|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vietsovpetro hoàn thành vượt kế hoạch năm 2022 và những bài học kinh nghiệm

Bài báo dưới đây sẽ điểm lại những thành quả đã đạt được trong hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2022 của Liên doanh Việt - Nga (Vietsovpetro), rút ra một số bài học kinh nghiệm, để từ đó bổ sung và hoàn thiện các giải pháp nhằm hoàn thành nhiệm vụ, mục tiêu trong năm tới theo nội dung của Kỳ họp lần thứ 55 Hội đồng Liên doanh Việt - Nga đã đề ra (ngày 8/12/2022).

Vietsovpetro hoàn thành vượt kế hoạch năm 2022 và những bài học kinh nghiệm  | Tạp chí Năng lượng Việt Nam

Vào lúc 22h50 ngày 31/12/2022, Liên doanh Việt - Nga (Vietsovpetro) đã khai thác được 3.000.000 tấn dầu/condensate tại Lô 09-1 và đến hết năm 2022 khai thác được 3.000.379 tấn, chính thức hoàn thành vượt mức 2 nhiệm vụ bổ sung do hai phía giao trong Kỳ họp lần thứ 54 Hội đồng Vietsovpetro. Kết quả này một lần nữa khẳng định bản lĩnh, trí tuệ của tập thể lao động quốc tế Vietsovpetro trong bối cảnh phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của hậu đại dịch Covid-19, xung đột vũ trang, cấm vận, giá nguyên liệu biến động tăng, thiếu hụt nguồn cung và gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nhìn lại một năm qua, nhớ lại những thời điểm tưởng chừng như khả năng thực hiện các nhiệm vụ sản lượng cơ sở và bổ sung dường như là bất khả thi. Tuy nhiên, ở những khoảng khắc đặc biệt đó, một số giải pháp kỹ thuật mang tính quyết định đã được lãnh đạo Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro cho phép thực hiện để rồi đem lại trái ngọt cho tập thể lao động quốc tế Việt - Nga Vietsovpetro vào ngày cuối cùng của năm 2022.

Theo quyết định của Hội đồng 54 Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro vào tháng 12/2021, Liên doanh sẽ phải đảm bảo khai thác 2,8 triệu tấn dầu (kế hoạch cơ sở) và thêm hai nhiệm vụ bổ sung theo từng mức là 2,9 triệu tấn và 3,0 triệu tấn.

Đứng trước trước nhiệm vụ khó khăn trong bối cảnh quỹ giếng có tốc độ suy giảm lớn, gia tăng độ ngập nước cao, các giải pháp địa chất - kỹ thuật (GTM) đều có tiềm năng hạn chế và không còn nhiều dư địa để thực hiện… ngay từ những ngày đầu tiên của năm mới, đội ngũ địa chất - khai thác mỏ đã xem xét, rà soát lại toàn bộ động thái của quỹ giếng chuyển tiếp, cũng như những giải pháp địa chất - kỹ thuật với mục đích duy trì được tốc độ suy giảm ở mức thấp nhất và điều chỉnh lịch khoan nhằm có thể sớm được đưa vào khai thác các giếng có tiềm năng địa chất vượt trội.

Sau khi xem xét đã đưa ra kế hoạch thực hiện nhiệm vụ Hội đồng theo từng bước. Cụ thể là sẽ đặt kế hoạch đảm bảo thực hiện nhiệm vụ bổ sung số 1 cho tới tháng 6 và tùy tình hình thực tế của quỹ giếng chuyển tiếp và các giải pháp GTM sẽ xem xét khả năng việc thực hiện nhiệm vụ sổ sung số 2.

Bằng việc duy trì chế độ của một số giếng khai thác mới được đưa vào cuối năm 2022, động thái sản lượng trong quý 1 tương đối ổn định và tốc độ suy giảm duy trì ở mức thấp. Tuy nhiên, khi bước sang đầu tháng 4 thì một số giếng có tốc độ suy giảm bất thường cộng với sự cố thủng đường ống dầu khu vực mỏ NRDM dẫn tới rủi ro có thể không hoàn thành thậm chí kế hoạch cơ sở.

Dường như luôn có một áp lực vô hình lên việc thực hiện các kế hoạch sản lượng của Hội đồng. Các cuộc họp về sản lượng diễn ra với tần suất dày đặc hơn, động thái giếng và tiến độ thực hiện các GTM được theo dõi và cập nhật hàng ngày nhằm kịp thời có những giải pháp điều chỉnh phù hợp.

Kết quả đã đem lại sự ổn định của toàn bộ quỹ giếng trong thời gian này và việc hoàn thành nhiệm vụ khai thác bổ sung số 1 là tương đối khả thi. Tuy nhiên, tốc độ suy giảm đã chuyển sang mức cao hơn dẫn tới khả năng hoàn thành kế hoạch bổ sung thứ 2 là vô cùng khó khăn và khả năng cao là không thực hiện được. Kế hoạch này trông chờ nhiều vào kết quả các giếng khoan đan dày, cũng như tiến độ đưa các công trình mới (RC-10 và RC-RB1) vào khai thác.

Và vào ngày 6/8 sau khi xử lý vùng cận đáy giếng thành công giếng 328/RC2 cho gia tăng lưu lượng trên 500 m3 dầu không có nước đã thắp sáng trở lại hi vọng thực hiện kế hoạch bổ sung thứ 2. Tuy nhiên, hi vọng đó lại một lần nữa bị lung lay khi vào ngày 10/9 xảy ra sự cố thủng đường ống dầu RC5-RP1 dẫn tới phải sử dụng đường ống bơm ép để vận chuyển khiến gia tăng áp suất miệng và gây mất mát dầu trung bình khoảng gần 200 tấn/ngày.

Song song với đó việc khoan giếng 20005B/BK2 cũng gặp nhiều phức tạp phát sinh trong quá trình khoan dẫn tới giếng bị đưa vào khai thác chậm hơn so với kế hoạch cũng khiến cho việc thực hiện nhiệm vụ thứ 2 trở thành một dầu hỏi lớn. Tuy nhiên, lại một kỳ tích nữa xuất hiện vào những ngày đầu của tháng 10 với việc đưa giếng 2005B vào khai thác cho lưu lượng dầu trên 400 m3 không nước và tiếp đó là việc đưa sớm công trình RC-10 (ngày 28/10) với lưu lượng dầu hơn 400 m3, RC-RB1 (giữa tháng 11/2022) với lưu lượng dầu hơn 200 m3 không nước đã đưa Vietsovpetro hoàn thành sớm kế hoạch khai thác cơ sở (ngày 7/12), hoàn thành kế hoạch bổ sung 1 (ngày 19/12) và kế hoạch bổ sung 2 (đêm ngày 31/12).

Đối với công tác tìm kiếm thăm dò trong năm 2022, các cung bậc cảm xúc cũng không kém phần thăng trầm. Trong nửa đầu năm 2022, các giếng khoan BH-55 (kết thúc tháng 2/2022), BH-256 (kết thúc tháng 6/2022) có lưu lượng thử vỉa thấp hơn dự báo, gia tăng trữ lượng do đó cũng không đạt được như dự kiến ban đầu.

Tháng 8/2022, giếng khoan R-75 tiếp tục được tiến hành thử vỉa và không cho kết quả khả quan với việc không nhận được dòng dầu khí. Do vậy, sau khi tiến hành xem xét và chính xác lại cấu trúc, địa chất của khu vực, lãnh đạo Vietsovpetro đã quyết định không khoan tiếp giếng thẩm lượng R-76 theo kế hoạch.

Tính tới hết tháng 8/2022, gia tăng trữ lượng năm 2022 không đạt được theo như kế hoạch ban đầu, điều này khiến cho nhiệm vụ các tháng còn lại của năm 2022 trở nên rất căng thẳng và dường như khó có thể thực hiện được.

Tại thời điểm này đã khoan tổng cộng 6/7 giếng thăm dò, thẩm lượng theo kế hoạch Hội đồng 54. Gia tăng trữ lượng các giếng thăm dò, thẩm lượng dự kiến chỉ đạt khoảng 2 triệu tấn dầu (tương đương 71% so với kế hoạch).

Đứng trước thời khắc khó khăn này, bằng ý nghĩ đột phá và sự dũng cảm trong việc thay đổi tư duy, lãnh đạo khối đã đồng ý cho phép khoan giếng thăm dò, thẩm lượng bổ sung BH-215 ở khu vực Đông Nam Bạch Hổ có vị trí nằm ở vùng rìa, cấu tạo nằm sâu có rủi ro về đá chứa rất lớn mà trước đây được cho là không có tiềm năng dầu khí.

Đồng thời tối ưu các vị trí giếng khoan GTM có nhiệm vụ vừa thăm dò, vừa khai thác tại các đối tượng tiềm năng trong khu vực đang được khai thác.

Kết quả các giếng khoan thăm dò, khai thác này đem lại việc hoàn thành vượt mức 125% kế hoạch gia tăng trữ lượng của năm 2022.

Như vậy, kết thúc năm 2022 Vietsovpetro hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu về thăm dò, khai thác đề ra. Cụ thể như sau:

1/ Gia tăng trữ lượng năm 2022 đạt 3.510 nghìn tấn (tương ứng 125% so với kế hoạch), vượt 710 nghìn tấn so với kế hoạch được giao.

2/ Sản lượng khai thác dầu trong năm 2022 của Vietsovpetro đạt 3 triệu 112 nghìn tấn, vượt 212 nghìn tấn so với kế hoạch (107 % kế hoạch). Trong đó, Lô 09-1 đạt 3 triệu tấn, vượt 200 nghìn tấn so với kế hoạch đề ra (107 % kế hoạch), Lô 09-3/12 (phần Vietsovpetro) đạt 112 nghìn tấn (111% kế hoạch).

3/ Khai thác khí thiên nhiên đạt 77 triệu m3 (118% kế hoạch).

Từ những kết quả đã đạt được trong năm 2022 có thể rút ra những bài học như sau:

Một là, về công tác thăm dò, gia tăng trữ lượng:

- Trong quá trình biện luận lựa chọn vị trí giếng khoan cần tiến hành các nghiên cứu chi tiết về cấu trúc, đặc điểm trầm tích trên cơ sở khai thác tối đa thông tin bất đẳng hướng từ tài liệu địa chấn 3D/4C.

- Việc lựa chọn vị trí và quỹ đạo giếng khoan cũng cần phải đảm bảo thăm dò - thẩm lượng, đồng thời nhiều đối tượng chứa dầu để gia tang tối đa trữ lượng.

- Khi khoan giếng khoan TK-TD cần tiến hành tổ hợp nghiên cứu (ĐVLGK, lãy mẫu, thử vỉa…) tối đa để nhận được những thông số tin cậy cho việc tính trữ lượng và hoạch định chiến lược khai thác mỏ.

- Công tác nghiên cứu khoa học, cập nhật cấu trúc kết quả khoan các giếng khoan mới, đánh giá, tổng kết đóng vai trò hết sức quan trọng. Việc này cần được tiến hành thường xuyên sau mỗi giếng khoan, mỗi chiến dịch thăm dò để đưa ra những mặt được, chưa được của công việc đã làm, nhằm bổ sung, điều chỉnh cho giai đoạn tiếp theo.

- Công tác khoan thăm dò có chi phí rất lớn nên công tác quản lý thi công giếng khoan đóng vai trò rất quan trọng, do đó, cần phải tiếp tục đầu tư nghiên cứu, nâng cao chất lượng giám sát địa chất, áp dụng công nghệ mới trong quá trình thi công giếng khoan một cách chủ động hợp lý và sớm nhất để giảm thiểu rủi ro, phức tạp trong quá trình khoan.

- Trước tình hình dịch bệnh và xung đột địa chính trị dự báo sẽ còn kéo dài, công tác chuẩn bị vật tư, thiết bị cần phải được tính toán và dự báo trước tất cả các phương án, nhằm đảm bảo quá trình thực hiện công việc được thông suốt từ khi mở lỗ giếng khoan cho tới giai đoạn thử vỉa và cuối cùng là bảo tồn, hoặc đưa vào khai thác sớm, giảm thiếu tối đa thời gian dừng giàn chờ vật tư, thiết bị.

Hai là, về công tác quản lý khai thác và vận hành mỏ:

- Công tác phân tích khai thác cần được thực hiện liên tục và cập nhật thông tin có hệ thống rõ ràng. Việc điều chỉnh chế độ làm việc của giếng cần phải kịp thời để đảm bảo cho mỏ ở trạng thái làm việc hiệu quả nhất.

- Việc tìm ra các giếng cho lưu lượng cao tại các khu vực đã được khai thác từ lâu và có xác suất thành công thấp (ví dụ như giếng 328 mỏ Đông Nam Rồng, giếng 426B và 2005B khu vực Móng Trung tâm mỏ Bạch Hổ) cho thấy: Cần tiếp tục chủ động nghiên cứu, đánh giá tỷ mỷ hơn nữa các tài liệu sẵn có, cũng như sẵn sàng thay đổi tư duy trong lựa chọn các giải pháp địa chất - kỹ thuật tại các khu vực này.

- Đối với việc thực hiện các GTM cần phải tiếp tục nghiên cứu các khu vực tiềm năng có trữ lượng P3 và R1 nằm lân cận các công trình biển hiện hữu nhằm đề xuất giếng thăm dò - khai thác sớm với mục đích tiết kiệm chi phí khoan thăm dò và đưa vào khai thác ngay sau khi khoan, nhằm góp phần nâng cao sản lượng khai thác.

- Đối với công tác vận hành hệ thống công nghệ, thu gom, xử lý và vận chuyển, cần liên tục theo dõi và có đánh giá động thái áp suất, nhiệt độ, lưu lượng vận chuyển để có giải pháp phù hợp như chuyển dòng, bơm rửa, tăng giảm lưu lượng hóa phẩm… giúp giảm áp suất vận chuyển xuống thấp nhất, cũng như tránh mất dầu.

- Linh hoạt điều chỉnh, sửa chữa, hoán đổi hệ thống đường ống vận chuyển trong các trường hợp sự cố đường ống nhằm đảm bảo dòng dầu luôn được thông suốt giữa các công trình biển.

- Kịp thời sắp xếp và điều động nhân sự và vật tư thiết bị để đảm bảo sớm khắc phục sự cố, đảm bảo khai thác liên tục, đặc biệt trên các BK không người.

- Công tác chuẩn bị vật tư, thiết bị, nhân lực và logictic cho thi công giếng khoan mới cũng cần phải được dự báo trước và cập nhật thường xuyên nhằm giảm thiếu tối đa giàn chờ và giúp thực hiện các công tác khoan và sửa giếng đúng, hoặc sớm hơn so với kế hoạch.

- Việc lập kế hoạch OTM cần được tiếp tục chi tiết hóa hơn nữa ở từng bước, kết hợp với việc tính toán dự báo khối lượng công việc, chuẩn bị vật tư, vật lực giúp thực hiện đúng theo kế hoạch, giảm tối đa dừng hệ thống dẫn tới mất dầu.

- Để đưa các công trình mới vào khai thác, ngoài sự nổ lực vượt bậc của bộ phận xây dựng (Xí nghiệp Xây lắp, Viện NIPI, Phòng Xây dựng cơ bản) còn đòi hỏi sự chỉ đạo sát sao từ lãnh đạo Vietsovpetro và sự phối hợp, hỗ trợ của các phòng, ban bộ máy điều hành và các xí nghiệp liên quan./.

PHẠM XUÂN SƠN, HỒ NAM CHUNG, VŨ VĂN KHƯƠNG

 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết