|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bản tin năng lượng số 34/2022

Mới đây, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức hội thảo quốc tế “Chính sách cho phát triển các dự án điện gió, điện mặt trời và điện khí tại Việt Nam” tại TPHCM.

Đề xuất chính sách phát triển các dự án điện gió, điện mặt trời và điện khí

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Phạm Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết: Hiện tại, tỉ trọng các nguồn điện sạch (bao gồm thủy điện và các nguồn năng lượng tái tạo khác) trong cơ cấu nguồn điện đã đạt 65,6% tổng công suất đặt của hệ thống. Theo dự thảo gần đây nhất của Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch điện VIII), dự kiến đến năm 2030, tổng công suất điện gió đạt 16.100 MW, điện mặt trời (gồm cả điện mặt trời mái nhà) là 16.500 MW và có thể thêm khoảng 2.400 MW thuộc các dự án đang triển khai đầu tư ở các mức độ khác nhau.

Về điện khí LNG, đến nay có 14 dự án nhà máy điện khí LNG đã được bổ sung Quy hoạch điện VII điều chỉnh và dự kiến trong Quy hoạch điện VIII (tổng công suất 23.900 MW). Ngoài ra có hơn 25 dự án điện khí LNG đang được các địa phương và nhà đầu tư đề nghị xem xét đưa vào Quy hoạch điện VIII với tổng công suất hơn 115.000 MW.
Như vậy, có thể khẳng định việc phát triển nguồn điện gió, mặt trời và điện khí tại Việt Nam đang là xu hướng tất yếu trong cả giai đoạn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

Cần sớm ban hành các quy định phù hợp để các dự án năng lượng nói chung, năng lượng tái tạo nói riêng phát triển bền vững trong thời gian tới

Tuy nhiên, việc xác định các cơ chế (kể cả cơ chế tài chính) và tổ chức thực hiện quy hoạch để khả thi khối lượng nguồn và lưới điện, đảm bảo an ninh năng lượng đang là những nội dung cần được quan tâm nhiều trong thời gian tới. Cùng với đó là các khó khăn khác liên quan đến cơ chế chính sách, về thủ tục quy hoạch, đầu tư, về lưới điện giải tỏa công suất, về cơ chế huy động vốn, về giải phóng mặt bằng...

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận những vấn đề về đầu tư năng lượng tái tạo và điện khí như khả năng hoàn thành, mức độ rủi ro tài chính của các dự án, đề xuất về chính sách và khả năng đầu tư phát triển năng lượng tái tạo theo hướng phát triển bền vững; giải pháp về công nghệ điện mặt trời, điện gió (nhất là công nghệ về inverter, turbine...) để giảm tác động xấu đến vận hành hệ thống điện khi đấu nối tích hợp tỉ lệ cao; nghiên cứu cơ hội và khả năng huy động vốn. Chính sách cho vay vốn với các dự án năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và điều kiện cho các chủ đầu tư vay vốn để phát triển dự án điện gió, điện mặt trời, điện khí; cơ chế mua bán điện trực tiếp DPPA. Cơ chế đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư điện gió, điện mặt trời, điện khí và chính sách lưu ý về quy hoạch, kế hoạch triển khai danh mục các dự án…

Xây dựng quy chuẩn kỹ thuật công trình khai thác năng lượng tái tạo trên biển

Văn phòng Chính phủ đã ban hành công văn số 5657/VPCP-NN truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo.

Công văn cho biết, trước đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường có báo cáo số 75/BC-BTNMT gửi Thủ tướng Chính phủ về quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo năm 2021.

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo hiện còn một số khó khăn, vướng mắc. Như còn thiếu các quy định kỹ thuật chuyên ngành làm cơ sở xác định diện tích công trình trên biển khi giao khu vực biển đối với các dự án khai thác năng lượng gió trên biển.

Ảnh minh họa

Xem xét báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển nghiên cứu báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong quá trình triển khai công tác quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo theo phạm vi chức năng và thẩm quyền của mình.

Trong đó, Bộ Công Thương sớm xây dựng quy chuẩn kỹ thuật công trình trên biển, bao gồm các công trình khai thác năng lượng tái tạo trên biển.

Ký kết hợp đồng mua bán điện Nhà máy điện rác Seraphin

Lễ ký hợp đồng mua bán điện Nhà máy điện rác Seraphin giữa Công ty Mua bán điện (EVN EPTC) thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Công ty CP Công nghệ Môi trường xanh Seraphin (thành viên của Tập đoàn AMACCAO) mới đây đã diễn ra tại Hà Nội.

Với hợp đồng này, điện năng được sản xuất từ Nhà máy điện rác Seraphin sẽ hòa lưới điện EVN tại cột số 06, đường dây 171E1. Nhà máy có công suất phát điện dự kiến là 37MW, điện năng sản xuất hàng năm theo kế hoạch là 2,4 triệu kWh.

Được xây dựng tại khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây, Hà Nội, Nhà máy điện rác Seraphin có tổng vốn đầu tư lên tới hơn 4.000 tỷ đồng. Đây là dự án điện rác thứ hai được cấp phép xây dựng tại Hà Nội, dự kiến sẽ vận hành vào cuối năm 2023.

Dự án sẽ góp phần đảm bảo an ninh môi trường, giảm thiểu đáng kể tình trạng chôn lấp rác thải sinh hoạt đã và đang làm ô nhiễm môi trường, đồng thời tạo nên nguồn năng lượng xanh, sạch, đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng cao cho thành phố Hà Nội.

Phối cảnh dự án Nhà máy điện rác Seraphin

Theo đại diện AMACCAO, nhà máy điện rác Seraphin sử dụng công nghệ châu Âu để đốt rác, tận thu nhiệt, đạt tiêu chuẩn EU 2010/75/EC. Nhà máy này không thải nước, phát tán bụi, tiếng ồn, mùi, trong khi khí đốt xả ra môi trường sẽ có chất lượng như khí trời tự nhiên.

Với nhiệt đốt sử dụng lên tới hơn 1.050 độ C, công nghệ của Seraphin có thể xử lý hàng nghìn tấn rác thải sinh hoạt và rác thải công nghiệp (loại rác không nguy hại) mỗi ngày. Phần tro bay được tận thu để thành phụ phẩm sản xuất bê tông, trong khi phần rác thải rắn có thể được tái sử dụng sản xuất gạch, đảm bảo không xả thải ra môi trường sau quá trình xử lý rác.

Ngân Hà


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết