Vĩnh Phúc thực hiện Nghị quyết 55 - Bài 2: Chuyển đổi xanh nhờ tiết kiệm năng lượng
Từ nền tảng nhận thức cộng đồng, Vĩnh Phúc đang thực hiện đồng bộ nhiều chính sách tiết kiệm năng lượng trong đó tập trung vào chuyển đổi xanh, bền vững.
Đồng bộ chính sách và hạ tầng lưới điện
Trên cơ sở mục tiêu chung về an ninh năng lượng được Bộ Chính trị đề ra tại Nghị quyết số 55-NQ/TW, bám sát tình hình thực tế địa phương, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã cụ thể hóa nội dung này trong Chương trình hành động số 91/CTr-TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.
Trung tâm điều khiển xa của Công ty Điện lực Vĩnh Phúc. Ảnh: Thạch Thảo |
Trong đó, nhấn mạnh mục tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, giảm cường độ năng lượng trong phát triển kinh tế. Tỉnh Vĩnh Phúc đặt ra các chỉ tiêu cụ thể về tiết kiệm điện, kiểm soát tiêu thụ năng lượng trong các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ, sinh hoạt; khuyến khích chuyển đổi sang thiết bị, công nghệ tiết kiệm điện và thúc đẩy nhân rộng mô hình tiêu dùng điện hiệu quả trên địa bàn toàn tỉnh.
Theo đó với mục tiêu cung cấp đủ nhu cầu năng lượng của tỉnh, đáp ứng các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 cụ thể, tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15% vào năm 2030; 25% vào năm 2045; Tỉ lệ tiết kiệm năng lượng trên tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng so với kịch bản phát triển bình thường đạt khoảng 7% vào năm 2030 và khoảng 14% vào năm 2045.
Đồng thời, giảm mức tiêu hao năng lượng bình quân của các cơ sở công nghiệp trên địa bàn so với giai đoạn 2015-2018 cụ thể: Sản xuất thép 3-16%, sản xuất hóa chất 10%, sản xuất nhựa 18-24%, dệt may 7%, rượu bia nước giải khát 5-9%, sản xuất giấy 9-18%; Giảm lượng tiêu thụ xăng dầu trong giao thông vận tải so với dự báo nhu cầu 5%...
Ông Vũ Vĩnh Hà - Trưởng phòng Quản lý Năng lượng, Sở Công Thương Vĩnh Phúc cho biết: Qua rà soát, đến nay một số mục tiêu đề ra của tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo lộ trình thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 55) đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Giai đoạn 2021- 2024, sản lượng điện thương phẩm toàn tỉnh tăng trung bình 8,3%/năm, đạt 4.469,9 triệu kWh vào năm 2024. Tính lũy kế giai đoạn 2020- 2024, tỉnh đã tiết kiệm 407,16 triệu kWh điện, tương đương 2,12% tổng sản lượng tiêu thụ, một tỷ lệ cao so với mặt bằng cả nước. Tổng số trên 64/70 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm thực hiện kiểm toán năng lượng.
Chia sẻ về công tác đầu tư, quản lý vận hành hệ thống cơ sở hạ tầng lưới điện của tỉnh Vĩnh Phúc, ông Nguyễn Văn Quý – Phó Giám đốc Công ty Điện lực Vĩnh Phúc cho biết: Những năm qua hệ thống lưới điện tỉnh Vĩnh Phúc đã được đầu tư hiện đại hóa nhanh chóng. 24 dự án đường dây và trạm biến áp 110kV với tổng vốn gần 2.600 tỷ đồng đã hoàn tất, kết quả này đã góp phần nâng khả năng cung ứng cho sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân trên địa bàn tỉnh.
"Tỷ lệ tổn thất điện năng giảm liên tục từ 2,71% năm 2020 xuống còn 2,62% năm 2024 – mức tiệm cận ổn định và thấp hơn yêu cầu của Chính phủ"- ông Quý khẳng định.
Kiểm tra lưới điện bằng công nghệ UAV tại Công ty Điện lực Vĩnh Phúc. Ảnh: Thạch Thảo |
Cũng theo ông Nguyễn Văn Quý, ở góc độ công nghệ, Vĩnh Phúc cũng là một trong các địa phương đi đầu trong chuyển đổi số ngành điện với 100% hợp đồng điện đã được số hóa, 99,6% công tơ điện tử đo xa được lắp đặt. Điều này không chỉ tăng hiệu quả giám sát, mà còn giúp khách hàng chủ động kiểm soát hành vi tiêu dùng.
Nhằm thực hiện mục tiêu tiết kiệm điện theo Chương trình hành động số 91/CTr-TU, tỉnh Vĩnh Phúc đã đẩy mạnh phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ, với công suất hiện đạt 23,34 MW (chiếm khoảng 3,11% tổng công suất nguồn).
Song song đó, để nâng cao hiệu quả sử dụng điện trong công nghiệp, tỉnh đã phê duyệt Đề án và Kế hoạch hành động đến năm 2030 nhằm giảm tiêu hao năng lượng tại các cơ sở sản xuất, thúc đẩy ứng dụng công nghệ tiết kiệm điện. Trên cơ sở đó, Vĩnh Phúc cũng phối hợp triển khai kiểm kê khí nhà kính tại thành phố Vĩnh Yên, làm cơ sở mở rộng toàn tỉnh, tiến tới giảm phát thải từ lĩnh vực năng lượng theo đúng lộ trình quốc gia.
Từ ESCO đến điện mặt trời: Tạo đà cho chuyển đổi xanh
Hướng đến tương lai, Vĩnh Phúc không chỉ tiết kiệm mà còn tạo dư địa mới bằng việc phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời mái nhà.
Trên địa bàn hiện có hơn 23,34MW điện mặt trời, chiếm khoảng 3,1% tổng công suất. Mặc dù con số này còn khiêm tốn, nhưng tỉnh đã ban hành chương trình hành động riêng (Chương trình số 08/CTr-UBND) để đẩy mạnh phát triển điện mặt trời tự tiêu thụ tại các công sở, trường học, nhà xưởng.
Một bước tiến lớn khác là phát triển dịch vụ năng lượng ESCO (Energy Service Company). Tỉnh đã xác định đây là mô hình chiến lược, giảm gánh nặng đầu tư ban đầu cho doanh nghiệp. Các hình thức hợp đồng linh hoạt như: hợp đồng đảm bảo mức tiết kiệm, chia sẻ mức tiết kiệm, mua bán năng lượng, thuê thiết bị trả góp… được khuyến khích triển khai trên diện rộng.
Thực tế cho thấy, nhờ ESCO, nhiều doanh nghiệp công nghiệp quy mô vừa đã tiếp cận được công nghệ tiết kiệm điện mà không cần tự đầu tư lớn. Đây là mô hình “ba bên cùng có lợi”: doanh nghiệp sử dụng tiết kiệm điện, đơn vị ESCO thu lợi nhuận từ tiết kiệm điện, còn tỉnh thì đạt mục tiêu về hiệu quả năng lượng và bảo vệ môi trường.
Mô hình điện mặt trời áp mái của khách hàng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: PC Vĩnh Phúc |
Dù đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng Vĩnh Phúc cũng thẳng thắn nhìn nhận còn không ít khó khăn. Một bộ phận người dân, doanh nghiệp vẫn sử dụng thiết bị lạc hậu, chưa thay đổi hành vi tiêu dùng. Việc xác định định mức tiêu hao năng lượng chuẩn cho từng ngành còn phức tạp, nhất là trong các ngành sản xuất nhiều công đoạn, sản phẩm đa dạng.
Ngoài ra, các vướng mắc pháp lý trong đầu tư năng lượng tái tạo, đặc biệt là vấn đề hành lang pháp lý đặc thù, quy hoạch vùng, giải phóng mặt bằng... cũng đang làm chậm quá trình mở rộng các nguồn điện mới.
Nếu công tác tuyên truyền là bệ phóng cho nhận thức, thì chính sách và hành động thực tiễn là cánh tay vươn dài giúp Nghị quyết số 55 lan tỏa vào mọi ngóc ngách đời sống kinh tế. Vĩnh Phúc đã làm tốt điều đó, với sự chỉ đạo mạnh mẽ và cách làm quyết liệt.
Song, hành trình chưa dừng lại. Những gì đang triển khai hôm nay cần được tiếp nối bằng mô hình quản trị năng lượng hiện đại, chính sách khuyến khích linh hoạt và nền tảng pháp lý ổn định.
Vĩnh Phúc đặt mục tiêu không chỉ tiết kiệm năng lượng, mà còn chuyển đổi xanh toàn diện để hướng tới phát triển bền vững trong tương lai. |
Còn tiếp...