|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Dự báo nào cho xuất khẩu rau, quả năm 2025?

Kim ngạch xuất khẩu rau quả tăng từ 3,3 tỷ USD năm 2022 lên 5,6 tỷ USD năm 2023 và sẽ đạt 7,2 tỷ USD năm nay. Con số 8 tỷ USD dự báo sẽ đạt được trong năm 2025.

Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam - đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương xung quanh vấn đề này.

Năm 2024 sắp kết thúc, ông đánh giá như thế nào về "bức tranh" toàn cảnh xuất khẩu rau, quả năm nay?

Năm nay, chắc chắn ngành hàng rau, quả sẽ có kỷ lục mới. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu rau, quả chỉ đạt 3,3 tỷ USD. Năm ngoái, chúng ta đã có kỷ lục 5,6 tỷ USD, dự kiến năm nay sẽ thu về từ 7,1 - 7,2 tỷ USD. Trong "bức tranh" chung của xuất khẩu rau, quả, đều ghi nhận sự tăng trưởng về kim ngạch đối với từng nhóm mặt hàng so với cùng kỳ năm ngoái.

Sầu riêng là mặt hàng xuất khẩu mang về kim ngạch lớn nhất của ngành rau quả trong năm 2024
Sầu riêng là mặt hàng xuất khẩu mang về kim ngạch lớn nhất của ngành rau, quả trong năm 2024. Ảnh: M.H

Trong đó, tăng trưởng nhiều nhất là mặt hàng sầu riêng. Dự kiến, năm nay, xuất khẩu mặt hàng này sẽ thu về trên 3,2 tỷ USD. Nhờ xuất khẩu sầu riêng tăng 1 tỷ USD so với năm ngoái đã đẩy kim ngạch xuất khẩu chung của toàn ngành tăng trên 7 tỷ USD.

Riêng với những mặt hàng như chanh leo, bưởi, dừa tươi, sầu riêng đông lạnh, đây là những mặt hàng mới mở cửa thị trường, các doanh nghiệp còn đang loay hoay trong vấn đề xin mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, thiết lập quan hệ với các đối tác nước ngoài. Hay nói cách khác, hiện các doanh nghiệp đang trong quá trình chuẩn bị. Một số mặt hàng như trái bưởi, trái dừa đã xuất khẩu những chuyến hàng đầu tiên nhưng chưa nhiều. Sang năm, những mặt hàng này mới có thể phát huy được lợi thế.

Câu chuyện thị trường xuất khẩu, ông đánh giá như thế nào về việc này?

Báo cáo của Tổng cục Hải quan cho thấy, khu vực Đông Bắc Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hồng Kông (Trung Quốc),… chiếm khoảng gần 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành rau, quả; 20% còn lại sẽ xuất khẩu đến thị trường châu Âu, Mỹ, Trung Đông,…

Dự báo nào cho xuất khẩu rau quả năm 2025?
Ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam

Do đó, thị trường khu vực Đông Bắc Á rất quan trọng đối với ngành rau, quả Việt Nam. Dân số khu vực này đông, GDP các thị trường khu vực này cao, những nước nằm trong Top 10 các nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng nằm trong khu vực này. Bên cạnh đó, các thị trường này rất gần nguồn cung của Việt Nam. Do đó, chi phí logistics, thời gian vận chuyển, bảo quản thuận lợi hơn so với việc xuất khẩu đi các thị trường khác. Đây là lợi thế cạnh tranh của rau, quả Việt Nam và chúng ta xuất khẩu được nhiều đến các thị trường này. Trong thời gian tới, chúng ta cần khai thác thêm các thị trường này bằng mở các mặt hàng mới, đồng thời tìm cách đi sâu vào mạng lưới tiêu thụ của họ.

Để thâm nhập vào các thị trường này, chúng ta cũng cần nâng cao chất lượng, không để xảy ra các vi phạm về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Khi đó, chúng ta sẽ chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu.

Cùng với sự đồng hành, hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành trong việc ký kết các Hiệp định thương mại tự do, nghị định thư,… khi đó, kim ngạch xuất khẩu rau, quả sẽ gia tăng.

Bằng chứng cho thấy, sầu riêng Việt Nam xuất khẩu đi sau Thái Lan gần 10 năm, nhưng đến nay, chúng ta cũng đã vượt lên gần bằng Thái Lan. Hay với mặt hàng chuối, trước đây, chúng ta chỉ đứng hàng thứ hai, thứ ba khi xuất khẩu sang Trung Quốc, nay đã vươn lên vị trí thứ nhất.

Đặc biệt, với vị trí địa lý nằm trong khu vực Đông Nam Á sát cạnh bờ biển Đông trải dài 3.260km và điều kiện khí hậu nhiệt đới gió mùa với lượng mưa lớn hàng năm thuận lợi cho ngành trồng trọt, Việt Nam có tiềm năng rất lớn để trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu về sản xuất và xuất khẩu rau, hoa, quả nhiệt đới trên thị trường khu vực và quốc tế.

Nhiều ý kiến cho rằng, xuất khẩu rau, quả của Việt Nam có thể lên con số 10 tỷ USD, ông bình luận gì về con số này?

Con số này hoàn toàn có khả năng đạt được. Trước đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu xuất khẩu rau, quả đến 2025 sẽ đạt con số 5 tỷ USD. Tuy nhiên, năm 2023, chúng ta đã ghi nhận con số 5,6 tỷ USD và năm nay dự kiến thu về trên 7 tỷ USD.

Khả năng, các mặt hàng mới ký nghị định thư với Trung Quốc như trái dừa tươi hay sầu riêng đông lạnh sẽ phát huy hiệu quả trong năm tới đây. Dự báo, năm 2025, xuất khẩu rau, quả sẽ thu về 8 tỷ USD. Đích đến con số 10 tỷ USD không quá xa. Tất nhiên, chúng ta phải bước đi từ từ chứ không nhanh được.

Dư địa xuất khẩu rau, quả của Việt Nam còn rất lớn, diện tích trồng cây ăn trái của người dân ngày càng mở rộng ra, chất lượng ngày càng nâng cao. Chắc chắn, thị phần rau, quả của Việt Nam trên thị trường thế giới sẽ ngày càng nhiều.

Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Hạnh
 

Tác giả: Nguyễn Hạnh
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết