Bảo hiểm Xã hội Việt Nam: Đồng hành, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô
Trong tình hình dịch Covid-19 với nhiều phức tạp như hiện nay, phải có phản ứng nhanh nhạy, kịp thời nhằm đáp ứng giải quyết những vấn đề mới, phát sinh, đảm bảo tốt nhất quyền lợi người tham gia. Đây là nhấn mạnh của Tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh tại buổi làm việc với BHXH Thành phố Hà Nội vừa qua.
Thực hiện Chỉ thị về về giãn cách xã hội trên địa bàn Thủ đô, Giám đốc BHXH TP.Hà Nội Nguyễn Đức Hoà cho biết, BHXH Thành phố đã và đang thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch Covid-19; đồng thời, thực hiện tốt các chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT); thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ) theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ.
Về công tác KCB BHYT liên quan đến dịch Covid-19, BHXH Thành phố đã ban hành đầy đủ, kịp thời triển khai các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của BHXH Việt Nam và Bộ Y tế về thanh toán chi phí KCB, xét nghiệm Covid-19; phối hợp với Sở Y tế giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh, đảm bảo quyền lợi người bệnh… BHXH Thành phố cũng đẩy mạnh ứng dụng CNTT để giải quyết các chế độ BHXH, BHYT…
BHXH Việt Nam luôn đồng hành với các bộ, ngành, địa phương trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 |
Tính đến hết 6 tháng đầu năm 2021, số người tham gia BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn Hà Nội đều tăng so với cùng kỳ, đảm bảo độ bao phủ BHXH, BHYT và chỉ tiêu được giao năm 2021. Đặc biệt, số người tham gia BHYT tăng 295.869 người so với cùng kỳ năm 2020, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 90,4% dân số. Tổng số tiền thu của thành phố là 23.3473 tỷ đồng, tăng 1.593 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2020, đạt 45,3% kế hoạch BHXH Việt Nam giao.
Dự kiến đến hết năm 2021, toàn thành phố Hà Nội sẽ có khoảng 7.677 đơn vị với 55.758 lao động đủ điều kiện giảm đóngvào quỹ hưu trí, tử tuất với số tiền ước giảm 83 tỷ đồng; chi hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho NLĐ ước khoảng 45.358 đơn vị với gần 1,2 triệu lao động.
Ngoài những thuận lợi, đại diện BHXH Thành phố Hà Nội - cho biết, hiện các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp du lịch, thương mại... dẫn đến tỷ lệ nợ BHXH tăng cao. Về thanh toán chi phí KCB BHYT liên quan đến dịch Covid-19, theo văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế, đối với bệnh nhân Covid-19 có thẻ BHYT, chi phí điều trị Covid-19 do NSNN chi trả, chi phí các bệnh khác kèm theo do quỹ BHYT chi trả. Tuy nhiên, việc phân định rõ chi phí nào điều trị Covid-19 và chi phí nào điều trị bệnh khác rất khó khăn như tiền giường, tiền xét nghiệm cận lâm sàng, xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu…
Trước những khó khăn, vướng mắc trên, Giám đốc BHXH TP.Hà Nội kiến nghị Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể việc xác định chi phí KCB điều trị Covid-19 với các trường hợp cụ thể; đề nghị UBND Thành phố tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sở Giáo dục và Đào tạo và UBND các quận, huyện, thị xã triển khai BHYT học sinh đạt 100%, tăng số người tham gia BHYT theo hộ gia đình và BHXH tự nguyện trên địa bàn. Sở LĐ-TB&XH, Sở Tài chính nghiên cứu hỗ trợ mức đóng BHXH tự nguyện cho người tham gia BHXH tự nguyện cao hơn quy định 10%; Sở Y tế triển khai, hướng dẫn việc thực hiện KCB cho người tham gia BHYT tại nhà hoặc tại nơi bị cách ly, phong tỏa cho người tham gia BHYT khi ốm đau hoặc tiếp tục điều trị bệnh mạn tính mà trước đây được quản lý tại cơ sở KCB…
Lãnh đạo UBND TP.Hà Nội cũng đã có đề nghị BHXH Việt Nam quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ BHXH Thành phố hoàn thành nhiệm vụ được giao, góp phần ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô; đồng thời tháo gỡ khó khăn, xem xét điều chỉnh cách tính tổng mức thanh toán chi phí KCB phù hợp với thực tế chi phí của năm 2019, 2020 tại các cơ sở KCB BHYT trên địa bàn Thành phố. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, BHXH Việt Nam cần tiếp tục có những hướng dẫn, tạo điều kiện cơ chế, chính sách để làm sao người dân và các doanh nghiệp được hưởng quyền lợi một cách tối đa nhất.
Đánh giá cao TP.Hà Nội đã nghiêm túc bám sát chỉ đạo của Chính phủ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh - cho rằng, Hà Nội đã chủ động, kịp thời hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố trong việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ NLĐ và người SDLĐ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Đây cũng là địa phương đi đầu cả nước thực hiện sớm việc thực hiện hỗ trợ giảm mức đóng quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp…
Theo Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, thời gian qua, ngành BHXH Việt Nam luôn đồng hành với các bộ, ngành, địa phương trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19; đồng thời xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành. Toàn ngành đã vào cuộc khẩn trương, quyết liệt trong công tác thực hiện hỗ trợ NLĐ, doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ như: Thành lập Ban Chỉ đạo, ban hành các văn bản liên quan; thành lập đoàn kiểm tra, đôn đốc thực hiện tại 19 tỉnh, thành phía Nam…
Về những khó khăn trong thực hiện chính sách của Hà Nội, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết sẽ có chỉ đạo đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam sẽ nhanh chóng tháo gỡ. Tuy nhiên, công việc này không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành BHXH Việt Nam mà phải có sự chỉ đạo trực tiếp, cụ thể của các cấp ủy Đảng, sự vào cuộc quyết liệt của UBND các địa phương và sự phối hợp của các sở, ban, ngành, đoàn thể Thành phố. Theo đó, lãnh đạo TP.Hà Nội cần tiếp tục quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường phối hợp với BHXH TP.Hà Nội để thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT, qua đó đảm bảo tốt an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô. Những nội dung thuộc thẩm quyền thì thành phố cần giải quyết ngay; những vấn đề thuộc thẩm quyền của các cấp cao hơn thì tổng hợp, báo cáo, đề xuất, thuyết phục cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý. Đối với BHXH TP.Hà Nội, cần phải có những phản ứng nhanh, giải quyết những vấn đề mới phát sinh, nhằm đảm bảo tốt nhất quyền lợi người tham gia BHXH, BHYT.
Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chử Xuân Dũng - nhận định, BHXH, BHYT là 2 chính sách quan trọng trong chính sách an sinh xã hội. Thời gian qua, TP.Hà Nội đã luôn quan tâm, chỉ đạo sâu sát các chính sách này. Tuy nhiên, chúng ta không thể lường trước được những thách thức trong tương lai, đơn cử như đại dịch Covid-19. Vì vậy, cần xây được hệ thống an sinh xã hội vững chắc. Để thực hiện được điều này, cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy Đảng, UBND quận, huyện, thị xã và sự phối hợp tích cực, chủ động, hiệu quả của các sở ngành, tổ chức đoàn thể trên địa bàn Thành phố. |
Hoa Quỳnh