|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sớm trình Chính phủ ban hành cơ chế DPPA và cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà

Ngày 24/4, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo cho ý kiến đối với dự thảo Nghị định quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn (DPPA) và dự thảo Nghị định về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời lắp đặt mái nhà tự sản, tự tiêu.

Các đại biểu tham dự hội thảo hầu hết thống nhất cơ bản với đối tượng áp dụng, phạm vi điều chỉnh và các khung chính sách dự kiến tại dự thảo các Nghị định. Bên cạnh đó, một số đại biểu đề xuất xem xét làm rõ khái niệm, quy trình, thủ tục để thực hiện các cơ chế chính sách sau khi các Nghị định có hiệu lực. Những ý kiến này sẽ được nghiên cứu tiếp thu, chỉnh sửa phù hợp nhằm hoàn thiện các dự thảo trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt.

Đại diện các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp mong muốn các Nghị định sớm được ban hành để tạo điều kiện cho nhà đầu tư mở rộng phát triển hoạt động hơn nữa tại Việt Nam.

Quang cảnh hội thảo

Kết luận hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thay mặt Bộ Công Thương cảm ơn sự hiện diện của đại diện các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp trong và ngoài nước với nhiều ý kiến phát biểu sâu sắc, tâm huyết, xác đáng.

Bộ trưởng khẳng định: Chúng tôi đã ghi chép đầy đủ và chắc chắn là cơ quan thường trực xây dựng các Nghị định sẽ phải nghiên cứu, có những cuộc thảo luận nội bộ để xem xét có thể tiếp thu được những ý kiến này thế nào ở thời điểm hiện nay, hay ghi nhận và đề xuất rà soát, sửa đổi các quy định pháp luật có liên quan trong tương lai một cách phù hợp.

Bộ trưởng Bộ Công Thương một lần nữa khẳng định sự cần thiết phải ban hành các cơ chế, chính sách để thực hiện được mục tiêu trung hòa carbon của Việt Nam và cũng để thực hiện được Quy hoạch điện VIII hiệu quả, hướng tới một nền sản xuất xanh ở Việt Nam.

Đối với cơ chế DPPA, hội thảo thống nhất đối tượng điều chỉnh không chỉ là các doanh nghiệp sản xuất mà mở rộng ra là cả những doanh nghiệp dịch vụ, “hễ là khách hàng có nguồn nhu cầu sử dụng điện lớn, thậm chí là muốn điện sạch, thì hoàn toàn có thể áp dụng cơ chế này”. Cơ chế DPPA gồm 2 hình thức: nếu không nối lưới, dự án không bị giới hạn công suất, loại hình nguồn điện và đối tượng sử dụng. Nếu nối lưới, phải giới hạn điện áp, điện năng và loại hình nguồn điện (chỉ áp dụng với nguồn năng lượng tái tạo gồm điện gió và điện mặt trời).

Đối với chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, có bốn chính sách cơ bản như đề xuất trong dự thảo. Nếu không nối lưới, dự án không bị giới hạn về công suất, không cho phép mua bán điện mà chỉ để tự sản, tự tiêu, tránh trục lợi về chính sách và ảnh hưởng đến hệ thống điện quốc gia, an ninh, an toàn điện quốc gia. Nếu nối lưới, dự án có thể phát sản lượng điện dư lên lưới điện quốc gia với giá 0 đồng.

Cơ quan thường trực xây dựng dự thảo các Nghị định sẽ tiếp tục tiếp thu, hoàn thiện và sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các chính sách này, tạo điều kiện phát triển ngành điện nói riêng và năng lượng nói chung tại Việt Nam trong thời gian tới.

Đình Tú (t/h)


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết