Năng lượng Nhật Bản [Kỳ 40]: Bế tắc nguồn cung, Chính phủ yêu cầu tiết kiệm điện
Chính phủ Nhật Bản đã quyết định yêu cầu người dân trên toàn quốc tiết kiệm điện mà không đặt mục tiêu con số cụ thể từ ngày 1/12 tới đây do tình hình cung và cầu điện căng thẳng trong mùa đông tới. Yêu cầu hợp tác của người dân trong việc tiết kiệm điện trong giới hạn hợp lý, chẳng hạn như mặc nhiều lớp quần áo trong nhà.
Tại cuộc họp báo sau cuộc họp nội các ngày 1/11, Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nishimura cho biết: “Chúng tôi sẽ yêu cầu tiết kiệm điện trong mùa đông này, cũng như trong mùa hè vừa qua, nhưng trong phạm vi hợp lý”. Ông cũng cho biết, đã quyết định yêu cầu tiết kiệm điện không đặt mục tiêu con số cụ thể trên phạm vi toàn quốc (từ ngày 1/12 đến hết tháng 3 năm sau).
Đây là lần đầu tiên trong 7 năm qua, yêu cầu tiết kiệm điện được đưa ra vào mùa đông.
Về cung cầu điện trong mùa đông năm nay, dự kiến “biên độ dự phòng” - nguồn cung điện dự phòng, có thể đảm bảo ở mức tối thiểu 3%, mức cần thiết cho nguồn cung ổn định trên toàn quốc, tuy nhiên vẫn rất căng thẳng trong việc tìm kiếm nguồn LNG ổn định, nguồn nhiên liệu chính cho nhiệt điện.
Tình hình cung cầu điện của Nhật Bản vẫn ngày càng căng thẳng. Nhật Bản đã vượt qua được mùa hè vừa qua, nhưng tình hình cung cầu sẽ tiếp tục thắt chặt trong mùa đông này và nguy cơ thiếu điện có thể trở thành hiện thực. Nguyên nhân sâu xa của tình hình này, là do việc khởi động lại các nhà máy điện hạt nhân vẫn chưa có tiến triển và các nhà máy nhiệt điện lần lượt bị đóng cửa do thua lỗ bởi các vấn đề về giá nhiên liệu và tái cấu trúc.
Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp ước tính rằng: Khoảng 26,7 triệu kilowatt công suất nhiệt điện sẽ bị mất trong vòng 10 năm tới. Tại sao khả năng cung cấp này ngày càng giảm, mặc dù đang “thiếu điện”? Để tránh khủng hoảng này, cần kiên định tái khởi động các nhà máy điện hạt nhân và tạo môi trường khuyến khích đầu tư vào sản xuất nhiệt điện.
Mùa hè năm nay, lần đầu tiên có “cảnh báo về cung và cầu điện căng thẳng” và người phụ trách đã kêu gọi hợp tác tiết kiệm điện trong một cuộc họp báo. Do nhiệt độ tăng mạnh so với trung bình hàng năm, nhu cầu điện năng tối đa vào ngày 27/6 là 52,54 triệu kilowatt, cao nhất trong 10 năm qua. Cảnh báo được phát đi trong 4 ngày liên tiếp.
Thời gian này, các nhà máy nhiệt điện đang dừng để kiểm tra đã tiếp tục phát điện sau tháng 7 nên cũng đã vượt qua tình hình căng thẳng.
Trong những năm gần đây, việc quản lý cung và cầu trở nên khó khăn do sản lượng của các hệ thống điện mặt trời quy mô lớn bị giảm vào chiều tối và khi thời tiết mưa bão cũng là lúc nhiệt độ giảm và nhu cầu điện tăng lên. Trong trường hợp thời tiết lạnh giá với xác suất một lần trong một thập kỷ, thì biên độ dự trữ cho tháng Giêng năm sau dự kiến sẽ nằm trong khoảng 4% - 5% cho các khu vực và trong 7 năm qua đây là lần đầu tiên Chính phủ yêu cầu tiết kiệm điện trong mùa đông. Nhật Bản, một quốc gia phát triển, sẽ lặp lại việc tiết kiệm điện theo sự vụ như thế này đến bao giờ?
