Xây dựng chính sách đãi ngộ đặc biệt để thu hút 100 chuyên gia hàng đầu về nước làm việc
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu xây dựng tiêu chí, quy chế quản lý, chế độ làm việc, đãi ngộ và cơ chế, chính sách thu hút nguồn nhân lực, nhân tài khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong và ngoài nước, trong đó có chính sách đãi ngộ đặc biệt để thu hút ít nhất 100 chuyên gia hàng đầu về nước làm việc.
Ngày 20/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo của Chính phủ về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06 chủ trì phiên họp lần thứ 3 sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ, đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số sẽ tạo cơ hội "vàng" để đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại thị trường, sản xuất, sản phẩm và xuất khẩu, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia; góp phần "tăng tốc và bứt phá'' để đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm 2025 và cả nhiệm kỳ 2021 - 2025.
Do đó, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06 phải gắn kết chặt chẽ với việc cuộc cách mạng về sắp xếp, tinh gọn bộ máy; phải đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tác phong, lề lối làm việc theo hướng khoa học, chuyên nghiệp, hiện đại với phương châm "Bộ máy tinh gọn - Dữ liệu kết nối - Quản trị hiện đại".
Lưu ý, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo là động lực quan trọng, then chốt để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, Thủ tướng giao các Bộ, ngành, doanh nghiệp phát triển các sản phẩm công nghệ chiến lược trong Danh mục công nghệ chiến lược; xây dựng phương án tổ chức, sắp xếp lại các tổ chức khoa học, công nghệ; triển khai đầu tư, chia sẻ và khai thác các trung tâm nghiên cứu, phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia; xây dựng đề án phát triển, trọng dụng nhân tài.
Thủ tướng phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: TTXVN)
Thủ tướng chỉ đạo thành lập tổ công tác liên ngành hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm, đàm phán và mua lại các công ty công nghệ nước ngoài có sở hữu trí tuệ, bí quyết công nghệ quan trọng để thúc đẩy sở hữu công nghệ lõi; xây dựng tiêu chí, quy chế quản lý, chế độ làm việc, đãi ngộ và cơ chế, chính sách thu hút nguồn nhân lực, nhân tài khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong và ngoài nước, trong đó có chính sách đãi ngộ đặc biệt để thu hút ít nhất 100 chuyên gia hàng đầu về nước làm việc.
Thủ tướng yêu cầu mỗi Bộ, ngành, địa phương lựa chọn một tổng công trình sư về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, một tổng công trình sư về nghiệp vụ để xây dựng kiến trúc và chiến lược chuyển đổi số của Bộ, ngành mình; với chế độ, chính sách ngang hàng với cán bộ quản lý tương ứng.
Thủ tướng giao các Bộ, ngành xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai 116 cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành; thúc đẩy triển khai các giải pháp công nghệ phục vụ người dân và doanh nghiệp gắn với dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử; đảm bảo dữ liệu phải đúng, đủ, sạch, sống, liên thông. Bên cạnh đó, xây dựng Đề án đô thị thông minh tại 6 thành phố trực thuộc Trung ương; đề xuất những giải pháp để đạt quy mô kinh tế số đạt 20% GDP vào cuối năm 2025; tiếp tục triển khai hạ tầng số, phủ sóng 5G toàn quốc gắn với việc thúc đẩy triển khai Internet vệ tinh; khẩn trương khắc phục tình trạng các thôn, bản lõm sóng, thiếu điện.
Theo Thủ tướng, việc triển khai Đề án 06 là nhiệm vụ nền tảng, chiến lược để xây dựng và vận hành hiệu quả Chính phủ số, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp, góp phần hiện đại hóa quản trị quốc gia.
Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, bảo đảm cắt giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết thủ tục hành chính, ít nhất 30% chi phí tuân thủ, ít nhất 30% điều kiện kinh doanh và 100% thủ tục hành chính được thực hiện không phụ thuộc vào địa giới hành chính trong phạm vi cấp tỉnh trong năm 2025.
Các Bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai đồng bộ những nhiệm vụ, giải pháp về cung cấp dịch vụ công trực tuyến; đẩy nhanh thực hiện tái cấu trúc quy trình 100% thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, bảo đảm thống nhất, đồng bộ, phi địa giới hành chính, tiết kiệm thời gian, chi phí; triển khai thực hiện thủ tục hành chính thông suốt, hiệu quả, không gián đoạn khi sắp xếp đơn vị hành chính và triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp; bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu.
Khẳng định, việc bảo đảm kinh phí và nguồn nhân lực là điều kiện tiên quyết, yếu tố quyết định sự thành công của các chương trình, kế hoạch, đề án; phải đầu tư đúng mức, hiệu quả, đúng trọng tâm, trọng điểm, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao bố trí đủ ngân sách nhà nước theo đề xuất từ các Bộ, ngành, địa phương; ưu tiên vốn cho các dự án trọng điểm, liên ngành, liên vùng, có tính đột phá và lan tỏa. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các ngân hàng thương mại cổ phần tổ chức triển khai nhanh chóng, hiệu quả, đúng đối tượng với lãi suất thấp gói tín dụng 500 nghìn tỷ đồng nhằm thúc đẩy đầu tư vào khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và hạ tầng chiến lược.
Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương chủ động xây dựng, đề xuất các nhiệm vụ, dự án khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số có mục tiêu, sản phẩm đầu ra cụ thể, khả thi, tránh dàn trải, hình thức; triển khai đào tạo, nâng cao năng lực chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức và người dân, đảm bảo khả năng vận hành, khai thác, sử dụng hiệu quả các nền tảng số; tiếp tục đẩy mạnh đào tạo trực tuyến trên nền tảng “Bình dân học vụ số”...
Thủ tướng giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Nội vụ đề xuất danh sách tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06 trình Thủ tướng xem xét, khen thưởng, động viên kịp thời.
Hải Long (t/h)