|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kết luận của Chính phủ về việc dừng khai thác phần công suất điện mặt trời Thuận Nam

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 316/TB-VPCP ngày 5/10/2022, kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại cuộc họp về việc dừng khai thác phần công suất chưa có cơ chế giá của Nhà máy điện mặt trời tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận.

Kết luận của Chính phủ về việc dừng khai thác phần công suất điện mặt trời  Thuận Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam
Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn về quản lý nhà nước đối với ngành điện có trách nhiệm tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nắm bắt những vấn đề còn tồn tại, bất cập hiện nay của ngành điện, chủ động xử lý theo quy định pháp luật.

Do đó, Bộ Công Thương chịu trách nhiệm xem xét, hướng dẫn, xử lý dứt điểm các kiến nghị của Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam về việc dừng khai thác phần công suất chưa có cơ chế giá điện của Nhà máy điện mặt trời tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận, bảo đảm đúng quy định của pháp luật.

Trong quá trình xử lý các kiến nghị cần xem xét toàn diện các vấn đề có liên quan về đầu tư xây dựng nhà máy điện gắn với đầu tư lưới điện truyền tải đấu nối giải tỏa công suất nguồn điện trong khu vực, hợp đồng mua bán điện giữa các bên, công nhận vận hành thương mại của cơ quan có thẩm quyền… bảo đảm sự thống nhất, đúng quy định.

Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 5047/VPCP-CN ngày 9/8/2022 của Văn phòng Chính phủ về cơ chế đối với các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp.

Trước đó, ngày 31/8/2022, Công ty Mua bán điện đã có Văn bản số 6082 thông báo dừng khai thác đối với phần công suất chưa có cơ chế giá điện của Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam 450 MW (tỉnh Ninh Thuận). Theo đó, dừng khai thác công suất 172,12 MW kể từ 0h ngày 1/9 do chưa có cơ chế giá điện.

Ngay sau khi Công ty Mua bán điện có văn bản dừng khai thác đối với phần công suất chưa có cơ chế giá điện của Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam 450 MW, nhà đầu tư là Trungnam Group đã có văn bản gửi Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) kiến nghị tiếp tục huy động và ghi nhận sản lượng đối với phần công suất chưa có giá điện của dự án.

Theo Trungnam Group - Chủ đầu tư dự án điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam 450 MW hiện đã đi vào hoạt động hơn 22 tháng, được EVN huy động công suất của toàn dự án để hòa lưới điện quốc gia (trong đó một phần công suất chưa xác định được giá bán điện làm cơ sở thanh toán).

Đặc biệt, dự án đang chịu chi phí truyền tải cho các dự án năng lượng tái tạo khác trên địa bàn tỉnh (sau hơn 22 tháng vận hành, sản lượng truyền tải cho các dự án thông qua trạm biến áp 500 kV Thuận Nam là khoảng 4,2 tỷ kWh, tương ứng khoảng 360 tỷ đồng) và chịu chi phí quản lý vận hành trạm biến áp khiến nhà đầu tư gặp rất nhiều khó khăn và chịu áp lực rất lớn trong trả nợ vay ngân hàng theo phương án tài chính…

Theo đó, việc dừng huy động 40% công suất dự án của chủ đầu tư (Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam) - đồng nghĩa dự án chỉ vận hành đạt 60% so với thiết kế, sẽ phá vỡ cam kết của nhà đầu tư về phương án tài chính được tổ chức tín dụng thống nhất.

Do đó sẽ dẫn tới dự án mất khả năng cân đối trả nợ vay, trong khi các nhà đầu tư khác lại được hưởng lợi trên đường dây truyền tải 500 kV giải tỏa công suất (được đầu tư bằng chính nguồn vốn của Trungnam Group) gây một thiệt thòi lớn cho nhà đầu tư. EVN cũng không cần bỏ chi phí đầu tư đường dây và trạm 500 kV (tới hàng ngàn tỷ đồng), cũng như chi phí quản lý vận hành để truyền tải điện năng từ cụm các dự án này tới các hộ tiêu thụ.

Cũng theo phía nhà đầu tư, việc dừng hẳn huy động công suất chưa có giá điện của dự án là không phù hợp theo các điều khoản đã thỏa thuận của hợp đồng mua bán điện giữa EVN và Công ty TNHH điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam.

Chia sẻ về vấn đề này, Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam cho rằng: Đây là vấn đề vượt quá thẩm quyền của Bộ Công Thương, cũng như EVN, do vậy, để giải quyết vấn đề hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư và người dân trong sự việc này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần xem xét thấu đáo và có văn bản chỉ đạo cụ thể./.

BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết