|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Làm thế nào để không phát sinh phí SMS Banking khi giao dịch?

Thay vì tính một mức phí SMS Banking cố định hàng tháng như trước, hiện nhiều ngân hàng đã chuyển sang tính phí theo số lượng tin nhắn thực tế phát sinh.

Những ngày gần đây, trên các trang mạng xã hội, nhiều người dùng ngân hàng trực tuyến (Internet Banking) “tá hỏa” khi nhận được thông báo từ ngân hàng thu phí thông báo biến động số dư qua tin nhắn điện thoại (BSMS Banking) lên tới cả trăm ngàn đồng, cao gấp nhiều lần những tháng trước.

Chị Nguyễn Vũ Mỹ Linh (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) - cho biết, thời gian trước, phí BSMS Banking từ tài khoản Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) của chị chưa tới 10.000 đồng/tháng nên chị không mấy để ý. Tuy nhiên, vài ngày trước, chị bất ngờ nhận được thông báo thu phí BSMS từ BIDV với mức phí hơn 150.000 đồng. “Nhiều giao dịch thanh toán khi mua ớ rau ngoài chợ của tôi chỉ vài nghìn đồng cũng phải trả phí 700 đồng/tin nhắn là quá cao” - chị Linh bức xúc nói.

Tương tự, chia sẻ trên mạng xã hội, chị Mai Hương, kinh doanh online tại Cầu Giấy (Hà Nội) cũng bất ngờ khi nhận được thông báo phí BSMS từ BIDV với mức phí 270.000 đồng, cao hơn nhiều so với những tháng trước đó. Phía dưới bài đăng của chị Hương, nhiều người dùng Internet Banking cũng than thở: “Đùng cái tự nhiên bị trừ hơn 2,1 triệu tiền phí BSMS Banking mà ngã ngửa, không hiểu chuyện gì đang xảy ra” - Ngọc Anh, một tài khoản bình luận.

Chị Hương lo lắng, với mức phí 700 đồng/tin nhắn, nếu hàng tháng việc kinh doanh của chị phát sinh hàng nghìn giao dịch thanh toán thì mức phí phải trả sẽ lên tới cả triệu đồng. Nhiều người dùng Internet Banking cũng cho biết, lượng giao dịch chuyển khoản càng nhiều, tiền phí BSMS Banking càng cao.

Theo tìm hiểu, từ đầu tháng 10/2024, BIDV đã điều chỉnh biểu phí dịch vụ thông báo biến động số dư tài khoản nhằm song song với lộ trình điều chỉnh phí dịch vụ SMS ngân hàng của các nhà mạng viễn thông và theo thông lệ thị trường; trao quyền chủ động cho mỗi khách hàng trong việc lựa chọn các dịch vụ phù hợp với nhu cầu sử dụng thực tế.

Cụ thể, nếu khách hàng nhận thông báo biến động số dư tài khoản thanh toán qua BIDV SmartBanking (tin nhắn OTT) sẽ được miễn phí. Nhận biến động số dư qua tin nhắn BSMS, khách hàng cao cấp sẽ miễn phí; khách hàng phổ thông là 10.000 đồng/thuê bao/tháng dưới 15 tin nhắn. Từ 15 tin nhắn trở lên, phí sẽ tính theo số lượng tin phát sinh thực tế là 700 đồng/tin nhắn SMS.

Cùng với việc tăng phí BSMS Banking, BIDV cũng khuyến khích khách hàng nhận thông báo trên ứng dụng ngân hàng số (tin OTT) miễn phí trên BIDV SmartBanking.

Làm thế nào để không phát sinh phí SMS Banking khi giao dịch?
Phí tin nhắn SMS thông báo biến động số dư tiền gửi và tài khoản thanh toán là dịch vụ của bên thứ ba - nhà mạng viễn thông cung cấp và thu tiền

Không chỉ mình BIDV, trước đó, một loạt ngân hàng thương mại như: Agribank Bac A Bank, Eximbank, Vietcombank, Sacombank, VPBank, ACB, OCB, Nam A Bank… đã thông báo thay đổi chính sách phí SMS.

Theo đó, thay vì tính một mức phí cố định hàng tháng cho mỗi tài khoản/thuê bao như trước, các ngân hàng chuyển sang tính phí theo số lượng tin nhắn thực tế phát sinh hàng tháng. Thông thường, khách hàng phát sinh dưới 15 - 20 tin nhắn/tháng/thuê bao, phí cố định 10.000 đồng; trên mức này phí sẽ tính theo từng tin nhắn là 700 đồng, chưa gồm thuế giá trị gia tăng.

Các ngân hàng cho biết, phí tin nhắn SMS thông báo biến động số dư tiền gửi và tài khoản thanh toán là dịch vụ của bên thứ ba - nhà mạng viễn thông cung cấp và thu tiền. Thời gian qua ngân hàng chi trả một phần phí này để khuyến khích người dùng thanh toán điện tử. Tuy nhiên, trong xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt gia tăng, đến nay số phí này ngân hàng càng ngày càng phải bù lỗ nặng hơn.

Việc thay đổi chính sách tính phí SMS Banking và khuyến khích khách hàng nhận thông báo trên ứng dụng ngân hàng số nhằm phù hợp với nhu cầu thực tế phát sinh tin nhắn của từng khách hàng, giảm chi phí cước tin nhắn. Đặc biệt, một lý do quan trọng khác là phòng ngừa rủi ro lừa đảo, gian lận, đánh cắp thông tin cá nhân, tài khoản của khách hàng.

Mạo danh thương hiệu ngân hàng qua tin nhắn SMS là một trong những thủ đoạn lừa đảo phổ biến, khi kẻ gian tạo link giả mạo giống tên ngân hàng, yêu cầu khách hàng truy cập vào đường link... Nguy cơ khách hàng bị lừa đảo là rất lớn mà ngân hàng không thể kiểm soát được, trong khi ứng dụng ngân hàng số của các ngân hàng có độ bảo mật cao gần như không thể bị chèn tin nhắn giả mạo.

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) - cho biết xu hướng hiện nay các ngân hàng đều khuyến khích người dùng sử dụng kênh ngân hàng số để giảm chi phí tin nhắn, đồng thời giảm các rủi ro phát sinh.

Theo ông Hùng, cước phí tin nhắn dịch vụ ngân hàng hiện đang cao gấp 3 - 4 lần so với các loại phí tin nhắn bình thường (200 - 250 đồng/tin nhắn). Những năm trước, bình quân mỗi ngân hàng phải bù lỗ từ vài chục tỷ đến hàng trăm tỷ đồng phí BSMS Banking. “VNBA từng nhiều lần kiến nghị về việc giảm mức cước tin nhắn đối với các dịch vụ ngân hàng nhưng không được các nhà mạng chấp nhận” - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho hay.

Cách duy nhất nếu người dùng không muốn phải trả phí cho dịch vụ SMS Banking là phải đăng ký huỷ với ngân hàng. Người dùng có thể tới quầy giao dịch của ngân hàng, gọi điện lên tổng đài, soạn tin nhắn theo cú pháp để huỷ dịch vụ.

Ví dụ để đăng ký/thay đổi/hủy dịch vụ trên BIDV SmartBanking

Bước 1: Truy cập App BIDV SmartBanking/chọn cụm “Đăng ký dịch vụ”.

Bước 2: Chọn Biến động số dư => Dịch vụ BSMS => Hủy đăng ký.

Bước 3: Nhập mã OTP để xác thực và hoàn thành HỦY đăng ký.

Ngân Thương
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết