|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vận hành hệ thống điện tháng 8: Ưu tiên khí nội địa, tăng ổn định hệ thống

Chiều 21/7, tại Hà Nội, NSMO đã họp với các đơn vị phát điện, cấp khí, cấp than về phương thức vận hành hệ thống điện và thị trường điện quốc gia tháng 8/2025.

Cuộc họp với sự tham dự của đại diện Cục Điện lực, Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công Thương) cùng các đơn vị: Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Bắc, miền Trung và miền Nam; Công ty Mua bán điện, Tổng công ty phát điện 1, 2, 3; các Tổng công ty Điện lực: Miền Bắc, TP. Hà Nội, miền Trung, miền Nam, TP. Hồ Chí Minh, Điện lực TKV; Điện lực Dầu khí; Tổng công ty Khí Việt Nam; Tổng công ty Đông Bắc; Công ty TNHH Hưng nghiệp Formosa; Công ty TNHH Janakuasa Việt Nam; Công ty TNHH Điện lực Vân Phong…

Toàn cảnh cuộc họp

Toàn cảnh cuộc họp

Cuộc họp được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, do ông Nguyễn Quốc Trung - Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và Thị trường điện Quốc gia chủ trì.

Hệ thống điện vận hành an toàn, linh hoạt, bám sát diễn biến thực tế

Báo cáo tại cuộc họp, ông Phạm Quỳnh - Trưởng phòng Phương thức, NSMO cho biết: Trong 7 tháng năm 2025, công tác vận hành hệ thống điện quốc gia đã được triển khai chủ động và hiệu quả, bảo đảm cung ứng điện đầy đủ, liên tục cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đời sống nhân dân trên cả nước.

Nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị, hệ thống điện được điều hành linh hoạt, bám sát với diễn biến thực tế, kịp thời điều chỉnh kế hoạch huy động nguồn phù hợp trong bối cảnh thủy văn và nhu cầu phụ tải có nhiều biến động.

Ông Phạm Quỳnh - Trưởng phòng Phương thức - báo cáo tại cuộc hop

Ông Phạm Quỳnh - Trưởng phòng Phương thức - báo cáo tại cuộc hop

Cụ thể, NSMO đã tăng cường khai thác thủy điện theo hướng hiệu quả khi hệ thống ghi nhận nước về các hồ thuỷ điện có xu hướng tốt; đặc biệt tăng đột biến tại các hồ miền trung do ảnh hưởng của bão số 1 để cắt lũ cho hạ du. Qua đó, góp phần vận hành hệ thống điện, công trình, hồ chứa an toàn và kinh tế tạo nền tảng thuận lợi cho các tháng tiếp theo của năm 2025.

Công tác điều hành giao dịch thị trường điện vận hành công bằng, minh bạch, hiệu quả, góp phần tối ưu chi phí mua điện. Đặc biệt, các nguồn điện có giá cao như khí thiên nhiên nhập khẩu (LNG) được giảm đáng kể so với kế hoạch.

Liên quan đến công trình trọng điểm quốc gia như dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng, NSMO đã phối hợp điều tiết nhằm hoàn thành đúng tiến độ việc tháo dỡ đê quây và thi công khu vực kênh vào cửa lấy nước.

"Đồng thời, NSMO cũng sẽ tiếp tục thực hiện tính toán và điều chỉnh phương án huy động các Nhà máy Thủy điện Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình sau khi hoàn thành công tác thi công để bảo đảm tuân thủ mực nước trước lũ theo quy trình vận hành liên hồ chứa. Cùng với đó, duy trì công suất khả dụng của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình và tối ưu huy động các nhà máy theo diễn biến thủy văn và tình hình hệ thống” - ông Quỳnh cho hay.

PVGAS báo cáo tại cuộc họp thông qua trực tuyến

PVGAS báo cáo tại cuộc họp thông qua trực tuyến

Về công tác phòng, chống bão, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, NSMO đã chủ động phối hợp với các nhà máy điện, đơn vị quản lý lưới và thủy điện nhằm đảm bảo vận hành an toàn, liên tục trong suốt thời gian ảnh hưởng của bão số 1 (Wutip).

Trước ảnh hưởng của bão số 3 (Wipha), NSMO đã tổ chức họp khẩn theo chỉ đạo của Bộ Công Thương (Công điện số 5380/CĐ-BCT ngày 19/7/2025), triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách nhằm đảm bảo an toàn vận hành hệ thống điện quốc gia; liên tục cập nhật thông tin thời tiết, rà soát và tạm dừng các công tác không thiết yếu tại khu vực ảnh hưởng bão.

Về kỹ thuật, NSMO chỉ đạo giảm công suất truyền tải qua các tuyến có gió mạnh từ cấp 9, kích hoạt chế độ bảo vệ tự động nhằm nâng cao an toàn hệ thống. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với EVN và các đơn vị phát, truyền tải điện để điều chỉnh chế độ vận hành, đảm bảo cấp điện ổn định cho các phụ tải quan trọng, nhất là các cơ sở phục vụ phòng chống thiên tai. Đồng thời, đề nghị các đơn vị đảm bảo phương tiện liên lạc thông suốt phục vụ công tác vận hành, xử lý sự cố khi có bão.

Xây dựng phương thức vận hành theo điều chỉnh nhiên liệu than, khí

Theo báo cáo của PVGAS, trong giai đoạn tới, nguồn cung khí thiên nhiên nội địa tại Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ dự kiến sẽ giảm mạnh do phải thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa các hệ thống khí. Cụ thể, tại Đông Nam Bộ, trong tháng 8/2025 - thời điểm cấp khí thấp nhất chỉ đạt 1,5 triệu m³/ngày. Tại Tây Nam Bộ, trong khoảng từ ngày 14 đến 25/8, khả năng cấp khí có thể về 0 triệu m3/ngày.

Đại diện các đơn vị tham dự cuộc họp

Đại diện các đơn vị tham dự cuộc họp

Trước nguy cơ thiếu hụt nguồn khí nội địa, NSMO khuyến nghị các nhà máy điện chuẩn bị phương án huy động LNG và các nhiên liệu thay thế, sẵn sàng đáp ứng phụ tải đỉnh trong những thời điểm cần thiết.

Tại cuộc họp, một số đơn vị phát điện phản ánh sản lượng thực tế thấp hơn kế hoạch và giá thị trường quá thấp khiến việc huy động không hiệu quả.

Đại diện  Tổng công ty Điện lực TKV và Tổng công ty Than miền Bắc kiến nghị NSMO đẩy mạnh huy động các nhà máy nhiệt điện than theo đúng biểu đồ cung cấp than đã ký kết, nhằm giảm áp lực tồn kho đang ở mức cao. Tính đến thời điểm hiện tại, lượng than tồn tại kho của TKV đã lên tới 12 triệu tấn, trong đó, 6,5 triệu tấn đã sẵn sàng cấp cho phát điện.

Để giải quyết các khúc mắc này, NSMO đã đề nghị tổ chức họp riêng giữa NSMO, TKV và các tổng công ty phát điện để tháo gỡ các vướng mắc trong phối hợp cung ứng - huy động - điều độ.

Đồng thời, để bảo đảm cung cấp điện ổn định, liên tục trong các tháng cuối năm 2025 và năm 2026, NSMO tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị để bố trí phương thức vận hành hợp lý, bảo đảm tiến độ đưa vào vận hành các công trình nguồn và lưới điện trọng điểm, đặc biệt là các công trình chào mừng kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9.

Ngoài ra, Tổng công ty Điện lực miền Bắc phản ánh một số tuyến đường dây 500kV và trạm biến áp đang triển khai thi công có nguy cơ trùng lặp thời gian cắt điện, đề nghị EVN và NSMO có cuộc họp riêng với các đơn vị triển khai để thống nhất phương án tổ chức thi công, điều phối vận hành hiệu quả.

Vận hành hệ thống điện trong tháng 8 theo hướng linh hoạt, ưu tiên nguồn khí trong nước

Vận hành hệ thống điện trong tháng 8 theo hướng linh hoạt, ưu tiên nguồn khí trong nước

Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Quốc Trung nhấn mạnh: “Trong bối cảnh thiếu hụt nguồn khí dự phòng và một số kho LNG chỉ có một bồn chứa, việc vận hành tối ưu hệ thống phụ thuộc rất lớn vào các yếu tố khách quan và cần có phương thức khai thác linh hoạt, tránh bị động khi xảy ra sự cố hoặc nhu cầu đột biến”.

Ông Trung cũng lưu ý, trong 5 tháng cuối năm, dự kiến sẽ có bước chuyển biến rõ rệt về cơ cấu phụ tải, do xu hướng người dân chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện. Điều này sẽ tác động đáng kể đến phụ tải tại các đô thị lớn, đặc biệt là khu vực Hà Nội.

Ông phân tích: "Mặc dù sản lượng tiêu thụ điện có thể không thay đổi quá nhiều, nhưng công suất đỉnh chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Nếu thời gian sạc xe tập trung vào khoảng 18 - 20h, trùng với khung giờ nấu ăn, sinh hoạt, có thể gây áp lực rất lớn lên hệ thống."

Do đó, các tổng công ty điện lực cần có đánh giá, dự báo phụ tải chính xác hơn. Đồng thời, Phòng Năng lượng tái tạo cần cung cấp thêm dữ liệu nghiên cứu về mức độ ảnh hưởng của xe điện để chủ động xây dựng các kịch bản vận hành phù hợp.

Ứng phó sự cố quá tải tại miền Bắc, huy động khí trong nước

Sau khi nghe ý kiến của các đơn vị, kết luận cuộc họp, ông Nguyễn Quốc Trung đề nghị tiếp tục sử dụng kết quả dự báo nhu cầu sử dụng điện của các tổng công ty điện lực từ tháng 8 đến tháng 12/2025 làm cơ sở xây dựng phương án vận hành hệ thống điện quốc gia.

Đồng thời, cập nhật kịch bản tiêu thụ điện của xe điện và chuyển đổi năng lượng. Các tổng công ty điện lực cần chủ động cập nhật, phân tích xu hướng chuyển đổi phương tiện từ xe xăng sang xe điện, căn cứ vào thông tin do Phòng Năng lượng tái tạo cung cấp để có đánh giá, dự báo phụ tải chính xác hơn trong giai đoạn còn lại của năm 2025.

Phó Tổng giám đốc NSMO Nguyễn Quốc Trung phát biểu chỉ đạo, kết luận cuộc họp.

Phó Tổng giám đốc NSMO Nguyễn Quốc Trung phát biểu chỉ đạo, kết luận cuộc họp.

Thời gian qua, khu vực miền Bắc đã ghi nhận tình trạng quá tải cục bộ và xuất hiện các điểm ngắn mạch tại một số điểm nút. Theo đó, Phó Tổng giám đốc NSMO đã đề nghị Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan, xây dựng sẵn các kịch bản ứng phó trước mắt để xử lý tình huống quá nhiệt. Về lâu dài, cần triển khai các công trình đầu tư nhằm giải tỏa công suất, nâng cao độ ổn định lưới điện miền Bắc.

Về huy động khí cho phát điện khu vực Đông Nam Bộ, NSMO thống nhất với đề xuất của PV GAS. Theo đó, các đơn vị sẽ phối hợp để đảm bảo huy động tối thiểu 5 triệu m³ khí/ngày trên cơ sở bản chào giá phù hợp của các nhà máy. Các nhà máy sử dụng khí như Phú Mỹ, Nhơn Trạch 1 và 2 cần chủ động phối hợp với các đơn vị cung cấp khí và EVN trong công tác chào giá, tuân thủ cam kết tiêu thụ khí theo sản lượng hợp đồng tối thiểu và quy định tại các thông tư liên quan.

Liên quan đến phương án thủy văn và huy động thủy điện, theo Phó tổng giám đốc NSMO, tháng 8 sẽ sử dụng kịch bản dự báo cao của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia và từ tháng 9 đến tháng 12 sẽ dùng kịch bản dự báo trung bình để đảm bảo kế hoạch dài hạn, giảm thiểu áp lực tiếp nhận than từ các kho của TKV và nhà máy điện, hiện đang trong tình trạng gần đầy.

Việc vận hành các nhà máy thủy điện sẽ đảm bảo huy động tối đa có thể đối với các hồ nhiều nước, trên cơ sở sự phối hợp chào giá tối ưu, phù hợp của các nhà máy.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết