|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Từ nhập khẩu LNG của Trung Quốc và biến động giá, nhận định về thị trường Việt Nam

Qua phân tích số liệu nhập khẩu LNG vào Trung Quốc của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam dưới đây có thể thấy được xu hướng sử dụng, cũng như giá cả của loại nhiên liệu này trên thế giới. Và từ biến động giá, đối chiếu với Quyết định 126 của Bộ Công Thương có thể nhận định giá nhập khẩu LNG, giá điện LNG của Việt Nam trong tương lai tới.

Trung Quốc là nước tiêu thụ khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) lớn và có nguồn nhập khẩu phong phú. Với lượng nhập khẩu LNG hàng năm vào khoảng 63-79 triệu tấn, Trung Quốc có rất nhiều nhà cung cấp LNG. Lớn nhất là Australia, với lượng cung cấp từ 21-31 triệu tấn/năm. Tiếp đến là Qatar. Vị trí thứ ba vốn là của Malaysia, hoặc Mỹ vào năm 2021, nhưng từ năm 2022 Nga đã lên vị trí thứ tư, rồi năm 2023 lên thứ ba (với 8 triệu tấn/năm). Bảng dưới đây liệt kê 15 nước xuất khẩu LNG vào Trung Quốc.

Bảng 1: Lượng LNG nhập khẩu từ các đối tác chính vào Trung Quốc (đơn vị tấn). Nguồn: Cục Thống kê Trung Quốc.

TT

Quốc gia xuất khẩu sang Trung Quốc

2021

2022

2023

Nửa đầu 2024

1

Australia

31,102,433

21,849,956

24,118,940

13,418,787

2

Qatar

8,977,802

15,680,214

16,648,767

8,554,108

3

Russia

4,518,115

6,555,090

8,044,016

3,515,754

4

Malaysia

8,233,160

7,362,954

7,081,277

4,326,294

5

Indonesia

5,107,425

3,732,700

3,982,530

2,004,114

6

USA

8,975,901

2,083,194

3,131,595

1,475,813

7

Papua New Guinea

3,162,781

2,509,456

2,482,330

1,214,589

8

Nigeria

1,521,480

440,824

1,175,096

710,638

9

Oman

1,622,724

957,106

1,022,047

725,132

10

Brunei

631,170

321,810

714,745

574,139

11

UAE

707,980

119,232

668,172

551,883

12

Algeria

243,752

0

406,529

0

13

Trinidad and Tobago

428,761

408,092

366,854

105,870

14

Peru

198,186

215,103

145,842

177,117

15

Angola

566,383

0

0

0

 

 

Những nước khác

2,791,947

1,124,267

1,201,263

642,761

 

 

Tổng

78,790,000

63,360,000

71,190,000

37,997,000

 

Từ đồ thị biến thiên lượng LNG nhập khẩu vào Trung Quốc từ 6 nước có nguồn cung ổn định hàng tháng, chúng ta có thể thấy vai trò nổi bật của Australia trong cung cấp LNG cho Trung Quốc. Từ năm 2022, Qatar nổi lên vượt hẳn những nước còn lại. Nước Nga cũng tăng xuất khẩu LNG vào Trung Quốc, nhưng có thể đó chính là từ tổ hợp LNG của Novatek ở Yamal mà Trung Quốc đã đầu tư chiếm cổ phần 20%. Nga cũng còn cách Australia và Qatar một khoảng cách lớn.

Từ nhập khẩu LNG của Trung Quốc và biến động giá, nhận định về thị trường Việt Nam
Hình 1: Đồ thị lượng LNG nhập khẩu vào Trung Quốc hàng tháng từ các đối tác chính.

Phần đáng quan tâm khác là giá nhập khẩu LNG. Vì Trung Quốc nhập từ nhiều nước, với khối lượng lớn, nên giá cả phản ánh tương đối chính xác biến động giá LNG trên thế giới. Giai đoạn giá LNG biến động cao là từ tháng 10/2021 đến tháng 3/2023, trước cả khi xung đột Nga - Ukraina xảy ra và được đẩy cao trong năm đầu của chiến tranh.

Mùa đông năm 2023-2024, giá LNG có lên theo nhu cầu sưởi ấm, nhưng không cao, có thể do mùa đông vừa rồi không lạnh lắm.

Trong giai đoạn giá cao này, giá LNG từ các nước xuất khẩu lớn như Australia, Qatar, Malaysia có tính ổn định cao hơn. Giá LNG từ Nga, trái với những lời đồn đoán về hạ giá bán cho Trung Quốc không hề thấp hơn các nước khác và cũng leo thang trong thời gian cả thế giới khủng hoảng thiếu LNG.

Từ nhập khẩu LNG của Trung Quốc và biến động giá, nhận định về thị trường Việt Nam
Hình 2: Giá LNG Trung Quốc nhập khẩu từ các đối tác chính hàng tháng (tính theo USD/tấn).

Để bạn đọc dễ theo dõi, đồ thị tiếp theo lấy giá theo USD/MMBTU - đơn vị giá phổ biến hơn ở Việt Nam so với USD/tấn. Sau một thời gian biến động, giá LNG nhập khẩu đã ổn định ở mức 10-12 USD/MMBTU.

Từ nhập khẩu LNG của Trung Quốc và biến động giá, nhận định về thị trường Việt Nam
Hình 3: Giá LNG Trung Quốc nhập khẩu từ các đối tác chính hàng tháng (tính theo USD/MMBTU).

Giá LNG nhập khẩu đã ổn định là nhờ các nguồn sản xuất LNG đã nhanh chóng mở rộng công suất nhằm đáp ứng nhu cầu tăng lên trong giai đoạn cuối 2021 - đầu 2023. Hiện tại thị trường đã ổn định, nguồn cung dồi dào nên giá ít có cơ hội tăng mạnh. Các nguồn cung đã sẵn sàng đáp ứng ngay cả khi châu Âu bỏ điện than và dựa vào nhiệt điện khí và sưởi ấm bằng khí trong mùa đông.

Đối chiếu với Quyết định 126/QĐ-BCT của Bộ Công Thương ngày 27/5/2024 về giá phát điện nhà máy tua bin khí chu trình hỗn hợp (CCGT) sử dụng khí hóa lỏng tính toán ở mức giá LNG 12,9792 USD/MMBTU là khá hợp lý, dù lượng mua LNG của Việt Nam ít, nên chắc chắn giá có cao hơn giá Trung Quốc mua. Với giá khí trên thị trường hiện tại, có thể làm ra điện với giá trần khoảng 2590,85 đồng/kWh theo quy định của Quyết định trên.

Vấn đề còn lại nằm ở lượng điện cam kết mua tối thiểu (Qc) đang tranh luận quanh mức 70% của lượng điện tối đa có thể sản xuất ra trong năm và số năm cam kết đó có hiệu lực. Với tỷ lệ năng lượng tái tạo cao như trong Quy hoạch điện VIII, thì việc cam kết Qc 70% trong thời gian dài có thể gây bất lợi cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong việc điều tiết nguồn nhiệt điện dùng khí LNG để phủ đỉnh.

Mặt khác, cam kết Qc 70% với giá trần 2590,85 đồng/kWh với tổng công suất phát theo kế hoạch đến năm 2030 lên tới 22.400 MW chắc chắn sẽ tạo áp lực lớn tới giá điện bán lẻ của EVN (đang ở mức trung bình 2006,79 đồng/kWh)./.

ĐÀO NHẬT ĐÌNH - CHUYÊN GIA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM


Tài liệu tham khảo: Cục Thống kê Trung Quốc - bản tiếng Anh: https://www.stats.gov.cn/english/


Tags: LNG
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết