|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bản tin năng lượng số 35/2023

Nhằm hỗ trợ Việt Nam thiết lập các điều kiện tiên quyết về thể chế, pháp lý và nâng cao năng lực kỹ thuật trong việc giảm phát thải carbon dựa trên hydro xanh, Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển CHLB Đức (BMZ) thông qua Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức GIZ triển khai dự án H2Growth – Xây dựng và phát triển nền kinh tế hydro xanh tại Việt Nam.

Xây dựng và phát triển nền kinh tế hydro xanh tại Việt Nam

Dự án H2Grow được phối hợp thực hiện cùng Vụ Dầu khí và Than trực thuộc Bộ Công Thương với ngân sách dự kiến là 5 triệu euro.

Theo thông tin từ GIZ, dự án H2Growth được ra đời với mục tiêu hỗ trợ Bộ Công Thương xây dựng Chiến lược hydro xanh với ba lĩnh vực hoạt động chính gồm: xây dựng chiến lược, chính sách và khung pháp lý; nâng cao năng lực cho các cơ sở đào tạo và nghiên cứu và thúc đẩy phát triển thị trường.

Theo đó, dự án H2Growth sẽ hỗ trợ thiết kế và thực hiện Chiến lược Hydro quốc gia, cũng như xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định về hydro xanh tại Việt Nam. Cùng với đó là hoạt động đào tạo cho các cấp ra quyết định và các bên liên quan những kiến thức căn bản về cơ hội cũng như rủi ro của nền kinh tế hydro xanh. Dự án cũng sẽ phát triển các mô-đun đào tạo nghề và đào tạo nâng cao trong lĩnh vực này.

Nghiên cứu và thúc đẩy phát triển nền kinh tế hydro xanh

Để hỗ trợ thị trường hydro xanh tại Việt Nam, dự án cũng phát triển các mô hình kinh tế kỹ thuật để phân tích tính khả thi của việc sản xuất, ứng dụng hydroxanh và công nghệ PtX. Bên cạnh đó, các hoạt động truyền thông cũng sẽ được lồng ghép để nâng cao nhận thức về hydro xanh trong cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Dự án H2Growth đang trong quá trình xây dựng kế hoạch hoạt động và dự kiến sẽ khởi động vào tháng 2/2024, kéo dài trong 4 năm đến tháng 1/2028.

Dự án H2Growth được kỳ vọng sẽ cùng với các dự án khác trong Chương trình Hỗ trợ Năng lượng ESP tiếp tục đồng hành và hỗ trợ toàn diện cho chính phủ Việt Nam trong tiến trình chuyển dịch năng lượng xanh, bền vững, hướng tới mục tiêu quốc gia phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

8 tháng, sản lượng toàn hệ thống đạt 186,3 tỷ kWh

Trong 8 tháng đầu năm 2023, sản lượng toàn hệ thống tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước

Theo báo cáo mới của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), 8 tháng đầu năm 2023, sản lượng toàn hệ thống đạt 186,3 tỷ kWh, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 8 tháng, sản lượng toàn hệ thống đạt 186,3 tỷ kWh, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó tỷ lệ huy động một số loại hình nguồn điện như sau:

Thủy điện: 48,45 tỷ kWh, chiếm 26%. Do lưu lượng nước về các hồ tăng cao nên thủy điện được khai thác tăng, đặc biệt là các hồ thủy điện đa mục tiêu.

Nhiệt điện than: 88,08 tỷ kWh, chiếm 47,3%. Sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương, TKV và Tổng công ty Đông Bắc đã thực hiện giao khối lượng than tăng thêm so với hợp đồng, đảm bảo cho các nhà máy nhiệt điện than được sản xuất với sản lượng điện cao hơn và dự trữ tồn kho cũng tăng thêm. Đến nay, các nhà máy nhiệt than đã đủ than để vận hành.

Tuabin khí: 19,26 tỷ kWh, chiếm 10,3%. Lượng khí cấp cho phát điện vẫn còn thấp hơn kế hoạch do ngừng cấp khí PM3-CAA từ ngày 17/8 - 27/8 để bảo dưỡng sửa chữa định kỳ.

Nhiệt điện dầu: 1,23 tỷ kWh, chiếm 0,7%. Các nhà máy điện cơ bản đáp ứng yêu cầu huy động.

Năng lượng tái tạo: 26,35 tỷ kWh, chiếm 14,1% (trong đó điện mặt trời đạt 18,33 tỷ kWh, điện gió đạt 7,38 tỷ kWh).

Điện nhập khẩu: 2,62 tỷ kWh, chiếm 1,4%.

Trong 8 tháng đầu năm 2023, điện sản xuất của EVN và các Tổng công ty Phát điện (kể cả các công ty cổ phần) đạt 77,98 tỷ kWh, chiếm 41,86% sản lượng điện sản xuất của toàn hệ thống.

Tôn vinh doanh nghiệp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả 2023

Mới đây, Sở Công Thương TPHCM và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Lễ trao giải thưởng sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả 2023.

Tôn vinh, trao giải cho 13 doanh nghiệp TPHCM sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả 2023

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM Nguyễn Thị Kim Ngọc cho biết, Giải thưởng sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn TPHCM được Sở Công Thương TPHCM tổ chức với hỗ trợ từ USAID thông qua Dự án hỗ trợ kỹ thuật năng lượng phân tán đô thị Việt Nam tại TPHCM. Chương trình góp phần triển khai Kế hoạch số 4485/KH-UBND ngày 30/12/2021 của UBND TPHCM về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, nhằm thúc đẩy, khen thưởng và phát huy vai trò của các cá nhân, tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp thực hiện tốt các giải pháp tiết kiệm năng lượng hiệu quả, ứng dụng năng lượng sạch, hướng tới phát triển bền vững và giảm phát thải khí nhà kính.

Giải thưởng sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả 2023 được phát động ngày 31/05/2023, thu hút sự quan tâm hưởng ứng của doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM và các cơ quan truyền thông. Đối tượng tham gia giải thưởng là cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm đang hoạt động từ 3 năm trở lên và tuân thủ các quy định pháp luật của Việt Nam trên địa bàn TPHCM.

Theo đó, ban tổ chức đã tiếp cận hơn 300 doanh nghiệp trong suốt 2 tháng phát động. Qua đó, 18 hồ sơ của các doanh nghiệp với những giải pháp năng lượng tiêu biểu và hiệu quả được gửi về ban tổ chức.

Tại buổi lễ, ban tổ chức đã tôn vinh 13 doanh nghiệp đạt giải thưởng trong việc áp dụng thực hiện thành công các biện pháp tiết kiệm năng lượng hiệu quả, giúp tiết kiệm năng lượng đáng kể. Các doanh nghiệp đoạt giải nhận được giấy chứng nhận từ Sở Công Thương TPHCM và USAID, ghi nhận những đóng góp của doanh nghiệp cho sự phát triển bền vững của TPHCM, cùng với huy chương và giải thưởng kỷ niệm. Bên cạnh những giải thưởng được công bố tại chương trình, doanh nghiệp tham gia được tạo cơ hội quảng bá hình ảnh, thương hiệu tại các diễn đàn về sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng.

Ngân Hà


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết