|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thúc đẩy sử dụng năng lượng sinh khối trong sản xuất nhiệt công nghiệp

Ngày 28/10, Chương trình Thúc đẩy đầu tư năng lượng sạch (CEIA) tổ chức hội thảo trực tuyến “Thúc đẩy thị trường các giải pháp carbon thấp cho quá trình nhiệt trong công nghiệp tại Việt Nam”.

Chương trình có sự tham gia của đại diện nhiều doanh nghiệp nước ngoài uy tín có nhà máy sản xuất tại Việt Nam như: Heineken, H&M, Nike… cùng đại diện Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA). Các doanh nghiệp, tổ chức đã cùng thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về giải pháp carbon thấp khi sản xuất tại Việt Nam, từ đó đưa ra một số đề xuất trong thời gian tới.

Việt Nam có nguồn sinh khối dồi dào để sản xuất năng lượng, đặc biệt là điện, nhiệt. Trong Quy hoạch điện VII (điều chỉnh), mục tiêu phát triển điện sinh khối trong tổng sản lượng điện là 2,1% vào năm 2030. Nâng cao sử dụng, nghiên cứu về năng lượng sinh học bền vững ở Việt Nam sẽ giúp cải thiện các điều kiện tiền đề cho việc sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên sinh khối cho sản xuất điện, nhiệt trong cả nước. Từ đó hướng đến phát triển bền vững nền kinh tế và góp phần bảo vệ môi trường.

Đẩy mạnh phát triển năng lượng sinh khối trong sản xuất nhiệt ở Việt Nam

Phát biểu tại hội thảo, ông Jinlei Feng, đại diện Trung tâm chính sách tri thức và tài trợ thuộc IRENA đánh giá, ở châu Á, chi phí cho sản xuất nhiệt từ năng lượng mặt trời thấp hơn so với năng lượng sinh khối, điển hình là vốn đầu tư và chi phí vận hành. Năm 2018, năng lượng sinh khối nếu được sử dụng thì đa số dành cho sản xuất nhiệt công nghiệp. Tuy nhiên, cần kết hợp các ngành năng lượng này với nhau để đảm bảo nguồn năng lượng dự trữ khi một ngành khác không thể đáp ứng. Ví dụ như khi thiếu nguồn cung điện mặt trời do yếu tố thời tiết thì năng lượng sinh khối sẽ phát huy tác dụng, đồng thời góp phần giảm thiểu phế phẩm nông nghiệp gây ô nhiễm môi trường.

Mới đây, Tổ chức Geres đã tiến hành khảo sát về năng lượng sinh khối ở Việt Nam. Kết quả cho thấy rằng, tài nguyên sinh khối có sẵn ở Việt Nam có thể tận dụng và sử dụng trong nhiều năm.

Theo đó, bà Aude Petelot, chuyên gia về năng lượng bền vững thuộc Geres, trưởng nhóm nghiên cứu đề xuất, cần có lựa chọn khác nhau cho các nhà máy dệt may ở Việt Nam để có quá trình tạo nhiệt công nghiệp bền vững hơn. Các doanh nghiệp dệt may ở Việt Nam cần nghiên cứu sâu hơn tài liệu về sáng kiến, kết quả nghiên cứu của những tác giả trong khu vực và các quốc gia khác về vấn đề tạo nhiệt bền vững trong công nghiệp. Trong đó ưu tiên các giải pháp về giảm phát thải, tái sử dụng nước, cắt giảm chi phí…

Bên cạnh đó, đại diện các doanh nghiệp quốc tế có nhà máy sản xuất ở Việt Nam cũng khẳng định sự cần thiết của việc sử dụng năng lượng sinh khối vào tạo nhiệt trong dây chuyền sản xuất và chia sẻ về kinh nghiệm sử dụng năng lượng này trong thời gian qua.

Cụ thể, đại diện doanh nghiệp thời trang H&M cho biết, doanh nghiệp hiện có 10 nhà máy ở Việt Nam đang sử dụng hệ thống nhiệt từ năng lượng sinh khối để chế tạo vải cho các sản phẩm của hãng.

Một số đại diện các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đã áp dụng và nghiên cứu về năng lượng sinh khối tại Việt Nam cùng thảo luận tại hội thảo

Bà Lê Thị Ngọc Mỹ, Giám đốc Phát triển bền vững của Heineken Việt Nam chia sẻ, nhiệt sản xuất từ sinh khối của Heineken ở Việt Nam chiếm 60% nhiệt năng sử dụng trong sản xuất. Trong năm 2022, Heineken phấn đấu đạt mục tiêu 100% sử dụng nhiệt năng từ sinh khối trong sản xuất. Hướng đến phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, công ty đã tận dụng các cơ hội về sinh khối của Việt Nam vào dây chuyền sản xuất của mình. Trong đó, tận dụng thị trường, công nghệ, nguồn nguyên liệu có sẵn về sinh khối; dễ dàng đạt được chỉ tiêu về năng lượng tái tạo; không cần chi phí vốn; giảm lượng thất thoát nhiệt năng và giá thành rẻ hơn so với dầu diesel.

Đại diện CEIA, TS. Đào Thu Hằng cũng cho biết tại hội thảo, thị trường sinh khối của Việt Nam rất đa dạng và có sẵn. Tính riêng phế phẩm vỏ trấu sau quá trình sản xuất lúa gạo cũng đạt tới 35.000 tấn/năm. Bên cạnh việc sử dụng là nguyên liệu cho sản xuất nhiệt công nghiệp, vỏ trấu còn được nén tạo viên, thanh và đã xuất khẩu đến các nước Nhật, Hàn trong nhiều năm qua. Đây là nguồn tài nguyên sẵn có, không sợ rủi ro hay đứt gãy về nguồn cung.

Tuy nhiên, hiện năng lượng sinh khối mới được phổ biến ở các doanh nghiệp lớn, những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ vẫn chưa được tiếp cận với nguồn năng lượng này. Một phần do thiếu chi phí khi mua máy móc mới, phần khác cũng do khung pháp lý trong hỗ trợ sử dụng năng lượng sinh khối chưa có. Việt Nam là nước đang phát triển nên sẽ có nhiều thay đổi trong chính sách và chiến lược vì vậy việc cam kết, ký kết hợp tác trong thời gian lâu dài là rất khó thực hiện.

Do đó, CEIA kỳ vọng hội thảo là dịp để các bên liên quan trong thị trường năng lượng tái tạo cùng chia sẻ thông tin, cập nhật về thị trường, trao đổi kinh nghiệm, hiểu biết để cùng xác định và hướng tới các chính sách, quy định và tài chính cần thiết đáp ứng cho những mục tiêu năng lượng sạch và thúc đẩy chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam.

Thanh Bảo


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết