|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn với doanh nghiệp Hoa Kỳ

Việt Nam nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng, với các lợi thế về vị trí chiến lược, lực lượng lao động trẻ, giỏi công nghệ, tích cực tiếp cận đầu tư nước ngoài và đã ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do, vẫn là một điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư Hoa Kỳ. Ông Alex Tatsis - Trưởng phòng Kinh tế, Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP. Hồ Chí Minh đã trao đổi với phóng viên Báo Công Thương xung quanh vấn đề này.

Trong đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 tại Việt Nam nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng, một số người cho rằng Việt Nam không còn là điểm đến hấp dẫn đối với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Ông nghĩ thế nào về ý kiến trên?

Đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 là khoảng thời gian rất khó khăn đối với mọi người, trong đó có các doanh nghiệp Hoa Kỳ. Nhưng những ngày khó khăn đó đã lùi lại phía sau chúng ta.

Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn với doanh nghiệp Hoa Kỳ
Ông Alex Tatsis - Trưởng phòng Kinh tế, Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP. Hồ Chí Minh

Tới hiện tại, TP. Hồ Chí Minh đang dần mở cửa lại một cách an toàn. Tốc độ phủ vắc xin của Thành phố cũng hết sức ấn tượng. Nhiều cơ sở sản xuất cũng đã quay lại hoạt động bình thường. Chúng tôi cũng nhận được tin các doanh nghiệp Hoa Kỳ đang tăng tốc trở lại sản xuất toàn bộ.

Tôi nghĩ rằng, Việt Nam nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng, với các lợi thế về vị trí chiến lược, lực lượng lao động trẻ, giỏi công nghệ, tích cực tiếp cận đầu tư nước ngoài và đã ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do, vẫn là một điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư Hoa Kỳ.

Trong thời điểm khó khăn của đợt dịch COVID-19 thứ 4, ông đánh giá thế nào về chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp Hoa Kỳ của chính quyền TP. Hồ Chí Minh? Những chính sách này có xây dựng được lòng tin của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nói chung và doanh nghiệp Hoa Kỳ nói riêng không, thưa ông?

Cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ đánh giá cao mối quan hệ với chính quyền TP. Hồ Chí Minh, với UBND Thành phố. Trong đợt dịch lần thứ 4, chính quyền Thành phố đã phải ban hành một số quyết định khó khăn. Thật sự không dễ duy trì cân bằng giữa bảo vệ sức khỏe cộng đồng và duy trì hoạt động kinh tế.

Suốt thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ luôn đối thoại chặt chẽ với chính quyền TP. Hồ Chí Minh. Những cuộc trao đổi cởi mở và thẳng thắn giữa hai bên đã giúp vun đắp sự tin cậy và mối quan hệ đối tác cùng nhau vượt qua đại dịch.

Tôi cho rằng, lòng tin và mối quan hệ đối tác này sẽ tiếp tục phát triển, bởi vì các doanh nghiệp Hoa Kỳ xem họ là đối tác với thành phố trong quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế lâu dài.

Ông có cho rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục đầu tư nhiều hơn vào TP. Hồ Chí Minh trong tương lai? Xin ông chia sẻ chi tiết hơn về kế hoạch trên?

Các doanh nghiệp Hoa Kỳ đóng một vai trò ý nghĩa trong sự nghiệp phát triển kinh tế thành phố suốt bao năm qua. Họ đã đầu tư hàng tỉ đô la vào đây, đưa TP. Hồ Chí Minh trở thành một mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo ra nhiều việc làm chất lượng cao. Chúng tôi thấy các doanh nghiệp Hoa Kỳ vẫn quan tâm đến đầu tư hoặc mở rộng sản xuất tại Thành phố, trong đó có lĩnh vực công nghệ cao. Chúng tôi cũng nhận thấy các doanh nghiệp Hoa Kỳ rất quan tâm đến các lĩnh vực như năng lượng sạch, y tế, và công nghệ thành phố thông minh.

Chính phủ Hoa Kỳ luôn là một đối tác gắn bó trong nỗ lực này. Chúng tôi đã và đang đầu tư vào lĩnh vực giáo dục tại thành phố, điển hình là Đại học Fulbright Việt Nam và kế hoạch xây dựng trụ sở chính của đại học này tại Khu Công nghệ cao Sài Gòn. Những khoản đầu tư nói trên sẽ giúp TP. Hồ Chí Minh xây dựng một lực lượng lao động có năng lực cạnh tranh toàn cầu có thể đáp ứng nhu cầu nhân lực của các nhà đầu tư Hoa Kỳ và cũng sẽ giúp Thành phố phát triển một nền kinh tế tri thức, công nghệ cao.

Xin cảm ơn ông!

Ngọc Thùy (thực hiện)


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết