PVTrans đạt Top 10 công ty uy tín ngành logistics năm 2022
span class="__MB_SITE_AUTHOR">(PetroTimes) - Ngày 30/11/2022, Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) chính thức công bố Top 10 Công ty uy tín ngành Logistics năm 2022. Ở nhóm ngành vận tải hàng hoá, Tổng công ty CP Vận tải Dầu khí (PVTrans) và 2 đơn vị khác thuộc Tổng công ty PVTrans vinh hạnh nằm trong Top 10 năm 2022.
Top 10 Công ty uy tín ngành Logistics năm 2022 được xây dựng dựa trên các nguyên tắc khoa học và khách quan. Các công ty được đánh giá, xếp hạng dựa trên 3 tiêu chí chính: (1) Năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính năm gần nhất; (2) Uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding - mã hóa các bài viết về công ty trên các kênh truyền thông có ảnh hưởng; (3) Khảo sát đối tượng nghiên cứu và các bên liên quan được thực hiện trong tháng 10-11/2022.
Top 10 Công ty uy tín ngành Logistics năm 2022 - nhóm ngành Vận tải hàng hóa |
Ở nhóm ngành vận tải hàng hoá, PVTrans đứng vị trí số thứ 2 trong Top 10. Không chỉ có PVTrans, 2 đơn vị khác thuộc Tổng công ty PVTrans cũng vinh hạnh nằm trong Top 10 năm 2022, đó là Công ty CP Vận tải Dầu khí Thái Bình Dương (vị trí số 3) và Công ty CP vận tải Nhật Việt (vị trí số 6).
Thế giới đang dần chuyển sang một trạng thái mới – một chu kỳ kinh tế mới. Trong giai đoạn giao thời với nhiều biến động, cộng đồng doanh nghiệp phải đối mặt với khó khăn chồng khó khăn từ những hệ lụy của đại dịch cho tới cuộc xung đột Nga - Ukraine, chiến lược Zero-Covid tại Trung Quốc tiếp tục làm trầm trọng hơn tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, giá năng lượng và thực phẩm tăng, lạm phát leo thang và lãi suất tăng mạnh…
Đứng trước bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới đã có động thái tái định vị chuỗi cung ứng của mình, hình thành xu hướng toàn cầu hóa kiểu mới – hậu Covid-19. Đây là thách thức, cũng là cơ hội to lớn đối với các doanh nghiệp Việt nói chung và ngành logistics nói riêng. Để vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, các doanh nghiệp trong nước cần phải thích ứng linh hoạt, liên tục đổi mới để nâng cao khả năng hiển thị, cho phép hoạt động kỹ thuật số, hỗ trợ khách hàng với các dịch vụ và mô hình kinh doanh mới, đồng thời đảm bảo hoạt động hậu cần an toàn để đối phó với những thay đổi trong trung và dài hạn.
Trong bối cảnh dịch bệnh được kiểm soát, thị trường logistics toàn cầu trên đà phục hồi, tình trạng tắc nghẽn cảng giảm thiểu sau khi các biện pháp phòng chống dịch dần được gỡ bỏ. Là một trong những mắt xích quan trọng trong quá trình phục hồi các hoạt động xuất, nhập khẩu của cả nước, ngành logsitics đóng góp phần không nhỏ vào kết quả tích cực này.
N.H