PVN đặt mục tiêu sản xuất hydro “xanh” từ nguồn năng lượng tái tạo
Chiến lược của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) là sản xuất hydro “xanh” từ nguồn năng lượng tái tạo như điện gió ngoài khơi.
Tại tọa đàm “Hydro sạch: xu hướng công nghệ và cơ hội đầu tư, ứng dụng tại Việt Nam” do Viện nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn (ICED) thuộc Đại học Quốc gia TPHCM và Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) phối hợp tổ chức mới đây, ông Đặng Thanh Tùng, đại diện Ban Chiến lược, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã chia sẻ về các định hướng phát triển hydro sạch của PVN.
Theo đó, chiến lược của PVN là sản xuất hydro “xanh” từ nguồn năng lượng tái tạo như điện gió ngoài khơi. Trong đó, hydro được sản xuất thông qua quá trình điện phân nước biển sử dụng nguồn điện gió ngoài khơi. Hydro sản xuất ra được vận chuyển về bờ bằng hệ thống đường ống dẫn khí tự nhiên sẵn có. Hydro có thể được sử dụng để sản xuất điện, cung cấp năng lượng cho các khu công nghiệp, dân cư, nguyên liệu cho các nhà máy lọc dầu hoặc sản xuất phân đạm, hóa chất, làm nhiên liệu cho các phương tiện giao thông vận tải.
Ảnh minh họa
Theo ông Đặng Thanh Tùng, phương án này có một số ưu điểm như tận dụng được cơ sở hạ tầng sẵn có của ngành dầu khí (tích hợp hệ thống điện phân nước vào các giàn khai thác dầu khí, sử dụng hệ thống đường ống dẫn khí để vận chuyển hydro về bờ); không phải đầu tư hệ thống truyền tải điện trên biển, giảm chi phí đầu tư; tránh nguy cơ quá tải của hệ thống truyền tải.
Đối với các nhà máy lọc dầu: sử dụng hydro “xanh” sản xuất từ năng lượng tái tạo để thay thế một phần hydro sản xuất từ các nguyên liệu như khí tự nhiên, LPG, naptha cung cấp cho các phân xưởng công nghệ xử lý bằng hydro (hydrotreating, hydrocracking...). Xem xét triển khai các dự án sản xuất hydro “lam” khi các điều kiện về chính sách cho phép (áp dụng thuế carbon, hình thành thị trường carbon trong nước).
Đối với các nhà máy đạm: sản xuất hydro từ năng lượng tái tạo để thay thế một phần khí tự nhiên
Đối với các dự án sản xuất hóa chất, nhiên liệu: sử dụng hydro “xanh” để chuyển hóa các nguồn khí giàu CO2 bao gồm: khí thải từ các nhà máy điện, nhà máy lọc hóa dầu, nhà máy hóa chất… và các mỏ khí thiên nhiên giàu CO2 thành các sản phẩm hóa chất, vật liệu có giá trị gia tăng cao như carbon nano tube (CNT), graphene hoặc nhu cầu tiêu thụ lớn như methanol hay các loại nhiên liệu (DME, Diesel, Methane).
Ông Đặng Thanh Tùng chia sẻ: Các doanh nghiệp dầu khí nói chung và PVN nói riêng có những ưu thế để tham gia chuỗi giá trị hydro trên cơ sở lợi thế về kinh nghiệm, hạ tầng sẵn có. Tập đoàn đang nghiên cứu, xây dựng chiến lược của mình trong lĩnh vực hydro và xây dựng lộ trình phát triển cũng như đẩy nhanh tốc độ triển khai các dự án thử nghiệm, làm chủ công nghệ để dần thu hẹp khoảng cách với các tập đoàn dầu khí trên thế giới, khu vực và tiến tới tham gia vào thị trường toàn cầu.
Hải Long