|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nghệ An: Cung ứng hàng hoá truyền thống ‘loay hoay’ giữa tâm dịch

Hiện Thành phố Vinh (Nghệ An) đã tạm dừng 9 khu chợ truyền thống do covid-19. Điều này đã ảnh hưởng nhiều tới hoạt động của chuỗi cung ứng, bán lẻ trong thời gian qua, nhất là đối với các kênh bán lẻ truyền thống. Tại các khu chợ này, các hộ kinh doanh nhỏ lẻ nhất là hàng hoá thực phẩm đang “thấp thỏm” trước diễn biến khó lường của dịch.

Lo ngại dịch bệnh, tiểu thương nghỉ chợ

Tại Thành phố Vinh (Nghệ An) số lượng các chợ truyền thống ngưng hoạt động ngày càng tăng trước những diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh tại địa phương. Chính điều này khiến người dân tập trung đông đúc tại các cửa hàng thực phẩm tiện dụng và thường phải chịu cảnh quá tải, thiếu thực phẩm. Giới văn phòng, người trẻ còn có thể mua sắm online, cũng không phải lúc nào cũng tiện dụng. Tuy nhiên, bất tiện lớn là đối với không ít người lao động nghèo, vốn quen với các chợ truyền thống, chợ tự phát, nay cũng than phiền khi chịu mức giá cao hơn vì phải vào siêu thị mua thực phẩm.

Cung ứng hàng hoá truyền thống ‘loay hoay’ giữa tâm dịch
Chợ Vinh- Chợ đầu mối hàng hoá lớn nhất của tỉnh Nghệ An, tuy chưa bị đóng cửa nhưng các tiểu thương vì lo ngại lây nhiễm nên không dám đến chợ buôn bán

Ông Nguyễn Hữu Đắc - Trưởng ban Quản lý chợ Vinh (TP. Vinh) chia sẻ, tình hình dịch bệnh phức tạp không những khiến cho hoạt động của chợ bị gián đoạn, chịu nhiều ảnh hưởng mà còn khiến cho nhiều tiểu thương của chợ lo ngại các nguy cơ lây nhiễm, nên không chịu ra chợ bán. “Hiện nay, số các tiểu thương đến chợ chỉ có 2-3 quầy bán trái cây, còn lại nghỉ hết vì họ sợ dịch bệnh…”. Tuy nhiên, cũng theo ông Đắc, vì dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, nên về lâu dài thì về phía chính quyền vẫn cần chủ động phương án để kết nối lại hoạt động giao thương, trước mắt là ở khu vực điểm bán tạm thời nói riêng, cũng như chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sau này có thể mở lại chợ chính.

Tương tự, trước tình hình dịch bệnh phức tạp, hoạt động kinh doanh gặp khó khăn, dù cửa hàng tạp hóa bán các mặt hàng thiết yếu vẫn được phép hoạt động nhưng nhiều cửa hàng, tiệm tạp hóa đã chủ động cắt giảm thời lượng bán hàng, hạn chế nhập hàng, có trường hợp còn tạm ngừng hoạt động vì lo ngại dịch bệnh, nhất là ở một số khu vực đông dân cư…

Bà Nguyễn Thị Hoa– Tiểu thương bán rau ở chợ Vinh cho hay, thời gian đầu khi vừa thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, bà vẫn mở cửa duy trì buôn bán, phục vụ nhu cầu mua sắm hàng hóa thiết yếu của bà con xung quanh trên cơ sở chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. Tuy nhiên, sau khi khu chợ đầu mối bên cạnh có ca dịch bà đã tạm ngưng bán hàng vì lo ngại nguy cơ lây nhiễm bệnh. “giờ tôi tuổi lớn rồi, lại có bệnh nền nếu chẳng may tiếp xúc với người nhiễm Covid-19 sẽ rất khó khăn. Cùng với đó mỗi lần đi lấy hàng, bán hàng theo quy đinh phải test nhanh 3 ngày một lần, mà chi phí lại tự chi trả nên tốn kém, nguồn cung hàng hóa lại không ổn định, hàng từ nhiều nơi như Đà Lạt, Bình Dương về lúc có lúc không, cước phí vận chuyển bị đẩy cao. Nên tôi quyết định tạm ngừng kinh doanh trong thời điểm này, đợi dịch bệnh lắng xuống sẽ mở cửa trở lại” - bà Hoa chia sẻ.

Anh Nguyễn Văn Khang, bảo vệ tại cung cư Tecco TP. Vinh chia sẻ: “Thực ra tôi thấy đi chợ bằng phiếu giữ “5K” thì cũng khá an toàn. Hôm trước đi chợ thấy giăng dây, hạn chế tiếp xúc, đến lượt mình vào mua thấy cũng ổn. Chỉ ngặt nỗi chợ gần nhà đóng cửa gần hết nên không không có nhiều lựa chọn, nên lại phải đi xa mà tới nơi nhiều lúc hàng cũng hết”.

Việc đóng cửa chợ là giải pháp hạn chế dịch, nhưng có thể là giải pháp không triệt để, khi “ngăn” ở phía này lại tạo nguy cơ ở nơi khác. Đồng thời, việc ngưng mỗi một chợ dân sinh truyền thống cũng gây ảnh hưởng đến đời sống, sinh kế của không ít người dân. Nên chăng có một giải pháp căn cơ hơn dựa trên kinh nghiệm của nhiều địa phương đã thực hiện hiệu quả, thay vì đóng cửa triệt để?

Triển khai nhiều biện pháp cấp bách không đứt gãy hàng hoá

Nhiều biện pháp được xem là cấp bách từ phía chính quyền Thành Phố Vinh được đưa ra ngày 21/8 trong văn bản số 5555, nêu rõ; tại các khu chợ đang hoạt động, các tiểu thương khi lấy hàng hóa tại các điểm cung ứng, tập kết hàng hóa, phải có kết quả xét nghiệm âm tính bằng phương pháp PCR hoặc test nhanh kháng nguyên trong thời hạn 72 giờ; Chợ do các phường, xã quản lý, chính quyền sở tại có trách nhiệm xác nhận giấy đi đường cho các hộ kinh doanh; Chợ do các Doanh nghiệp, HTX quản lý, thì phải lập danh sách các hộ tiểu thương gửi về các phường, xã nơi địa bàn chợ hoạt động để xác nhận; Đồng thời khi hoạt động tại chợ cần giới hạn số lượng, khoảng cách các sạp hàng, triển khai phân luồng khách hàng mua sắm, giữ khoảng cách, tuân thủ quy định 5K, khử khuẩn…

Cung ứng hàng hoá truyền thống ‘loay hoay’ giữa tâm dịch
Theo giám đốc siêu thị MM Megamaket chi nhánh Nghệ An, hiện tại siêu thị vẫn cung ứng hàng hoá thiết yếu tại TP Vinh đảm bảo, giá cả bình ổn

Văn bản cũng nêu rõ đối với người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa như lái xe, người phục vụ trên xe, nhân viên bốc xếp hàng hóa đi theo xe, cần tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng test nhanh cho lái xe, người phục vụ trên xe, nhân viên bốc, xếp dỡ hàng hóa đi theo xe định kỳ 3 ngày/lần. Người kinh doanh, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp thì tiến hàng giao các phường, xã có sản xuất nông nghiệp thành lập Tổ hoặc khuyến khích các doanh nghiệp, HTX tổ chức thu gom các sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi trên địa bàn; yêu cầu thực hiện vận chuyển trên một phương tiện chung để nhập hàng và tiêu thụ. Mỗi tổ chức người bán hàng đi theo xe không quá 2 người. Các phường, xã cấp giấy xác nhận để người và phương tiện lưu thông trên đường.

Song song đó, thành phố cũng đã có hướng dẫn áp dụng phương án phân chia đi mua hàng hoá thiết yếu của người dân, phát phiếu, đi chợ theo ngày chẵn - lẻ. Chỉ được phép đi tại các chợ, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng bán lẻ... đóng trên địa bàn cư trú, trong trường hợp phường, xã mình cư trú không có chợ hoặc chợ bị tạm dừng hoạt động thì nhân dân được sử dụng thẻ đi chợ tại các phường, xã có chợ liền kề do Chủ tịch UBND phường, xã mình cư trú chỉ định.

Trưởng ban Quản lý chợ Ga Vinh - ông Lê Vĩnh Hùng chia sẻ, chợ đã giới hạn các sạp hàng, tuân thủ giãn cách, chủ yếu bán các nhu yếu phẩm như gạo, rau củ quả, thực phẩm tươi sống...Chợ chủ động phối hợp với lực lượng an ninh phân luồng khách vào mua sắm ở các sạp hàng theo 1 chiều vào và 1 chiều ra, kiểm tra phiếu đi chợ theo ngày do địa phương cấp cho người dân đến mua sắm tại chợ, yêu cầu khai báo y tế, tuân thủ quy định 5K… “nhưng về lâu dài chính quyền thành phố cần có những điều chỉnh hợp lý với các điểm bán hàng an toàn tại các phường bị đóng chợ cho bà con chứ tập trung về một chợ như thế này BQL khó đảm bảo an toàn, và hàng hoá đủ để cung cấp…” ông Hùng nói.

Bài học từ chính các chợ truyền thống cho thấy, công tác khử khuẩn tốt, mở lại vẫn “dính” dịch như chợ đầu mối ở TP Vinh vừa qua. Thế nên, đại diện một số BQL chợ truyền thống trên địa bàn cho biết, nên áp dụng mô hình chợ “dã chiến” ra ngoài đường bằng việc kẻ ô, phân luồng, phân ô cho tiểu thương bán. Phương án này đáp ứng được quy định 5K tốt hơn là cứ phải vào trong chợ để bán trở lại.

Chia sẻ những khó khăn này - Giám đốc sở Công Thương Nghệ An ông Phạm Văn Hoá cho biết, Sở đã có kiến nghị đối với UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo các ngành, y yế, giao thông cùng phối hợp đảm bảo nguồn cung hàng hoá cho người dân. Cụ thể, Sở Y tế, UBND cấp huyện hỗ trợ Test Covid-19 cho người quản lý, làm việc, bán hàng tại chợ hàng tuần theo quy định. Quan tâm bố trí tiêm Vacxin cho các hộ tiểu thương và đối tượng làm việc tại chợ. Sở giao thông vận tải, UBND các huyện TP Thị xã cần có hướng dẫn thống nhất đối với công tác Vận Chuyển hàng hóa, người lao động làm trong lĩnh vực thiết yếu đặc biệt đối với các địa bàn đang thực hiện chỉ thị 16.

Cùng với đó cần xây dựng phương án cụ thể về việc cung ứng các hàng hóa thiết yếu theo các cấp độ cũng như có phương án đề xuất cung ứng hàng hóa khác thay thế các chợ điểm dịch vụ trong trường hợp các chợ, điểm kinh doanh dịch vụ bị đóng cửa, để có các điểm bán hàng lưu động, điểm thay thế… đảm bảo không để xảy ra tình trạng thiếu hàng. Có thể, tổ chức những điểm bán hàng lưu động cho tiểu thương, đừng để tiểu thương mất cơ hội kinh doanh quá lâu trong mùa dịch, ông Hoá cho biết thêm.

Hoàng Trinh


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết