sử dụng vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, vốn ngân sách trung ương, các dự án trên địa bàn các quận như: Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng.
Đối với các nhà thầu thực hiện chậm tiến độ, vi phạm các quy định về thi công, hợp đồng thì kiên quyết xử lý nghiêm. Các chủ đầu tư cần tổ chức giám sát chặt chẽ hoạt động của các nhà thầu tham gia xây dựng công trình theo đúng quy định.…
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ yêu cầu Ban cán sự Đảng UBND thành phố có các giải pháp tập trung chỉ đạo các chủ đầu tư lớn, được bố trí nhiều vốn như: Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng thành phố, Ban Quản lý Dự án ODA, Sở Giao thông Vận tải cần nỗ lực giải ngân vốn. Đồng thời, lãnh đạo Ban cán sự Đảng, UBND thành phố cùng các sở, ngành, các chủ đầu tư, địa phương tăng cường kiểm tra thực tế để chỉ đạo quá trình thực hiện các dự án. Qua đó, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc pháp lý cho từng dự án.
Ông Nguyễn Văn Hiếu cũng yêu cầu, các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công dự án, nhất là những nơi người dân có sự đồng thuận cao, những nơi người dân sẵn sàng giao mặt bằng mặc dù chưa nhận tiền bồi thường. Tiếp tục chỉ đạo để cân đối, bố trí nguồn vốn cho các dự án trọng điểm cho giai đoạn đầu tư công từ đây đến năm 2025 và chuẩn bị vốn cho các dự án gối đầu qua nhiệm kỳ mới.
Ngoài ra, Ban cán sự Đảng UBND thành phố đề cao kỷ luật, kỷ cương, nêu cao tinh thần trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, sở ngành, quận, huyện trong đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Để động viên, khuyến khích các cơ quan đơn vị, UBND thành phố cần đẩy mạnh nêu gương, khen thưởng kịp thời những cơ quan, đơn vị tiêu biểu, tích cực, làm mạnh, làm tốt, cũng như nêu đích danh. Bên cạnh phê bình những nơi làm chưa tốt để tạo ra động lực chung trong triển khai nhiệm vụ đầu tư công và giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn…
Theo Kho bạc Nhà nước thành phố Cần Thơ Cần Thơ, tính đến hết ngày 19/11, nguồn vốn đầu tư công của thành phố Cần Thơ giải ngân được trên 6.168 tỷ đồng đạt 78,33% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và đạt 73% kế hoạch vốn được Hội đồng nhân dân thành phố giao chi tiết. Nguồn vốn giải ngân tăng trên 1.828,4 tỉ đồng về giá trị tuyệt đối và tăng 15,97% về tỷ lệ so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, có 5 nguồn vốn giải ngân trên 75% bao gồm: Nguồn xổ số kiến thiết đạt 89,2%; Nguồn tiền sử dụng đất đạt 83,3%; Nguồn vốn ngân sách Trung ương (vốn trong nước) đạt 83,1%; Nguồn cân đối ngân sách địa phương đạt 75,5%.
Trên địa bàn cũng có 2 nguồn vốn giải ngân đạt từ trên 50% đến 75% kế hoạch bao gồm: nguồn vốn ngân sách Trung ương (vốn nước ngoài) đạt 68,6%; Nguồn thu vượt tiền sử dụng đất qua các năm đạt 67,6%. Có 3 nguồn vốn giải ngân đạt dưới 50% bao gồm: nguồn tồn quỹ ngân sách cấp thành phố năm 2022 là 44,3%; bội chi ngân sách địa phương (nguồn Chính phủ vay về cho vay lại) là 34,2%; nguồn thu tiền sử dụng đất năm 2022 chỉ đạt 9,2%.
Phân chia theo cấp quản lý, cấp thành phố có 29 chủ đầu tư, 116 dự án được bố trí kế hoạch vốn, kết quả giải ngân được đạt 70,53%. Cụ thể, có 12 chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân trên 75% kế hoạch; có 9 chủ đầu tư giải ngân đạt từ 50% đến 75%; Có 8 chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân dưới 50%.
Cấp quận, huyện giải ngân đạt 80,8% kế hoạch vốn; trong đó, có 8 quận, huyện có tỷ lệ giải ngân trên 75% kế hoạch vốn.
Theo UBND thành phố Cần Thơ, kết quả giải ngân hơn 10 tháng năm 2023 mặc dù có tăng so với các năm trước cả về giá trị và tỷ lệ nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Nguyên nhân chủ yếu là do công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, nhất là những dự án hạ tầng giao thông, kè chống sạt lở bờ sông. Điển hình như một số dự án: kè bờ sông Cần Thơ - ứng phó biến đổi khí hậu thành phố Cần Thơ; đường vành đai sân bay Cần Thơ kết nối đường Lê Hồng Phong đến Quốc lộ 91B, giai đoạn I: đoạn từ nút giao thông đường Võ Văn kiệt đến Km1+675; dự án phát triển thành phố Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị… do phạm vi và đối tượng ảnh hưởng nhiều, có nhiều trường hợp gặp khó khăn trong quá trình xét tính pháp lý, tổ chức chi trả bồi hoàn.
Thêm vào đó, giá nguyên vật liệu tăng cao cùng với phát sinh tăng chi phí giải phóng mặt bằng dẫn đến vượt tổng mức đầu tư dự án được duyệt, trong điều kiện nguồn vốn thuộc kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025 của thành phố chưa kịp thời đáp ứng nhu cầu, ảnh hưởng đến việc thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư. Từ đó làm chậm tiến độ giải phóng mặt bằng, không đủ mặt bằng giao cho các đơn vị thi công chậm tiến độ thực hiện dự án cũng như dẫn đến khả năng chậm hoặc không thể giải ngân theo kế hoạch đề ra.
Một số chủ đầu tư còn vướng mắc trong khâu lập dự án đầu tư, lập thiết kế kỹ thuật - dự toán, dẫn đến chậm phê duyệt dự án, đấu thầu không kịp theo kế hoạch đã được duyệt. Tiến độ thực hiện các khu tái định cư còn chậm, ảnh hưởng đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, bàn giao mặt bằng một số dự án, nhất là các dự án trọng điểm, các dự án có sử dụng vốn ODA./.
Ngọc Thiện