Phát động phong trào Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số
Ngày 24/4, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương phát động phong trào Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, thời gian tới, tình hình thế giới và khu vực diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra nhanh, sâu sắc, toàn diện hơn, nhất là sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) và chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Hầu hết các nước trên thế giới đều đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa nền quản trị quốc gia.
Để thực hiện thành công 2 mục tiêu chiến lược 100 năm (đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao), chúng ta cần phát triển, ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, tạo động lực mới, mở ra không gian phát triển mới cho đất nước. Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là không có giới hạn, không có biên giới, không phân biệt tuổi tác, không phân biệt giới tính, không phân biệt tôn giáo.
Thủ tướng nhấn mạnh, trong bối cảnh đó, phong trào Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được phát động tại buổi lễ hôm nay và phong trào Bình dân học vụ số đã được phát động có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Với tinh thần “Thi đua là yêu nước; yêu nước thì phải thi đua. Những người thi đua là những người yêu nước nhất” như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương, doanh nghiệp và nhân dân cả nước tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm, mục tiêu chủ yếu.
Một là, phát huy truyền thống yêu nước, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của cả dân tộc, sự tham gia tích cực của doanh nhân, doanh nghiệp, nhà khoa học, trí thức, học sinh, sinh viên và toàn thể nhân dân; phấn đấu đến năm 2030 tiềm lực, trình độ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đạt mức tiên tiến ở nhiều lĩnh vực quan trọng, thuộc nhóm dẫn đầu trong các nước có thu nhập trung bình cao. Quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 30% GDP. Tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân và doanh nghiệp đạt trên 80%. Hạ tầng công nghệ số tiên tiến, hiện đại, dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng ngang tầm các nước tiên tiến.
Thủ tướng phát động phong trào Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số
Hai là, khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển quốc gia, phát huy tính chủ động, sáng tạo trong toàn hệ thống chính trị và trong nhân dân, tự lực tự cường, khai thác tối đa năng lực nội sinh với quan điểm: “Người dân và doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, nguồn lực, động lực chính, nhà khoa học là nhân tố then chốt; Nhà nước giữ vai trò dẫn dắt, thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia”.
Ba là, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan quản lý nhà nước, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân. Đến năm 2025, phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số, công nghiệp văn hóa số đạt mức cao của thế giới. Việt Nam thuộc nhóm các nước dẫn đầu về an toàn, an ninh không gian mạng, an ninh dữ liệu và bảo vệ dữ liệu số.
Để đạt được các nhiệm vụ quan trọng, mục tiêu chủ yếu nêu trên, Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị trên cả nước nỗ lực thi đua thực hiện “3 quyết tâm”.
Cụ thể, quyết tâm chính trị, đổi mới tư duy, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tạo xung lực mới, khí thế mới trong toàn xã hội về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao hoàn thiện thể chế, pháp lý để tháo gỡ hết các điểm nghẽn, rào cản để phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, giải phóng tối đa sức sáng tạo. Phải thực sự vào cuộc, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm; phân công nhiệm vụ theo tinh thần “6 rõ: rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ thời gian, rõ sản phẩm”.
Quyết tâm xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ mang tính đột phá. Trước mắt, trong năm 2025, đảm bảo 100% thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp được thực hiện trực tuyến, thông suốt, hiệu quả; 100% thủ tục hành chính không bị giới hạn bởi địa giới hành chính cấp tỉnh. Đồng thời, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, có các giải pháp đột phá để thu hút các tập đoàn công nghệ hàng đầu, thu hút nhân tài công nghệ là người Việt Nam và người nước ngoài.
Quyết tâm đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị; nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia, hiệu lực quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, đảm bảo an toàn, an ninh, bí mật, bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ, bảo mật chủ quyền quốc gia; xây dựng và triển khai chương trình phát triển công dân số.
Bên cạnh đó, Thủ tướng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp nỗ lực tập trung thực hiện thực hiện “3 sứ mệnh trọng tâm”.
Thứ nhất, xây dựng tầm nhìn, chiến lược lâu dài, bền vững, nhìn xa trông rộng, nghĩ sâu làm lớn; có cấu trúc kinh doanh chủ động, linh hoạt; văn hóa đổi mới mạnh mẽ. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số.
Thứ hai, chuyển từ ứng dụng và làm chủ công nghệ sang xây dựng năng lực sáng tạo đột phá, tận dụng cơ hội từ Cách mạng công nghiệp 4.0 để “đi tắt, đón đầu” làm chủ tương lai với tinh thần “bắt kịp, tiến cùng và vượt lên”. Đầu tư vào việc nghiên cứu các giải pháp mới thông minh, công nghệ quản lý; ứng dụng công nghệ số và tự động hóa, tích hợp các công nghệ như trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, dữ liệu lớn vào các sản phẩm và dịch vụ, gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thứ ba, cải cách mô hình quản lý đồng thời mở rộng năng lực áp dụng các công nghệ mới, số hóa và phát triển các sản phẩm, dịch vụ có tính đột phá để tạo ra sự khác biệt và cạnh tranh trên thị trường.
Thủ tướng nêu rõ, thời gian tới, để thực hiện thành công phong trào thi đua Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, các cấp ủy đảng, chính quyền, đặc biệt người đứng đầu cần tiên phong trong nâng cao năng lực số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo tại địa phương và cơ quan mình với tinh thần “tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, làm việc nào ra việc đó”, “Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ thống nhất, Quốc hội đồng tình, nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi thì chỉ bàn làm, không bàn lùi”.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và người dân tích cực hưởng ứng phong trào. Doanh nghiệp công nghệ giữ vai trò dẫn dắt, tiên phong; chính quyền đồng hành; người dân tích cực hưởng ứng tham gia phong trào với phương châm: “Người dân và doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, nguồn lực, động lực chính, nhà khoa học là nhân tố then chốt; Nhà nước giữ vai trò dẫn dắt, thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia”.
Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng, ban hành kế hoạch triển khai thực hiện phong trào, ban hành các tiêu chí thi đua phù hợp. Kịp thời biểu dương, tôn vinh, khen thưởng khích lệ, động viên kịp thời bằng nhiều hình thức đa dạng đối với các nhà khoa học, nhà sáng chế, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có thành tích trong khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Các cơ quan truyền thông cần tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nêu gương, biểu dương gương người tốt việc tốt, điển hình tiên tiến, tiêu biểu, cách làm hay, đổi mới sáng tạo, hiệu quả, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”, “tích cực hóa cái tiêu cực” bằng việc phân tích những khó khăn, thách thức, hạn chế và đề xuất giải pháp.
Đồng thời, Thủ tướng đề nghị từng người dân Việt Nam cần thi đua tự trau dồi, học hỏi, không ngừng đổi mới sáng tạo, nâng cao kỹ năng số; nếu không thì kinh tế số, xã hội số không thể phát triển, đất nước không thể phát triển nhanh và bền vững.
Tại buổi lễ, đại diện lãnh đạo thành phố Hải Phòng, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội và đại diện doanh nghiệp tiêu biểu trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, chuyển đổi số đã phát biểu hưởng ứng phong trào; cam kết triển khai thực hiện hiệu quả các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Lan Anh