|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tình hình hoạt động dự án mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất trong năm 2024

Báo cáo của Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã cho thấy các nhiệm vụ chính về triển khai công tác chuẩn bị đầu tư dự án nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất trong năm 2024 đạt kết quả khả quan (từ công tác tư vấn thiết kế, lựa chọn nhà thầu, thu xếp vốn đầu tư...).

Như chúng ta đã biết, tháng 5/2023, Chính phủ ký Quyết định số 482/QĐ-TTg về việc chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Theo đó:

- Nhà máy sẽ nâng công suất chế biến từ 148.000 thùng/ngày lên 171.000 thùng/ngày.

- Sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn EURO V.

- Đáp ứng tiêu chuẩn môi trường theo lộ trình bắt buộc áp dụng của Chính phủ.

- Nâng cao độ linh động lựa chọn dầu thô, đảm bảo nguồn dầu thô cung cấp lâu dài và có hiệu quả cho Nhà máy.

- Nâng cao hiệu quả đầu tư Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.

- Góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của cả nước, đặc biệt khu vực Trung bộ.

Đến tháng 3/2024, Bộ Công Thương đã có Thông báo kết quả thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Ngay sau đó, Hội đồng Quản trị BSR đã phê duyệt điều chỉnh dự án nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.

Theo báo cáo của BSR, trong năm 2024, Ban Quản lý Dự án Nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã triển khai các nhiệm vụ chính và đạt các kết quả khả quan như:

1. Ký hợp đồng Tư vấn thiết kế kỹ thuật điều chỉnh - FEED. (Tính đến nay, tiến độ tổng thể công tác thiết kế FEED đạt 27% khối lượng).

2. Ban Quản lý dự án đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu, ký hợp đồng cung cấp bản quyền công nghệ với các nhà bản quyền của Pháp, Mỹ, Ý, Hà Lan cho các phân xưởng công nghệ bản quyền của dự án.

3. BSR cùng Tư vấn FEED và các nhà bản quyền đã hoàn thành họp khởi động triển khai hợp đồng. (Hiện nay các nhà bản quyền đang triển khai công tác thiết kế công nghệ bản quyền, đảm bảo đồng bộ với triển khai thiết kế FEED).

4. Về công tác thu xếp vốn, Ban Quản lý Dự án đã lựa chọn HSBC là Ngân hàng điều phối các khoản vay tín dụng xuất khẩu (ECAs).

Ngày 25/11/2024, BSR và Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank) đã ký kết “Hợp đồng tư vấn thu xếp vốn cho dự án nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất”.

Theo đó, PVcomBank sẽ tư vấn, hỗ trợ BSR thu xếp nguồn vốn vay với tỷ lệ 40% tổng mức đầu tư của dự án (tương đương khoảng 526 triệu USD) từ nhiều nguồn vốn vay khác nhau trên thị trường tài chính trong nước và quốc tế. Trong đó, ưu tiên nguồn vốn vay tín dụng hỗ trợ xuất khẩu (ECA) từ các tổ chức tín dụng quốc tế.

Bên cạnh các nhiệm vụ trên, đến nay, dự án nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã hoàn thành công tác đền bù giải phóng mặt bằng, cùng các hạng mục phụ trợ liên quan. Hiện dự án đang được triển khai thiết kế kỹ thuật tổng thể - FEED. Và theo kế hoạch, công tác lựa chọn tổng thầu EPC; thẩm định, phê duyệt thiết kế FEED và san lấp mặt bằng... sẽ được tiến hành trong năm 2025 để đảm bảo đưa dự án vào vận hành theo tiến độ phê duyệt.

Dự án nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sau khi hoàn thành sẽ nâng tổng công suất sản xuất, đa dạng hóa nguồn nguyên liệu đầu vào để đảm bảo duy trì nguồn cung ổn định, lâu dài, giúp tối ưu hóa chi phí đầu vào, bảo đảm khả năng cạnh tranh và đáp ứng tiêu chuẩn khí thải EURO V. Mặt khác, Nhà máy sẽ góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp hóa dầu tại Việt Nam, cũng như đảm an ninh năng lượng quốc gia. Đây cũng là một trong những động lực để Nhà máy Lọc dầu Dung Quất trở thành hạt nhân của Trung tâm Năng lượng và Lọc hóa dầu Quốc gia tại khu vực miền Trung trong tương lai tới./.

BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết