TS Nguyễn Minh Phong: Petrovietnam chuyển đổi định danh là bước đi chiến lược, kịp thời và cần thiết
Trao đổi với PetroTimes, TS Nguyễn Minh Phong, nguyên Trưởng Phòng Nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội đánh giá việc chuyển đổi định danh từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thành Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) là bước đi chiến lược, kịp thời và cần thiết. Theo ông, sự thay đổi này không chỉ thể hiện sự tin tưởng lớn của Đảng và Nhà nước mà còn mở ra không gian phát triển mới, phù hợp với xu thế chuyển dịch năng lượng toàn cầu.
![]() |
Ngày 9/4/2025, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được chính thức đổi tên thành Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam |
PV: Thưa Tiến sĩ, ông đánh giá như thế nào về sự kiện ngày 9/4/2025, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được chính thức chuyển đổi tên gọi thành Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam?
TS Nguyễn Minh Phong: Theo tôi, việc chuyển đổi này là một bước đi hết sức kịp thời và cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Bởi thế giới đang bước vào một giai đoạn chuyển dịch năng lượng rất mạnh mẽ, hướng tới năng lượng sạch, năng lượng xanh và phát triển bền vững. Việt Nam cũng đang hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu và cam kết mạnh mẽ về giảm phát thải carbon.
Việc đổi tên từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sang Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng và Nhà nước, không chỉ nhằm làm mới thương hiệu, mà thực sự là một bước chuyển mình về bản chất. Tập đoàn sẽ không còn bó hẹp trong lĩnh vực dầu khí truyền thống mà mở rộng ra toàn bộ các lĩnh vực năng lượng: từ dầu khí, khí LNG, đến năng lượng tái tạo như điện gió ngoài khơi, điện mặt trời, điện hạt nhân, hydrogen xanh, amoniac xanh...
Đây cũng là một bước đi phù hợp với Quy hoạch điện VIII và yêu cầu cấp bách về bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đồng thời giúp Petrovietnam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng năng lượng toàn cầu, hợp tác với các tập đoàn lớn như Siemens, GE, TotalEnergies...
Hơn thế nữa, việc mở rộng không gian phát triển này sẽ giúp Petrovietnam tận dụng tốt hơn các gói hỗ trợ quốc tế về công nghệ, tài chính xanh, cũng như tham gia tích cực hơn vào các cam kết toàn cầu về phát triển bền vững.
Tôi cho rằng, việc chuyển đổi này không chỉ là một sự thay đổi về hình thức, mà thực sự đặt nền móng cho Petrovietnam phát triển mạnh mẽ theo mô hình tập đoàn công nghiệp - năng lượng hiện đại, có khả năng cạnh tranh quốc tế cao, tiên phong trong chuyển dịch năng lượng và tăng trưởng xanh bền vững của đất nước.
Theo TS Nguyễn Minh Phong, việc chuyển đổi định danh thể hiện rất rõ sự tin tưởng và đánh giá cao của Đảng và Nhà nước đối với năng lực nội tại cũng như vai trò chiến lược của Petrovietnam. |
PV: Thiết nghĩ việc chuyển đổi định danh này cũng thể hiện sự tin tưởng và đánh giá cao của Đảng, Nhà nước đối với năng lực của Petrovietnam, ông nhận định như thế nào, thưa ông?
TS Nguyễn Minh Phong:
Đúng như vậy!
Việc này thể hiện rất rõ sự tin tưởng và đánh giá cao của Đảng và Nhà nước đối với năng lực nội tại cũng như vai trò chiến lược của Petrovietnam. Việc được chính thức đổi tên thành Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam không chỉ đơn thuần là một thay đổi về hình thức, mà còn trao cho Tập đoàn một sứ mệnh mới: khẳng định hơn nữa vai trò trụ cột bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, dẫn dắt công nghiệp năng lượng đất nước trong xu thế phát triển bền vững. Điều này đòi hỏi Petrovietnam phải có đủ tiềm lực tài chính, công nghệ, năng lực quản trị hiện đại, cũng như khả năng thích ứng linh hoạt với những thách thức mới của chuyển dịch năng lượng toàn cầu.
Chủ trương này cũng cho thấy sự ghi nhận đối với những đóng góp to lớn của Tập đoàn trong suốt thời gian qua - từ việc đảm bảo nguồn cung năng lượng thiết yếu cho nền kinh tế, đến việc từng bước nâng cao vị thế của Việt Nam trong ngành dầu khí khu vực và thế giới. Đồng thời, đây cũng là sự gửi gắm kỳ vọng lớn lao: Petrovietnam không chỉ tiếp tục phát huy thế mạnh dầu khí, mà còn phải tiên phong trong phát triển các lĩnh vực năng lượng mới, góp phần vào tăng trưởng xanh và cam kết phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam.
PV: Khi được khoác thêm một "chiếc áo" rộng hơn, Petrovietnam sẽ có thêm không gian phát triển mới ra sao, đặc biệt là trong bối cảnh nhu cầu năng lượng đang đa dạng hóa, thưa ông?
TS Nguyễn Minh Phong: Khi được khoác thêm một "chiếc áo" rộng hơn, tức là chuyển đổi thành Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam, đã mở ra cho Petrovietnam một không gian phát triển rộng lớn hơn rất nhiều so với trước đây.
Cụ thể, Tập đoàn không còn bị giới hạn trong lĩnh vực dầu khí truyền thống mà đã có thể chủ động đầu tư, tham gia toàn diện vào các lĩnh vực năng lượng mới. Điều này rất phù hợp với xu hướng chuyển dịch năng lượng toàn cầu, khi thế giới đang giảm dần phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và đẩy mạnh phát triển năng lượng sạch, bền vững.
Bên cạnh đó, không gian mới cũng cho phép Petrovietnam mở rộng hợp tác quốc tế, tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, phát triển dịch vụ kỹ thuật, xuất khẩu công nghệ năng lượng - những lĩnh vực mà trước nay Tập đoàn còn khá khiêm tốn. Đồng thời, Tập đoàn cũng có điều kiện thuận lợi hơn để tham gia các liên minh năng lượng xanh, các cam kết về giảm phát thải carbon, qua đó tận dụng các nguồn vốn và công nghệ quốc tế.
"Chiếc áo" rộng hơn không chỉ giúp Petrovietnam lớn mạnh về quy mô, mà quan trọng hơn, còn giúp Tập đoàn chủ động thích ứng với những biến động năng lượng trong tương lai, bảo đảm vai trò trụ cột trong bảo vệ an ninh năng lượng quốc gia và góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển kinh tế xanh, bền vững của đất nước.
PV: Theo ông, sự chuyển đổi này gắn kết như thế nào với Quy hoạch điện VIII và xu thế phát triển ngành điện nói riêng và năng lượng nói chung trong giai đoạn tới?
TS Nguyễn Minh Phong: Quy hoạch điện VIII đặt mục tiêu phát triển hệ thống năng lượng quốc gia theo hướng bảo đảm an ninh năng lượng, phát triển bền vững, giảm phát thải carbon và thúc đẩy các nguồn năng lượng tái tạo. Việc chuyển đổi định danh của Petrovietnam chính là bước đi chiến lược để hiện thực hóa các mục tiêu đó.
Với vai trò mới, Petrovietnam sẽ không chỉ tiếp tục phát triển lĩnh vực dầu khí truyền thống, mà còn đẩy mạnh đầu tư vào điện khí LNG, điện gió ngoài khơi, điện mặt trời, hydrogen xanh, cũng như các giải pháp lưu trữ năng lượng - những lĩnh vực được xác định là trọng tâm trong Quy hoạch điện VIII.
Mặt khác, xu thế phát triển ngành năng lượng hiện nay đòi hỏi sự chuyển dịch mạnh mẽ sang mô hình đa dạng hóa nguồn năng lượng, tăng tỷ trọng năng lượng sạch và xây dựng hệ sinh thái năng lượng thông minh, bền vững. Sự chuyển đổi của Petrovietnam đã mở ra điều kiện cần thiết để Tập đoàn không chỉ tham gia sản xuất điện, mà còn phát triển hạ tầng năng lượng hiện đại như kho cảng LNG, truyền tải, lưu trữ và thậm chí là xuất khẩu dịch vụ, công nghệ năng lượng.
Như vậy, có thể nói rằng việc chuyển đổi định danh và định hướng hoạt động của Petrovietnam hoàn toàn nằm trong lộ trình chiến lược phù hợp với Quy hoạch điện VIII, đồng thời đón đầu xu thế phát triển tất yếu của ngành năng lượng Việt Nam trong giai đoạn mới.
![]() |
Khi được khoác thêm một "chiếc áo" rộng hơn, tức là chuyển đổi thành Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam, đã mở ra cho Petrovietnam một không gian phát triển rộng lớn hơn |
PV: Về mặt lý luận và thực tiễn, việc định danh Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam sẽ giúp tối ưu hóa nguồn lực phát triển như thế nào cho Tập đoàn, thưa ông?
TS Nguyễn Minh Phong: Về lý luận, việc chuyển đổi định danh thành Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam phản ánh sự mở rộng phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn, phù hợp với mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước đa ngành, đa lĩnh vực mà trọng tâm là năng lượng. Điều này giúp Tập đoàn có cơ sở pháp lý vững chắc để chủ động tham gia vào toàn bộ chuỗi giá trị năng lượng - từ thăm dò, khai thác, chế biến dầu khí đến sản xuất điện khí, phát triển năng lượng tái tạo, lưu trữ năng lượng, cũng như cung cấp các dịch vụ kỹ thuật công nghiệp hỗ trợ. Qua đó, Petrovietnam có thể tối ưu hóa việc phân bổ, huy động và sử dụng các nguồn lực tài chính, công nghệ, nhân lực trong nội bộ, đồng thời linh hoạt hơn trong việc thu hút nguồn lực bên ngoài.
Về thực tiễn, định danh mới tạo hành lang pháp lý thuận lợi để Tập đoàn mở rộng hợp tác quốc tế, đón đầu các dòng vốn đầu tư xanh, công nghệ sạch và các hỗ trợ tài chính toàn cầu, nhất là trong bối cảnh các cam kết về trung hòa carbon ngày càng được chú trọng. Tập đoàn có thể tận dụng quy mô và uy tín mới để phát triển các dự án năng lượng quy mô lớn như điện khí LNG, điện gió ngoài khơi, hydrogen xanh - những lĩnh vực cần sự tích hợp mạnh mẽ giữa công nghệ, tài chính và quản trị hiện đại.
Như vậy, về cả lý luận lẫn thực tiễn, việc định danh mới không chỉ giúp Petrovietnam tối ưu hóa và khai thác hiệu quả hơn các nguồn lực hiện hữu, mà còn mở ra cơ hội lớn để tích lũy thêm nguồn lực mới, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế và thực hiện tốt vai trò trụ cột bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia trong giai đoạn phát triển mới.
PV: Ông có thể chia sẻ quan điểm của mình về đề xuất tái lập Bộ Năng lượng? Điều đó sẽ tạo ra những thuận lợi gì cho sự phát triển của ngành năng lượng Việt Nam trong tương lai?
TS Nguyễn Minh Phong: Theo tôi, đề xuất tái lập Bộ Năng lượng là một hướng đi rất đáng cân nhắc và phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Sự phát triển nhanh chóng và có phần phức tạp của ngành năng lượng, với sự tham gia của nhiều lĩnh vực mới như LNG, điện gió ngoài khơi, hydrogen xanh, năng lượng tái tạo, đòi hỏi một cơ quan chuyên trách có đủ thẩm quyền, chuyên môn sâu và tầm nhìn chiến lược để quản lý, điều phối tổng thể và đồng bộ.
Việc tái lập Bộ Năng lượng sẽ giúp Việt Nam hoạch định chính sách năng lượng quốc gia một cách thống nhất, dài hạn và thích ứng linh hoạt hơn với những biến động của thị trường và yêu cầu quốc tế. Đồng thời, sẽ tạo thuận lợi lớn trong việc xây dựng hành lang pháp lý cho các lĩnh vực năng lượng mới, thu hút đầu tư nước ngoài, triển khai các dự án hạ tầng lớn về điện, khí, năng lượng tái tạo, cũng như thực hiện các cam kết quốc tế về giảm phát thải carbon.
Đặc biệt, trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng toàn cầu, nếu có một Bộ chuyên trách, Việt Nam sẽ chủ động hơn trong việc xây dựng chiến lược an ninh năng lượng, đẩy mạnh ngoại giao năng lượng, phát triển các chuỗi giá trị trong nước, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh và vị thế của ngành năng lượng Việt Nam trên trường quốc tế.
Việc tái lập Bộ Năng lượng sẽ không chỉ là đáp ứng nhu cầu quản lý trước mắt, mà còn là bước chuẩn bị chiến lược cho tương lai, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững của đất nước.
Trân trọng cảm ơn ông!
Minh Tiến (ghi)