|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những lưu ý khi lắp đặt các trạm sạc điện cho xe ô tô điện

Hiện nay, ô tô điện đang dần trở thành xu thế, được quan tâm nhiều hơn vì lí do thân thiện với môi trường và tiết kiệm chi phí mua xăng, dầu. Tuy nhiên, nếu không hoàn thiện được hạ tầng trạm sạc điện thì việc phát triển xe điện tại Việt Nam sẽ khó khăn vì người dân sẽ không thể mua xe điện khi thiếu trạm sạc điện. Một trong những nguyên nhân mà người dân hiện nay vẫn “ngại” sử dụng xe điện là vì số lượng trạm sạc xe điện ở Việt Nam còn quá ít và xa nơi họ sinh sống, gây bất tiện cho việc sạc điện và sử dụng xe điện.

Do đó, để thúc đẩy hoạt động kinh doanh xe điện và thu hút việc đầu tư xây dựng, lắp đặt, vận hành các trạm sạc điện cho ô tô điện tại nước ta. Nhà nước đã có những quy định và quy chuẩn để các doanh nghiệp kinh doanh xe điện có thể xây dựng các trạm sạc điện tại bãi đậu xe công cộng, khu đô thị, trạm dừng nghỉ...

Tuy nhiên, hệ thống các quy định của pháp luật về quy chuẩn, tiêu chuẩn về trạm sạc điện cho ô tô còn nhiều khoảng trống và đặt ra yêu cầu sớm ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn cho các trạm sạc điện này.

Những lưu ý khi lắp đặt các trạm sạc điện cho xe ô tô điện
Vinfast đang là đơn vị tiên phong trong việc lắp đặt các trạm sạc xe ô tô điện trên toàn quốc.

Dưới đây là một số lưu ý khi xây dựng, lắp đặt hệ thống trạm sạc điện cho ô tô tại nước ta hiện nay.

Nguyên tắc cơ bản khi lắp đặt trạm sạc xe điện

Việc lắp đặt trạm sạc xe điện phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động đầu tư xây dựng: Bảo đảm đầu tư xây dựng công trình theo quy hoạch, thiết kế; Sử dụng hợp lý nguồn lực, tài nguyên, bảo đảm đúng mục đích, đối tượng và trình tự đầu tư xây dựng; Tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; Bảo đảm chất lượng, tiến độ, an toàn công trình, tính mạng, sức khỏe con người và tài sản; phòng, chống cháy, nổ; bảo vệ môi trường.

Điều kiện để lắp đặt thiết bị sạc điện

Việc lắp đặt thiết bị sạc điện phải đúng ứng các yêu cầu cụ thể như sau:

Chỉ bố trí tại khu vực để xe theo thiết kế xây dựng đã được thẩm định và cấp Giấy phép xây dựng (“GPXD”); Việc lắp đặt trong công trình hiện hữu phải đảm bảo yêu cầu không làm ảnh hưởng đến an toàn kết cấu chịu lực của công trình và yêu cầu về phòng cháy chữa cháy; Các thiết bị sạc điện phải được cơ quan chức năng đánh giá và cấp giấy chứng nhận hợp chuẩn theo các tiêu chuẩn liên quan, đảm bảo yêu cầu ngắt kết nối khi có nguy cơ điện giật, cháy nổ nhằm đảm bảo an toàn công trình, tính mạng, sức khỏe con người và tài sản.

Yêu cầu về GPXD

Theo quy định của pháp luật xây dựng trường hợp được miễn Giấy phép xây dựng như: Công trình sửa chữa, cải tạo bên trong công trình hoặc công trình sửa chữa, cải tạo mặt ngoài không tiếp giáp với đường trong đô thị có yêu cầu về quản lý kiến trúc theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; nội dung sửa chữa, cải tạo không làm thay đổi công năng sử dụng, không làm ảnh hưởng đến an toàn kết cấu chịu lực của công trình, phù hợp với quy hoạch xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, yêu cầu về an toàn phòng, chống cháy, nổ và bảo vệ môi trường.

Như vậy, khi lắp đặt các trạm sạc xe điện tại các vị trí thuộc phần đất hạ tầng kỹ thuật, đất giao thông, công trình công cộng, các trạm xăng, điểm dừng nghỉ trên các tuyến đường thì phải có Giấy phép xây dựng.

Quy định về phòng cháy và chữa cháy đối với trạm sạc xe điện

Khi đặt trạm sạc xe điện trong một số loại hình công trình thì việc xác định đối tượng thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy được quy định như sau:

Theo quy định tại Phụ lục V Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phóng cháy và chữa cháy và Luật sử đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy: Đối với trạm sạc xe điện đặt tại gara xe độc lập, gara xe bên trong nhà của các công trình thuộc đối tượng phải thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy; trong khuôn viên cửa hàng xăng dầu cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thực hiện thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy đối với các đối tượng là các gara xe, công trình, cửa hàng xăng dầu;

Đối với trạm sạc xe điện đặt ngoài trời (trừ trường hợp đặt trong khuôn viên cửa hàng kinh doanh xăng dầu) không quy định phải thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy.

Tuy nhiên, vì quy chuẩn, tiêu chuẩn về xe điện cũng như các vấn đề về hướng dẫn lắp đặt trạm sạc còn chưa cụ thể nên phụ thuộc vào quan điểm và hướng dẫn của từng cơ quan có thẩm quyền.

Đồng thời, các quy định về đăng ký ngành nghề kinh doanh trạm sạc xe điện chưa được quy định cụ thể và xây dựng các trạm sạc xe điện gây khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh xe điện, hay chính các cơ sở có đủ khả năng đầu tư độc lập.

Hơn nữa, kinh doanh điện là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thì mới được phép kinh doanh. Nên rất cần những quy định cụ thể để việc xây dựng, lắp đặt hệ thống các trạm sạc xe điện được rộng khắp, đồng bộ, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, giúp hạn chế dần việc sử dụng ô tô dùng động cơ đốt trong từ đó góp phần bảo vệ môi trường./.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết