Năng lượng Nhật Bản [Kỳ 46]: Chính sách cơ bản cho chuyển đổi xanh
Ngày 10/2/2023, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định chính sách cơ bản để thực hiện Chuyển đổi xanh (GX) tại cuộc họp nội các. Với tình hình ở Ukraine (sau tháng 2/2022), việc đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng ổn định đã trở thành vấn đề lớn của toàn cầu. Mùa hè năm nay, tại “Hội nghị thực hiện chuyển đổi xanh” và cuộc họp hội đồng của các bộ sẽ tập trung thảo luận ba vấn đề chính: Khử Cacbon, cung cấp năng lượng ổn định và tăng trưởng kinh tế.
Để đảm bảo cung cấp năng lượng ổn định, chính sách cơ bản kêu gọi:
1/ Đẩy mạnh triệt để tiết kiệm năng lượng.
2. Đưa năng lượng tái tạo trở thành nguồn điện chính.
3. Sử dụng điện hạt nhân.
Các dự luật liên quan hiện đang được đệ trình lên phiên họp thường kỳ của Quốc hội.
Đối với điện hạt nhân, sau trận động đất lớn ở phía Đông Nhật Bản, trong chính sách cơ bản này đã ghi rõ việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân thế hệ mới thay thế nhà máy cũ trong phạm vi địa điểm nhà máy sẽ được cụ thể hóa. Thời gian hoạt động tối đa là 60 năm cũng sẽ được kéo dài bằng cách trừ đi những giai đoạn nhà máy ngừng để thanh tra.
Tiền thu được từ trái phiếu chính phủ mới “Trái phiếu chuyển đổi kinh tế năng lượng xanh” (trái phiếu GX) sẽ được sử dụng để hỗ trợ quá trình khử cacbon của các công ty và đầu tư hơn 150 nghìn tỷ yên (khoảng 1,14 nghìn tỷ USD) vào khu vực công và tư nhân.
Dự luật Khuyến khích GX cũng đã được Nội các thông qua. Trong dự luật quy định việc phát hành trái phiếu GX và chính thức áp dụng giá cacbon, yêu cầu các công ty phải trả chi phí cho lượng khí cacbon dioxide (CO2) thải ra và phí này sẽ được đưa vào quỹ phục hồi tài nguyên.
Đẩy mạnh GX với mục tiêu không phát thải khí nhà kính vào năm 2050 để đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng ổn định. Đồng thời, mục tiêu là nâng cao khả năng cạnh tranh của các ngành công nghiệp và đưa nền kinh tế Nhật Bản trở lại đà tăng trưởng.
Chính sách cơ bản bao gồm “sử dụng tối đa” nguồn năng lượng không cacbon (năng lượng tái tạo và điện hạt nhân). Về điện hạt nhân được ghi rõ “tập trung phát triển và xây dựng các lò phản ứng sáng tạo thế hệ tiếp theo kết hợp các cơ chế an toàn mới”. Việc này đã thay đổi chính sách hạt nhân sau động đất.
Trên cơ sở đạt được đồng thuận của người dân địa phương, sẽ tiến tới cụ thể hóa việc xây dựng lại trong phạm vi địa điểm của nhà máy điện hạt nhân đã được quyết định tháo dỡ. Ngoài ra, việc phát triển và xây dựng các nhà máy điện hạt nhân khác sẽ được xem xét dựa trên tình hình trong thời gian tới.
Nhà máy điện hạt nhân Mihama của Công ty Điện lực Kansai được cho là có thể xây dựng lại, nhưng chưa rõ địa điểm cụ thể. Lần này, cụm từ “trong khu vực nhà máy” được đưa vào để làm rõ rằng: Việc xây dựng lại sẽ thực hiện trong địa điểm của nhà máy điện hạt nhân đã quyết định tháo dỡ.
