Hợp tác để tăng cường sử dụng năng lượng hiệu quả trong lĩnh vực công nghiệp
Trong khuôn khổ hợp phần 3 của Chương trình Hợp tác đối tác năng lượng Việt Nam – Đan Mạch giai đoạn 2020 – 2025, các đối tác Đan Mạch và Việt Nam sẽ hợp tác để tăng cường sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong lĩnh vực công nghiệp.
Ngày 9/3, đoàn công tác của Cục Năng lượng Đan Mạch và Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam có buổi làm việc với lãnh đạo Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) về tiến độ và kế hoạch triển khai các hoạt động thuộc hợp phần 3 của Chương trình Hợp tác đối tác năng lượng Việt Nam – Đan Mạch giai đoạn 2020 - 2025 (Chương trình DEPP3).
Chương trình Hợp tác đối tác năng lượng Đan Mạch là một phần trong cam kết của Đan Mạch thực hiện Thỏa thuận Paris thông qua việc hỗ trợ một số nền kinh tế mới nổi, trong đó có Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp.
Chương trình DEPP III sẽ được triển khai trong 5 năm từ năm 2021 đến năm 2025. Chương trình bao gồm hoạt động thúc đẩy điện gió ngoài khơi và hoạt động xây dựng các cơ chế khuyến khích nhằm cải thiện sử dụng năng lượng hiệu quả trong lĩnh vực công nghiệp tại Việt Nam. Chương trình DEPP III cũng sẽ tiếp tục tập trung vào thiết lập mô hình dài hạn cho ngành năng lượng với ấn phẩm Báo cáo Triển vọng Năng lượng được xuất bản định kỳ 2 năm 1 lần.
Hướng tới tăng cường sử dụng năng lượng hiệu quả trong lĩnh vực công nghiệp. (Ảnh minh họa)
Tại buổi làm việc, ông Phương Hoàng Kim, Vụ Trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững khẳng định sự hợp tác từ Chương trình DEPP giai đoạn trước đã hỗ trợ tích cực trong việc xây dựng các đề xuất chính sách thúc đẩy carbon thấp trong lĩnh vực công nghiệp. Đồng thời, các hoạt động cũng giúp đánh giá hiệu quả sử dụng năng lượng, triển khai hoạt động tiết kiệm năng lượng tại một số doanh nghiệp công nghiệp; từ đó nâng cao năng lực thực thi các quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.
Theo ông Phương Hoàng Kim, DEPP3 sẽ là nấc thang mới trong quá trình hợp tác đối tác năng lượng giữa hai quốc gia. Hiện tại, Chính phủ Việt Nam đã có một số định hướng chính sách mới bao gồm thúc đẩy chuyển dịch dần sang các nguồn năng lượng ít phát thải và cam kết net-zero. Do đó, các hoạt động của chương trình trong giai đoạn tới cũng cần gắn với các mục tiêu chính sách mới của Việt Nam. Do đó, đề nghị phía Đan Mạch nghiên cứu, hỗ trợ đề xuất những chính sách nhằm thúc đẩy thị trường dịch vụ năng lượng tại Việt Nam như phát triển mạng lưới kiểm toán năng lượng, nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ESCO.
Ông Ulrik Eversbusch, Giám đốc Trung tâm Hợp tác toàn cầu (Cục Năng lượng Đan Mạch) khẳng định hợp phần 3 Phát triển carbon thấp trong lĩnh vực công nghiệp có ý nghĩa quan trọng trong việc hỗ trợ thực hiện các hoạt động, sáng kiến nâng cao mức độ tuân thủ các quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đặc biệt ở cấp tỉnh. Dựa trên kinh nghiệm của Đan Mạch, chương trình sẽ hỗ trợ Việt Nam xây dựng các cơ chế khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Các hoạt động sẽ bám sát tình hình thực tế tại Việt Nam, đồng thời đưa ra các gợi ý phù hợp với định hướng của Chính phủ về phát triển năng lượng carbon thấp.
Trong thời gian tới, Chính phủ Đan Mạch sẽ phê duyệt bổ sung nguồn vốn cho Chương trình DEPP3 nhằm thúc đẩy hơn nữa các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại Việt Nam. Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững và Cục Năng lượng Đan Mạch thống nhất sẽ tiếp tục phối hợp xúc tiến các hoạt động của hợp phần 3 và nghiên cứu xây dựng nội dung đề xuất chi tiết cho một số hoạt động mới sử dụng nguồn kinh phí bổ sung cho DEPP3.
An Vinh