Điện gió ngoài khơi ở Đài Loan và cơ hội tham gia của Việt Nam
Để bạn đọc hiểu thêm về lĩnh vực phát triển điện gió ngoài khơi ở Đài Loan, chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam cập nhật những dữ liệu liên quan đến tiềm năng, chính sách phát triển điện gió ngoài khơi của khu vực này, đặc biệt là cơ hội tham gia làm nhà thầu chế tạo cơ khí, xây lắp... của phía Việt Nam.
Tiềm năng, chính sách phát triển điện gió ngoài khơi của Đài Loan:
Đề cập về tiềm năng điện gió ngoài khơi của Đài Loan, tờ Guardian (Anh) số ra mới đây đăng bài viết Taiwan’s wind power revolution: leading the way in Asia -Pacific (Cách mạng điện gió của Đài Loan: Dẫn đầu khu vực châu Á - TBD). Bài viết đề cập cách Đài Loan đang chứng minh với thế giới về quá trình chuyển đổi thành công sang năng lượng tái tạo để giảm khí thải và giúp khu vực sớm đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050.
Theo Guardian: Trên toàn bộ khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC), một phần của thế giới từng phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch - sự quan tâm và đầu tư vào năng lượng tái tạo đã tăng vọt trong vài năm gần đây. Một phần của động lực chính là những tác động của biến đổi khí hậu đã và đang ập đến từng nhà. Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc phân loại APAC là một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu trên quy mô toàn cầu. Khu vực này cũng chiếm hơn một nửa tổng lượng phát thải khí nhà kính chung của toàn thế giới.
Theo Văn phòng Năng lượng và Giảm Carbon Đài Loan (OECR): Đài Loan đang thực hiện các động thái chuyển đổi sang tương lai xanh, sạch hơn, đồng thời đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng. “Để đạt mục tiêu Net Zero, Đài Loan có kế hoạch thúc đẩy nghiên cứu, triển khai và đổi mới công nghệ trong các lĩnh vực then chốt, hướng dẫn quá trình chuyển đổi xanh của ngành công nghiệp và thúc đẩy một làn sóng tăng trưởng kinh tế mới” - Tze-Luen Lin - Phó giám đốc điều hành OECR cho hay.
Đài Loan đã có những bước đi ấn tượng để đạt được các mục tiêu điện gió ngoài khơi. Năm 2019, họ đã khai trương trang trại gió ngoài khơi quy mô thương mại đầu tiên (Formosa 1, với công suất lắp đặt 128 MW). Dự án hiện đang cung cấp năng lượng cho khoảng 128.000 ngôi nhà. Hiện nay, trang trại gió ngoài khơi Greater Changhua 1 và 2a, sẽ được đặt ngoài khơi bờ biển phía tây của Đài Loan, sắp hoàn thành. Các trang trại này sẽ cung cấp năng lượng sạch cho hơn một triệu hộ gia đình và có công suất trên 900 MW.
Kể từ năm 2016, Đài Loan đã theo đuổi chương trình nghị sự chuyển đổi năng lượng và trở thành một quốc gia không có hạt nhân vào năm 2025, với mức tăng năng lượng tái tạo từ 5% năm 2016 lên 20% vào năm 2025. Ngoài ra, Đài Loan đã tăng tốc đáng kể nguồn điện gió ngoài khơi (WP) và phấn đấu đạt mục tiêu 5,7 GW vào năm 2025, từ 2 tua bin 4 MW vào giữa năm 2016.
Chính phủ Đài Loan đặt mức giá điện FIT cao nhất trên toàn thế giới để thu hút sự chú ý của các nhà phát triển năng lượng tái tạo lớn. Tiêu chí cho biểu giá điện FIT cao là yêu cầu về hàm lượng nội địa hóa. Nếu thành công, Đài Loan sẽ trở thành quốc gia có WP ngoài khơi lớn thứ ba về công suất lắp đặt và đạt được điều này với tiến độ nhanh nhất, bất chấp năng lực công nghiệp hiện tại đối với cả điện gió trên bờ lẫn ngoài khơi.
Tiềm năng gió ngoài khơi Đài Loan (ở vùng nước nông từ 5 - 20 m):
- Diện tích: 1.779,2 km.
- Tiềm năng: 9 GW.
- Khả thi: 1,2 GW.
Tiềm năng gió ngoài khơi Đài Loan (ở vùng nước sâu từ 20 - 50 m):
- Diện tích: 6.547 km.
- Tiềm năng: 48 GW.
- Khả thi: 5 GW.
Tiềm năng gió ngoài khơi Đài Loan (ở vùng nước sâu trên 50 m):
- Tiềm năng: 90 GW.
- Khả thi: 9 GW.
Simon Faulkner - Giám đốc quốc gia/Trưởng nhóm quản lý dự án tại Wood Thilsted cho biết: Trang trại gió ngoài khơi Formosa 1 (F1) của Đài Loan nhanh chóng nắm bắt những lợi ích của năng lượng xanh. Công suất 128 MW của F1 sẽ sớm được theo sau bởi F2 (376 MW) và sau đó là F3 được đề xuất, với công suất 2 GW, có thể tạo ra đủ năng lượng sạch cho khoảng 1,5 đến 2 triệu hộ gia đình ở Đài Loan. Chỉ riêng ba dự án này đã cho thấy những cơn gió chưa được khai thác trước đây ở bờ biển phía tây của Đài Loan có thể đóng một vai trò to lớn trong việc “đoan tuyệt” với nhiên liệu hóa thạch. Và còn nữa, với ít nhất 5 dự án điện gió ngoài khơi khác ở đây đang trong giai đoạn xây dựng, với công suất từ 110 MW đến 900 MW.
Đài Loan là thị trường điện gió ngoài khơi ở châu Á nhờ các yếu tố thuận lợi như quy mô thị trường tăng trưởng bùng nổ; hầu hết các thị trường gió ngoài khơi mở đều ở khu vực Đông Á; Đài Loan mong muốn được thực hiện cải cách năng lượng để thúc đẩy hợp đồng mua bán điện và các vấn đề tài chính dự án của Đài Loan ít thách thức hơn so với các nước trong khu vực.
Về chính sách điện gió ngoài khơi của Đài Loan, tờ Researchgate của Đức mới đây đã đăng bài viết Taiwan’s offshore wind energy policy (Chính sách năng lượng gió ngoài khơi của Đài Loan) - OWE. Theo Researchgate, trong những năm gần đây, Đài Loan đã chọn lĩnh vực năng lượng là một trong những ưu tiên chính sách hướng tới một tương lai bền vững. Năng lượng gió ngoài khơi đã được công nhận là trọng tâm phát triển năng lượng tái tạo, nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng. OWE được trình bày rõ ràng bằng một gói luật và chính sách trong bối cảnh chuyển đổi năng lượng, nó được hình thành với mục đích tích cực, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 càng nhanh càng tốt.
Theo Researchgate: Năng lượng gió ngoài khơi đã trở thành một trong những nguồn năng lượng tái tạo phát triển nhanh nhất của khu vực này thông qua chính sách OWE. Với việc vận hành trang trại gió đầu tiên của Đài Loan (năm 2021), các tranh cãi ngày càng gia tăng do liên quan đến việc phân bổ nhiệm vụ và lợi ích xã hội, kinh tế, môi trường do chính sách OWE quy định. Giai đoạn đầu tiên của chính sách OWE, 2 tổ máy (công suất 238 MW) được lên kế hoạch bắt đầu hoạt động vào năm 2020. Giai đoạn thứ ba của chính sách OWE của Đài Loan kết thúc vào năm 2025 sẽ có nhiều trang trại gió ngoài khơi sẽ ra đời vào năm 2025 để giúp cải thiện an ninh năng lượng và giảm khí thải nhà kính.
Kế hoạch Xúc tiến (Promotion Plan) theo chính sách OWE có tầm nhìn mục tiêu về an ninh năng lượng, nền kinh tế xanh và tính bền vững của môi trường. Nó xác định các mục tiêu sau:
- Cung cấp tổng cộng 20% nguồn năng lượng tái tạo và tạo ra 3.000 MW điện gió ngoài khơi hàng năm vào năm 2025.
- Dự án tua bin gió của Đài Loan đặt mục tiêu trung hạn 600 MW ngoài khơi, tổng cộng 1.800 MW vào năm 2020 và mục tiêu dài hạn: 3.000 MW ngoài khơi, tổng cộng 4.200 MW vào năm 2030.
Biểu giá điện hỗ trợ (FIT) của Đài Loan:
- Trên bờ: 2,6258 TWD (€6,73c)/kWh trong năm 2013.
- Ngoài khơi: 5,5626 TWD (€14,26c)/kWh trong năm 2013.
Bộ Kinh tế Đài Loan đã thiết lập biểu giá điện hỗ trợ (FIT) cho các dự án điện gió ngoài khơi ký hợp đồng mua bán điện 20 năm (PPA) vào năm 2021 với mức 4.656,8 TWD/MWh (166 USD/MWh). Mức này thể hiện mức cắt giảm 8,6% so với mức giá FIT trước đó được đặt cho năm 2020 (5.094,6 TWD/MWh).
Chương trình khuyến khích nước ngoài (DIP) của Đài Loan:
Chính phủ Đài Loan khuyến khích các công ty nước ngoài tham gia các dự án gió ngoài khơi. Về thông số kỹ thuật và yêu cầu của DIP: Cột đảm bảo độ sâu 10m nước trở lên, chiều cao 70m trở lên. Tua bin trình diễn có mức công suất 3 MW trở lên, trang trại gió trình diễn có độ sâu nước 5m trở lên, công suất 100 - 200 MW.
Cơ hội tham gia dự án điện gió ngoài khơi Đài Loan của Việt Nam:
Theo trang tin công nghệ điện trực tuyến Anh: Powerengineeringint (PEI), nhà thầu Yushan Energy, công ty con của hãng Enterprize Energy và nhà sản xuất điện độc lập Canada Northland Power đã chọn một công ty của Việt Nam để xây dựng hai trạm biến áp ngoài khơi cho các dự án điện gió Hai Long Offshore Wind Power 2 và 3 (Dự án điện gió Hải Long). Các địa điểm này sẽ cung cấp hơn 1 GW năng lượng gió sau khi được vận hành vào năm 2025 - 2026. Dự án điện gió Hải Long nằm ở eo biển Đài Loan (Trung Quốc) cách bờ khoảng 50 km, sẽ góp phần hiện thực hóa mục tiêu đạt 5,5 GW điện gió ngoài khơi và đảm bảo vị trí hàng đầu cho Đài Loan (Trung Quốc) về sản xuất điện gió tại khu vực Đông Á.
Liên danh Việt Nam do Semco Maritime và Công ty TNHH 1 TV Dịch vụ Cơ khí Hàng hải PTSC (PTSC M&C) đứng đầu sẽ cung cấp thiết kế, kỹ thuật, mua sắm, xây dựng và chạy thử 2 trạm biến áp ngoài khơi. Vỏ bọc trạm biến áp sẽ được sản xuất tại nhà máy của PTSC M&C tại Vũng Tàu - trung tâm của ngành công nghiệp dầu khí ngoài khơi của Việt Nam hiện nay.
Ông Felipe Montero - Giám đốc dự án điện gió Hải Long cho biết: “Việc ký kết thỏa thuận nhà cung cấp là một cột mốc quan trọng nữa đối với Hải Long trong quá trình tìm nguồn tài chính và bắt đầu xây dựng, chúng tôi rất vui khi phía Việt Nam tham gia dự án này”.
Theo tuyên bố của Enterprize Energy: Đây là một bước quan trọng trong việc cung cấp trang trại gió ngoài khơi Hải Long - một dự án do Enterprize khởi xướng vào năm 2013. Enterprize Energy tin rằng: Các xưởng chế tạo của Việt Nam tại Vũng Tàu có năng lực cạnh tranh toàn cầu để sản xuất cơ sở hạ tầng cần thiết cho phát triển năng lượng gió ngoài khơi ở bất kỳ đâu trên thế giới.
Theo đánh giá của các chuyên gia năng lượng, việc doanh nghiệp Việt Nam trúng thầu xây dựng trạm biến áp ở eo biển Đài Loan tạo việc làm cho 1.000 lao động. Liên danh này sẽ thiết kế chi tiết, mua sắm, thi công và chạy thử hai trạm biến áp ngoài khơi (bao gồm cả phần chân đế) với tổng khối lượng khoảng 18.000 tấn. Toàn bộ các cấu kiện sẽ được chế tạo tại PTSC M&C ở TP Vũng Tàu.
Theo kế hoạch, dự án sẽ được triển khai lắp đặt ngoài khơi vào năm 2024 và hoàn thành chạy thử, bàn giao cho chủ đầu tư vào năm 2026.
PTSC M&C là một trong những đơn vị chủ lực của Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) cũng như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) trong lĩnh vực cung cấp các dịch vụ kỹ thuật dầu khí chất lượng cao. PTSC M&C hiện là tổng thầu có năng lực trong thực hiện toàn bộ các công đoạn thiết kế, mua sắm, chế tạo, hạ thủy, vận chuyển, lắp đặt, đấu nối và chạy thử (EPCIC) cho các công trình phát triển, khai thác dầu khí thượng nguồn, hạ nguồn, cũng như năng lượng tái tạo.
Tính đến thời điểm hiện tại, PTSC M&C đã thực hiện thành công khoảng 80 dự án trong và ngoài nước với đa dạng các cấu kiện, bao gồm giàn xử lý trung tâm, giàn đầu giếng, khu nhà ở trên biển, module thượng tầng phương tiện nổi, công trình ngầm dưới biển.
Còn Semco Maritime là một doanh nghiệp toàn cầu đảm nhận và cung cấp các giải pháp trong chuỗi giá trị của ngành năng lượng toàn cầu. Kể từ năm 1980, Semco Maritime đã áp dụng các giải pháp chuyên môn làm nền tảng để triển khai tất cả các giai đoạn phát triển các dự án trên bờ, ngoài khơi - từ thiết kế cơ sở, thiết kế chi tiết, mua sắm và thi công lắp đặt, vận hành, cũng như dịch vụ liên quan đến cung cấp các giải pháp về nhân lực, thiết lập hệ thống.
Việc PTSC M&C tham gia gói thầu cùng với Semco Maritime cho thấy khả năng to lớn của phía Việt Nam trong các dự án lớn quốc tế, đặc biệt là khả năng mua sắm, chế tạo cơ khí, lắp dựng, vận hành.../.
KHẮC NAM - CHUYÊN GIA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM
(THEO: Guardian/MGT/APO/MDPI/BVN/OWB - 1/2023)
Link tham khảo:
1/ https://www.theguardian.com/power-of-green/2022/aug/10/taiwan-wind-power-renewable-energy-transition
2/ https://www.mofa.gov.tw/Upload/RelFile/2508/111034/25bcd458-67d7-4ed4-994b-128a7ba49d17.pdf
3/ https://www.openaccessgovernment.org/taiwan-offshore-wind/129010/
4/ https://www.mdpi.com/2071-1050/13/18/10465
5/ https://bnews.vn/ptsc-m-c-va-semco-maritime-lam-tong-thau-epc-du-an-dien-gio-hai-long/255222.html
6/ https://www.offshorewind.biz/2022/11/04/first-steel-cut-for-hai-long-offshore-substations/