Nguyên nhân của tình trạng thiếu điện triền miên là do việc ngừng sản xuất điện hạt nhân cùng với việc phụ thuộc vào nhiệt điện đã đạt đến giới hạn. Kể từ sau trận động đất ở Đông Nhật Bản, chỉ có 10 tổ máy điện hạt nhân đã được khởi động lại, chỉ chiếm 3,9% sản lượng điện trong năm 2020. Ngược lại, sản xuất nhiệt điện chiếm 76,3%, trở thành “nguồn điện chính”.
Tuy nhiên, với việc tự do hóa thị trường bán lẻ điện, cạnh tranh về giá giữa các công ty điện ngày càng gay gắt. Trong khi các công ty điện không sở hữu nhà máy điện xuất hiện thì các công ty điện lực lớn lần lượt xóa bỏ các nhà máy nhiệt điện cũ không có lãi, không còn khả năng duy trì.
Ngoài ra, việc nguồn điện mặt trời tăng cao - nguồn điện chịu tác động của thời tiết, nên vai trò của nhiệt điện như một nguồn điện điều tiết đã tăng lên và làm cho hệ số công suất giảm. Với nhiệt điện, khi điện mặt trời tăng sẽ giảm công suất phát, hoặc dừng lại để điều chỉnh cân bằng cung cầu tổng thể.
Từ quan điểm của các công ty điện lực, khó khăn trong duy trì hoạt động ổn định và vấn đề tái cơ cấu không có đầu tư mới sẽ dẫn đến cung và cầu căng thẳng. Ngoài ra, do chúng ta buộc phải rời xa các nguồn nhiên liệu hóa thạch thải ra khí carbon dioxide (CO2) nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu, nên đành phải thận trọng đầu tư xây dựng mới các nhà máy nhiệt điện kéo theo việc mất đi năng lực cung cấp điện dự phòng.
Tại cuộc họp triển khai GX (Chuyển đổi xanh) của Chính phủ diễn ra ngày 24/8, Thủ tướng Fumio Kishida đã công bố kế hoạch khởi động lại 7 nhà máy điện hạt nhân mới từ mùa hè năm sau. Ngoài việc xem xét kéo dài thời gian hoạt động, ông chỉ đạo Chính phủ thực hiện thay đổi mạnh mẽ so với chính sách trước đây của mình là không xem xét việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới, và xem xét việc phát triển, xây dựng các lò phản ứng cải cách thế hệ tiếp theo.
Chính phủ đã thực hiện các bước nhằm tối đa hóa việc sử dụng điện hạt nhân để tránh một cuộc khủng hoảng điện sắp xảy ra, nhưng có nhiều vấn đề cần được giải quyết để thực hiện tái khởi động, chẳng hạn như sự đồng ý của công chúng địa phương và việc xây dựng các công trình an toàn.
Tăng cường nguồn nhiệt điện hiệu suất cao cũng là điều không thể thiếu. Nếu năng lượng tái tạo được mở rộng hơn nữa trong tương lai thì nhiệt điện sẽ cần thiết như một nguồn điện điều tiết để ổn định hệ thống. Để ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu, chúng ta phải thúc đẩy việc đưa vào sản xuất nhiệt điện kết hợp với công nghệ “CCUS” để thu giữ, lưu trữ và tái sử dụng CO2, cũng như sản xuất nhiệt điện dùng hydro và amoniac.
Xây dựng một nhà máy điện mới nhanh nhất cũng mất vài năm và lâu nhất phải mất 10 năm. Vì lý do này, tình hình đầu tư mới không tiến triển hiện nay cần phải được cải thiện càng sớm càng tốt. Để giải quyết tình trạng thiếu điện, trong ngắn hạn Chính phủ Nhật đang xúc tiến khởi động lại các nhà máy điện hạt nhân, trong trung hạn sẽ thực hiện xây mới và kéo dài tuổi thọ các nhà máy điện hạt nhân, đồng thời cải thiện môi trường thúc đẩy đầu tư vào nguồn nhiệt điện hiệu suất cao./.
(Đón đọc kỳ tới...)
NGUYỄN HOÀNG YẾN (TỔNG HỢP, BIÊN DỊCH)