Ngay cả khi xây dựng một nhà máy điện hạt nhân mới thì giữa những năm 2030 dự kiến mới bắt đầu hoạt động. Để tối đa hóa việc sử dụng các nhà máy điện hạt nhân hiện có, cần phải đẩy nhanh việc tái khởi động trên cơ sở đáp ứng các đánh giá an toàn của Cơ quan pháp quy hạt nhân và kéo dài thời gian vận hành.
Sau thảm họa, các nhà máy điện hạt nhân được cho phép hoạt động trong 40 năm và dài nhất là 60 năm. Theo quy định mới, thì nội dung này sẽ vẫn còn, nhưng thời gian bị đình chỉ do Uỷ ban pháp quy kiểm tra sau thảm họa động đất sẽ được bù lại. Vì thế khả năng nhà máy sẽ vận hành trên 60 năm.
Tăng cường các đường dây truyền tải để đẩy nhanh việc sử dụng năng lượng tái tạo. Trong 10 năm tới, mạng lưới điện bao phủ các khu vực của các công ty điện lực lớn sẽ được phát triển quy mô lớn hơn 8 lần so với 10 năm trước. Với mục tiêu đến năm 2030, sẽ bắt đầu vận hành đường dây truyền tải điện ngầm dưới đáy biển từ Hokkaido đến Honshu - nơi năng lượng gió ngoài khơi chính thức được triển khai.
Để hỗ trợ đầu tư khử cacbon cho các công ty, Chính phủ sẽ phát hành trái phiếu GX trong 10 năm kể từ năm tài chính 2023 và huy động tổng cộng 20 nghìn tỷ yên (khoảng 150 tỷ đô la). Thực hiện các chương trình hỗ trợ phổ biến xe điện, chuyển đổi cấu trúc của các ngành công nghiệp có lượng khí thải cao như thép, hóa chất, tiết kiệm năng lượng cho các công ty và tòa nhà. Đồng thời, xây dựng mạng lưới cung cấp hydro, amoniac không thải ra CO2 khi đốt cháy, cũng như kêu gọi đầu tư GX của các công ty.
Sẽ áp dụng định giá cacbon nhằm hoàn thành chương trình trung hòa khí thải vào năm 2050. Bắt đầu từ năm 2023, các công ty sẽ tự nguyện tham gia mua bán khí thải trên cơ sở thử nghiệm. Nếu công ty nào cắt giảm được lượng khí thải nhiều hơn mục tiêu của Chính phủ đưa ra, thì công ty đó có thể bán cho một công ty muốn cắt giảm nhiều hơn. Hoạt động này sẽ chính thức bắt đầu vào năm 2026 và vào năm 2033. Nhật Bản sẽ có cơ chế thu mua hạn mức phát thải áp dụng cho ngành điện.
Một khoản thuế cacbon cũng sẽ được áp dụng cho các nhà nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch vào năm 2028. Với chính sách tăng dần trách nhiệm, sẽ nhanh chóng làm cho các công ty giảm dần sử dụng nhiên liệu hóa thạch, và tiến tới không sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Tổ chức xúc tiến GX sẽ được thành lập để vận hành hệ thống mua, bán phát thải và thu thuế.
Cuộc xung đột Nga - Ukraine đã thay đổi cục diện năng lượng toàn cầu. Liên minh châu Âu (EU) dự định nâng mục tiêu tỷ lệ năng lượng tái tạo vào năm 2030 từ hơn 40% lên 45% trở lên. Hoa Kỳ chi 369 tỷ đô la (48 nghìn tỷ yên) cho các biện pháp an ninh năng lượng và biến đổi khí hậu thông qua Đạo luật phân bổ và doanh thu (Đạo luật kiểm soát lạm phát).
Khi thế giới đang gấp rút chuyển đổi năng lượng, liệu Nhật Bản có thể bắt kịp GX hay không sẽ liên quan trực tiếp đến khả năng cạnh tranh của các ngành công nghiệp và cuộc sống của người dân.
(Đón đọc kỳ tới...)
NGUYỄN HOÀNG YẾN (TỔNG HỢP, BIÊN DỊCH)