Tương lai điện hạt nhân toàn cầu - Phục hưng, hay loại bỏ?
Với việc Đức và Bỉ kéo dài tuổi thọ các dự án điện hạt nhân do cuộc chiến ở Ukraine khiến bức tranh điện hạt nhân có thêm những nét chấm phá mới. Chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam tổng hợp những thông tin mới nhất về điện hạt nhân thế giới trong bối cảnh xung đột Nga - Ucraina và khủng hoảng năng lượng, đặc biệt là khả năng tồn tại, hay không tồn tại của điện hạt nhân?
Bức tranh điện hạt nhân toàn cầu sau cuộc chiến Ukraine - Nga:
Cuộc khủng hoảng năng lượng do chiến tranh ở Ukraine gây ra đã khiến Đức kéo dài tuổi thọ của hai nhà máy điện hạt nhân thêm vài tháng so với kế hoạch ngừng hoạt động vào cuối năm nay. Trong khi đó, Bỉ tiếp tục trì hoãn việc loại bỏ hạt nhân như kế hoạch trong vòng 10 năm, bắt đầu từ năm 2025, vận hành một lò phản ứng của hai nhà máy hiện tại để dự phòng trong bối cảnh năng lượng bất ổn định do cuộc chiến và khủng hoảng năng lượng đang diễn ra.
Sở dĩ điều này xuất hiện là vì hồi tháng 7/2022, Nghị viện châu Âu (EP) đã xem lại đưa điện hạt nhân vào danh sách "năng lượng xanh" và lo ngại gia tăng về an toàn hạt nhân sau vụ pháo kích Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia của Ukraine - nhà máy lớn nhất châu Âu hiện nay.
Theo báo cáo dày 409 trang của Liên minh châu Âu (EU) mang tên The 2021 World Nuclear Industry Status Report (Báo cáo Hiện trạng Công nghiệp Hạt nhân Thế giới 2021), gọi tắt WNISR: Hiện trên thế giới có 409 lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động tại 41 quốc gia trên toàn cầu. Điện hạt nhân chiếm khoảng 10% nhu cầu điện thế giới vào năm 2020, giảm so với mức 17,5% của năm 1996.
Tỷ lệ điện hạt nhân hiện thấp hơn sản lượng năng lượng tái tạo: Trong khi sản lượng điện mặt trời và điện gió lần lượt tăng 21% và 12% vào năm 2020, sản lượng điện hạt nhân giảm 4%. Hầu hết các lò phản ứng hạt nhân được xây dựng từ năm 1968 đến 1986, chủ yếu ở châu Âu, Hoa Kỳ, Liên Xô cũ và Nhật Bản. Tuổi thọ trung bình toàn cầu của các lò phản ứng này là 31 năm.
Trang tin trực tuyến Đức (Dw.com) số ra đầu tháng 9/2022 cập nhật số liệu mới nhất cho thấy: Điện hạt nhân vẫn là một lựa chọn năng lượng đắt tiền. Cụ thể, chi phí năng lượng bằng những công nghệ mới vào năm 2030 cho các dự án lớn ở EU (EU cent/kWh) như sau:
1/ Điện mặt trời 1 - 5 cent.
2/ Điện mặt trời có pin 3 - 6 cent.
3/ Điện gió ngoài khơi 3 - 7 cent.
4/ Điện gió trên bờ 5 - 8 cent.
5/ Điện hạt nhân 14 - 19 cent.
Dự báo tương lai của điện hạt nhân toàn cầu:
1/ Mỹ: Tương lai của điện hạt nhân không chắc chắn:
Theo Dw.com: Mỹ hiện có 92 lò phản ứng hạt nhân - nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Năm 2020, điện hạt nhân của Mỹ đáp ứng gần 20% nhu cầu điện của cả nước. Mỹ cũng có những lò phản ứng lâu đời nhất trên thế giới, với tuổi trung bình là 41,5 năm. Hầu hết các lò phản ứng đi vào hoạt động vào năm 1985, trong khi việc xây dựng hai lò phản ứng mới bắt đầu vào năm 2013.
Theo báo cáo WNISR: Tương lai của điện hạt nhân ở Mỹ không chắc chắn. Mặc dù có những khái niệm về thế hệ lò phản ứng mới nhỏ hơn, hiệu quả hơn, nhưng chi phí sản xuất năng lượng hạt nhân cao hơn nhiều so với lĩnh vực năng lượng tái tạo - chi phí năng lượng quy dẫn (LCOE) của năng lượng mặt trời trên toàn cầu đã giảm khoảng 90% trong những năm gần đây, nhưng hạt nhân tăng khoảng 33% cùng kỳ. Không có kho lưu trữ cuối cùng cho chất thải phóng xạ cao ở Mỹ và chúng được lưu trữ tại chỗ.
2/ Pháp: Ngành công nghiệp hạt nhân thua lỗ lớn:
Pháp là quốc gia phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân lớn nhất thế giới, không quốc gia nào trên thế giới có thể sánh kịp Pháp trong những thập kỷ gần đây. Năm 2020, điện hạt nhân cung cấp khoảng 67% nhu cầu điện (giảm so với 71% của năm 2019). Hiện Pháp có 56 nhà máy điện vẫn đang hoạt động và một nhà máy đang được xây dựng. Các nhà máy điện có tuổi thọ trung bình gần 37 năm và lò phản ứng mới nhất đi vào hoạt động là năm 1999.
