|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quảng Ninh: Chung tay giảm thiểu ô nhiễm môi trường ven biển

Sau hơn 1 năm triển khai mô hình cộng đồng quản lý, phân loại, thu gom và xử lý rác thải nhựa vùng ven biển Vịnh Hạ Long, đã bước đầu ghi nhận những tín hiệu tích cực, nhất là trong việc chuyển đổi ý thức, hành động của người dân vùng ven biển đối với môi trường vịnh.

Chỉ sau một thời gian ngắn, hoạt động của các mô hình đã từng bước lan tỏa, ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng xung quanh, mọi người cũng đã có thói quen phân loại rác và ý thức về tác hại của rác thải nhựa đối với sức khỏe và môi trường.

Hạ Long là thành phố du lịch sở hữu di sản thiên nhiên thế giới nhưng cho đến nay vẫn chưa có nhà máy xử lý rác thải. Để chung tay giảm thiểu ô nhiễm môi trường vùng ven biển, Hội Nông dân (HND) tỉnh đã phối hợp với các đoàn thể triển khai xây dựng mô hình cộng đồng quản lý, phân loại, thu gom và xử lý rác thải nhựa vùng ven biển Vịnh Hạ Long.

Triển khai mô hình, HND tỉnh và HND phường đã tổ chức tập huấn và thực hiện kiểm toán rác tại 20 hộ gia đình trồng rau màu ở khu 6 và tập huấn việc phân loại rác theo 3R gắn với xử lý rác thải hữu cơ bằng chế phẩm sinh học để ủ phân compost trên 36 tàu cá của các hộ dân ở khu 8. Toàn bộ lượng rác thải thu gom được trên các tàu cá và rác thải của các hộ dân sau khi được ủ phân sẽ dùng để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp ở khu 6. Đồng thời, các hộ dân cũng được tham gia chiến dịch “Làm sạch biển” tại khu vực bến cá neo đậu trên địa bàn phường.

Chỉ sau một thời gian ngắn, hoạt động của các mô hình đã từng bước lan tỏa, ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng xung quanh, mọi người cũng đã có thói quen phân loại rác và ý thức về tác hại của rác thải nhựa đối với sức khỏe và môi trường.

Phường Hà Phong (TP Hạ Long) hiện có trên 12.000 nhân khẩu, trong đó có 1.700 ngư dân làng chài về tái định cư tại khu phố 8. Tuy nhiên, do nhiều năm sinh sống lênh đênh trên biển nên các hộ dân vẫn có thói quen lạm dụng các sản phẩm từ nhựa và vứt rác thải trực tiếp xuống biển sau khi sử dụng. Trước thực trạng đó, HND tỉnh đã chọn Hà Phong là địa bàn đầu tiên tham gia dự án “Xây dựng mô hình cộng đồng quản lý, phân loại, thu gom và xử lý rác thải nhựa vùng ven biển Vịnh Hạ Long”.

Tại phường Tuần Châu (TP Hạ Long), với vai trò là phường dịch vụ, du lịch của thành phố, Ban điều hành dự án cũng đã hướng dẫn Hội phụ nữ phường thành lập mô hình Chi hội ve chai với 14 thành viên tham gia. Đây là lực lượng nòng cốt để vận động, hướng dẫn hội viên và nhân dân cùng tham gia. Vì là lần đầu tiên người dân phường Tuần Châu thực hiện phân loại rác ngay tại nhà nên thời gian đầu, chi hội còn cử người đứng trông thùng rác để hướng dẫn bà con phân loại và để rác đúng nơi quy định. Sau vài tháng triển khai, mô hình đã mang lại hiệu quả rõ ràng khi lượng rác sinh hoạt thải ra môi trường đã giảm đi đáng kể, lượng rác thải tái chế cũng đã trở thành một nguồn thu gây quỹ để hỗ trợ cho các hội viên có hoàn cảnh khó khăn.

Cùng với 2 địa bàn trên, phường Hồng Hải, Hồng Hà, cùng một số bến tàu du lịch, bến cá, tàu cá của TP Hạ Long và trường THPT Chuyên Hạ Long, THPT Lê Thánh Tông cũng được lựa chọn để tham gia dự án. Đây đều là những địa bàn đông dân có các hoạt động liên quan trực tiếp đến vùng ven biển của vịnh Hạ Long.

Thông qua gần 30 đợt tập huấn, các chiến dịch làm sạch biển, cụ thể hóa bằng xây dựng các mô hình phù hợp với đặc thù của địa phương, đối tượng… dự án đã nâng cao năng lực cho gần 2.100 người dân. Qua đó đã xây dựng và hình thành các nhóm hộ gia đình có kỹ năng, phương pháp để nắm rõ quy trình kiểm toán rác, cách thức phân loại rác, cách thức xử lý rác thải hữu cơ, rác thải tái chế. Nhiều hộ dân đã bắt đầu quan tâm đến các sản phẩm sinh học để thay thế túi nilon trong sử dụng hàng ngày và phục vụ sản xuất kinh doanh.

Ông Nguyễn Văn Đường, Phó Chủ tịch HND tỉnh cho biết: Các chuỗi hoạt động của dự án đã góp phần nâng cao nhận thức và năng lực quản lý rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa của chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội và người dân trên địa bàn thành phố. Nhất là những người dân tham gia dự án không chỉ dừng lại ở việc có kiến thức mà đã biến rác thành tiền. Tuy nhiên, hiện dự án vẫn chưa triển khai phân loại rác trên tàu du lịch, tàu nghỉ đêm, nhà hàng… Vì vậy trong thời gian tới, bên cạnh việc kiên trì tuyên truyền để thay đổi nhận thức của người dân, Ban điều hành dự án cũng sẽ nêu cao vai trò, tinh thần, trách nhiệm của các chủ tàu, chủ cơ sở kinh doanh du lịch, dịch vụ để dự án có tính lan tỏa và đạt được hiệu quả đặt ra.

Mộc Mộc


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết