Những tin tức năng lượng nổi bật thế giới trong năm 2024
Dưới đây là danh sách những thông tin đáng chú ý nhất trong lĩnh vực năng lượng năm 2024 được hãng tin Pháp AFP đề xuất.
Hình minh họa |
Tiêu thụ than trên toàn cầu tiếp tục tăng
Bất chấp Hiệp định khí hậu Paris 2015 và các chiến dịch chống than kéo dài trên toàn thế giới, mức tiêu thụ than toàn cầu vẫn trong xu hướng tăng. Theo Statistical Review of World Energy được công bố bởi Energy Institute vào tháng 6 năm 2024, mức tiêu thụ than toàn cầu đã tăng từ 113,4 exajoules (EJ) năm 2003 lên 157,2 EJ năm 2015 và đạt 164 EJ năm 2023 (1 EJ tương đương với 277,78 TWh điện).
Xu hướng tăng tiêu thụ dầu khí toàn cầu
Tiêu thụ dầu đã tăng từ 160,5 EJ năm 2003 lên 183,5 EJ năm 2015 và đạt 196,4 EJ năm 2023. Tính theo triệu thùng mỗi ngày (mbpd), con số này tăng từ 79,9 mbpd năm 2003 lên 92,8 mbpd năm 2015 và 100,2 mbpd năm 2023. Tiêu thụ khí đốt cũng tăng từ 90,6 EJ năm 2003 lên 125,1 EJ năm 2015 và 144,4 EJ năm 2023.
Nhu cầu năng lượng hạt nhân không thay đổi, năng lượng mặt trời và gió tăng nhưng vẫn không đáng kể
Tiêu thụ năng lượng hạt nhân trên toàn cầu gần như không đổi: Từ 26,5 EJ năm 2003, 23,4 EJ năm 2013 đến 24,6 EJ năm 2023. Trong khi đó, năng lượng mặt trời tăng từ 1,4 EJ năm 2013 lên 15,4 EJ năm 2023; năng lượng gió tăng từ 6,2 EJ năm 2013 lên 21,8 EJ năm 2023. Tuy nhiên, sự mở rộng này chỉ mang tính bổ sung chứ không thay thế được việc sử dụng than và các nhiên liệu hóa thạch khác.
Tổng thống Trump tái đắc cử và khôi phục chính sách "khoan nhiều hơn" và "thống trị năng lượng" của Mỹ
Xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ chỉ đạt 4 tỷ mét khối (bcm) vào cuối nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Obama hồi năm 2016. Dưới thời ông Trump, con số này tăng gấp 4 lần, đạt 17 bcm năm 2017 và 61 bcm năm 2020. Với nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump, xuất khẩu LNG của Mỹ dự kiến tăng lên 160 bcm hoặc cao hơn.
Khử carbon dẫn đến sự tăng trưởng chậm lại
Từ năm 2010 đến năm 2023, tỷ trọng than trong sản xuất điện giảm mạnh tại Đức (từ 41,5% xuống 24,9%), Anh (28,2% xuống 1,2%) và Canada (13,8% xuống 3,7%). Cùng thời gian này, tăng trưởng GDP trung bình chỉ đạt 1,1% ở Đức, 1,6% ở Anh và 1,8% ở Canada. Ngược lại, các quốc gia châu Á, nơi sử dụng than tăng, ghi nhận mức tăng trưởng GDP mạnh mẽ: Trung Quốc (6,1%), Ấn Độ và Việt Nam (6%), và Philippines (5%).
Nh.Thạch