Tính đến cuối năm 2022, nhà cung cấp năng lượng hạt nhân lớn nhất thế giới và là tập đoàn thuộc sở hữu nhà nước EDF - nơi điều hành các lò phản ứng của Pháp, dự kiến sẽ có khoản nợ lên tới 60 tỷ euro. EDF vẫn phải đầu tư khoảng 100 tỷ euro để giữ cho các lò phản ứng cũ hoạt động đến năm 2030. Mới đây, Tổng thống tái đắc cử Emmanuel Macron đã công bố kế hoạch xây dựng sáu lò phản ứng mới. Riêng dự án lò phản ứng hạt nhân Flamanville đi theo công nghệ lò thế hệ thứ ba đã chậm tiến độ 10 năm và vượt ngân sách khoảng 5 lần. Về kho lưu trữ chất thải phóng xạ cao, Pháp vẫn chưa tìm được nơi chôn cất cố định.
3/ Ấn Độ: Điện hạt nhân quá đắt:
Năm 2022, Ấn Độ có 19 lò phản ứng hạt nhân sản xuất hơn 3% tổng năng lượng quốc gia. Ba lò phản ứng đã hoạt động trong 10 năm qua và sáu nhà máy điện đang được xây dựng. Tuổi trung bình của các lò phản ứng vào khoảng 20 năm. Tuy nhiên, việc mở rộng điện hạt nhân ở Ấn Độ đã bị cản trở bởi sự chậm trễ và chi phí tăng. Năm 2012, Ủy ban Kế hoạch của Ấn Độ (PCI) dự kiến tổng công suất của tất cả các lò phản ứng sẽ tăng từ dưới 5 gigawatt (GW) lên tới 30 GW vào năm 2027.
Các lò phản ứng có công suất dưới 7 GW đã được hòa vào lưới điện vào năm 2020. Các lò phản ứng đang xây dựng có tổng công suất 4 GW. Do thời gian xây dựng các lò phản ứng ở Ấn Độ là hơn 10 năm, nên sẽ có tối đa 11 GW sẽ được hòa vào lưới vào năm 2027, ít hơn gần ba lần so với kế hoạch ban đầu.
4/ Trung Quốc: Năng lượng tái tạo lấn át năng lượng hạt nhân:
Theo WNISR, Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu thế giới về việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới. Trong 10 năm qua, 37 lò phản ứng đã đi vào hoạt động, hiện có 55 lò phản ứng đang hoạt động và 22 lò phản ứng khác đang được xây dựng. Tỷ trọng điện hạt nhân trong cơ cấu điện của nước này là gần 5% vào năm 2021, nhưng Trung Quốc lại xây dựng ít lò phản ứng hơn đáng kể so với dự kiến ban đầu trong kế hoạch 5 năm và trọng tâm hướng tới mở rộng năng lượng tái tạo. Thực tế năng lượng tái tạo đang làm lu mờ điện hạt nhân.
Theo Cục Quản lý Năng lượng Quốc gia Trung Quốc (NEA): Năm 2020, Trung Quốc có 72 GW điện gió, 48 GW điện mặt trời và 13 GW thủy điện đã được kết nối vào lưới điện quốc gia. Các nhà máy điện hạt nhân chỉ đóng góp 2 GW công suất mới trong cùng thời điểm nói trên. Trung Quốc không có kho chứa chất thải phóng xạ cao, nhưng hiện đang khảo sát xây kho tại sa mạc Gobi. Chất thải hạt nhân hiện đang được lưu trữ tại chỗ, ngay tại địa điểm các nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động.
5/ Ba Lan: Lên kế hoạch mới về điện hạt nhân:
Theo báo cáo WNISR, Ba Lan có kế hoạch phi hạt nhân hóa từ những năm 80 ở thế kỷ trước - sau sự cố Chernobyl năm 1986, nhưng nay lại bắt đầu xây dựng hai lò phản ứng mới. Năm 2014, Chính phủ đã thông qua kế hoạch xây dựng 6 lò phản ứng mới, với tổ máy đầu tiên sẽ đi vào hoạt động vào năm 2024. Đầu năm 2021, Chính phủ Ba Lan đưa ra dự kiến xây dựng sáu lò phản ứng ở hai địa điểm, với lò phản ứng đầu tiên bắt đầu hoạt động vào năm 2033.
Gần đây nhất, nước Anh đã tìm cách thúc đẩy tiến độ xây dựng lò phản ứng hạt nhân Sizewell C, bởi họ nhận ra rằng: Nếu dự án này được xây dựng đúng tiến độ, nước Anh có thể bớt lo lắng về nguồn cung khí đốt đang và sẽ còn tiếp tục căng thẳng ở châu Âu trong vài năm tới.
Trong tương lai, năng lượng hóa thạch có thể sẽ rất đắt và phụ thuộc vào địa chính trị, trong khi năng lượng tái tạo có giá rẻ hơn, nhưng không ổn định, do đó, năng lượng hạt nhân có thể sẽ nổi lên như một giải pháp carbon thấp. Điện hạt nhân: Đắt, nhưng ổn định./.
KHẮC NAM - CHUYÊN GIA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM
(THEO: DW - 9/2022)
Link tham khảo: