|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

TS. Tô Hoài Nam: Xanh hóa là ‘chìa khóa’ giúp hàng Việt vượt rào thuế quan

TS.Tô Hoài Nam cho rằng, doanh nghiệp cần xanh hóa sản phẩm, tận dụng FTA để đa dạng thị trường xuất khẩu, ứng phó với khó khăn hiện tại.

Doanh nghiệp Việt cần bệ đỡ chính sách

Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, TS. Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam - cho rằng, ngay khi Hoa Kỳ công bố áp thuế đối ứng lên tới 46% với khoảng 90% tổng lượng hàng hóa nhập khẩu Việt Nam, đã có những phản ứng chính sách rất kịp thời nhằm đảm bảo nguyên tắc thương mại công bằng.

Cuộc điện đàm của Tổng Bí thư Tô Lâm với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cũng như các cuộc gặp gỡ, làm việc với các đối tác Hoa Kỳ của lãnh đạo Đảng, Chính phủ nhằm duy trì các kênh đối thoại và làm rõ quan điểm của Việt Nam... đã nói lên điều đó” - TS. Tô Hoài Nam cho hay.

Theo TS. Tô Hoài Nam, thông qua sự phản ứng linh hoạt, kịp thời đã giúp củng cố niềm tin của Hoa Kỳ đối với năng lực của doanh nghiệp, thị trường Việt Nam. Đặc biệt, các động thái đã làm nổi bật vai trò Việt Nam là "mắt xích" quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Sáng ngày 10/4 (giờ Việt Nam), Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cũng đã ra tuyên bố thay đổi chính sách thuế quan. Theo đó, Hoa Kỳ đã tạm hoãn thuế đối ứng áp dụng với các đối tác trong 90 ngày và đây cũng là cơ hội để Việt Nam trao đổi, đối thoại, đàm phán với phía bạn.

TS.Tô Hoài Nam cho rằng, bước đi tiếp theo của Việt Nam trong 90 ngày tới khi Hoa Kỳ hoãn áp dụng thuế đối ứng riêng lẻ với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, là Việt Nam cần tiếp tục phối hợp với các đối tác, tổ chức thúc đẩy đàm phán, đối thoại để giải quyết các vướng mắc trong hợp tác với phía Hoa Kỳ.

TS. Tô Hoài Nam khuyến nghị, cần thay đổi cấu trúc chuỗi cung ứng theo hướng phân tán rủi ro, mở rộng nhiều thị trường khác nhau

TS. Tô Hoài Nam khuyến nghị, cần thay đổi cấu trúc chuỗi cung ứng theo hướng phân tán rủi ro, mở rộng nhiều thị trường khác nhau. Ảnh: TTXVN

Bên cạnh đó, TS. Tô Hoài Nam nêu ý kiến, điều cần thiết và cấp bách hiện tại ngoài đàm phán với Hoa Kỳ, cần các giải pháp đồng bộ và thiết thực để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn thử thách thuế quan này.

Thời gian qua, Chính phủ đã và đang chỉ đạo hỗ trợ doanh nghiệp bằng chính sách thuế như giãn, hoàn thuế; xây dựng để sửa các luật giảm thuế, phí, lệ phí trình Quốc hội; giảm tiền thuê đất, giảm chi phí tuân thủ… tạo giảm chi phí đầu vào, tăng tính cạnh tranh cho doanh nghiệp. Cùng với đó, cần khẩn trương xây dựng một gói tín dụng ưu đãi, tập trung vào nhóm doanh nghiệp xuất khẩu đang chịu ảnh hưởng bởi chính sách thuế mới...

Đồng thời, nhà nước bên cạnh xây dựng chính sách hỗ trợ, cần phải kiến tạo năng lực thích nghi cho doanh nghiệp. Theo đó, tăng cường đầu tư vào hệ thông cảnh báo rủi ro thuế quan, cũng như các biến cố khác trên thế giới, giúp doanh nghiệp dự báo được những thay đổi chính sách của thị trường.

Nhà nước cũng cần triển khai những chương trình, kế hoạch đào tạo chuyên sâu về thị trường, đổi mới mô hình sản xuất theo bộ tiêu chí ESG (môi trường - xã hội - quản trị) cho doanh nghiệp. Ngoài ra, việc hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao hình ảnh và độ nhận diện sản phẩm Việt trên trường quốc tế sẽ là yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường mới.

Theo TS. Tô Hoài Nam, việc đồng hành cùng doanh nghiệp trong giai đoạn này không chỉ là hỗ trợ ngắn hạn để vượt qua các khó khăn thuế quan mà còn là một chiến lược phát triển bền vững. Đây cũng là cách để khẳng định vai trò của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu, từng bước xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ và có khả năng thích nghi linh hoạt trước mọi biến động của thương mại toàn cầu.

Xanh hóa sản phẩm: 'Chìa khóa' vượt rào cản thuế quan
TS.Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME)

Cơ hội tái cấu trúc chuỗi cung ứng

Đối với bản thân doanh nghiệp Việt Nam, TS. Tô Hoài Nam khuyến nghị, cần thay đổi cấu trúc chuỗi cung ứng theo hướng phân tán rủi ro, mở rộng nhiều thị trường khác nhau. Bởi, việc doanh nghiệp phụ thuộc vào thị trường truyền thống khi xảy ra biến động về thuế quan cũng như các hàng rào tiêu chuẩn kỹ thuật sẽ dễ rơi vào thế bị động, không có phương án thích ứng, thay thế trong lúc cấp bách.

Ngoài ra, doanh nghiệp phải chủ động nâng cao năng lực sản xuất, đầu tư vào công nghệ hiện đại, chuyển đổi số và tự động hóa nhằm tăng năng suất, giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm. “Điều này nên là bắt buộc chứ không phải sự lựa chọn để tạo bứt phá; đồng thời hãy xem đây là yếu tố sống còn để thích nghi với các chính sách thuế ngày càng khắt khe từ thị trường quốc tế'" - TS. Tô Hoài Nam nhấn mạnh.

Một hướng đi chiến lược khác, theo TS. Tô Hoài Nam là doanh nghiệp cần tập trung đầu tư phát triển các dòng sản phẩm xanh, sạch, thân thiện với môi trường. Đây là xu hướng tất yếu của tiêu dùng toàn cầu, đồng thời cũng giúp sản phẩm Việt dễ dàng vượt qua các hàng rào kỹ thuật và tiêu chuẩn khắt khe tại các thị trường phát triển như Hoa Kỳ, EU, Canada, Nhật Bản. “Nếu nắm bắt tốt, Việt Nam hoàn toàn định vị vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu, thành nhà cung cấp chiến lược, được nhà đầu tư, người tiêu dùng coi trọng” - TS. Tô Hoài Nam cho hay.

Cuối cùng, một trong những giải pháp căn cơ được TS. Tô Hoài Nam nhấn mạnh là doanh nghiệp cần tận dụng hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký như EVFTA, CPTPP, RCEP… để đa dạng thị trường xuất khẩu, giảm dần sự phụ thuộc vào một số thị trường. Trong đó, các thị trường tiềm năng như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, ASEAN cần được tập trung xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu để đa dạng thị trường cho hàng hóa Việt Nam.

Thời gian qua, Việt Nam đã thúc đẩy cải cách môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Hoa Kỳ hoạt động kinh doanh. Đây sẽ là cơ sở nền tảng để chúng ta tiến hành các cuộc đối thoại nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực từ chính sách thuế mới.
Bảo Thoa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết