Bản tin năng lượng số 30/2023
1 trong 6 giải pháp thực hiện Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 – 2023, tầm nhìn đến năm 2050 là giải pháp về môi trường, khoa học và công nghệ.
Hướng tới thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực năng lượng
Theo đó, về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu: nghiên cứu, xây dựng chính sách thuế carbon thích hợp đối với việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Có cơ chế, chính sách triển khai việc thu hồi, sử dụng khí CO2. Thực hiện đánh giá hiệu quả việc sử dụng, tái chế tro, xỉ phát sinh trên cơ sở cân đối nhu cầu và khả năng tiêu thụ làm vật liệu xây dựng.
Xây dựng và triển khai Đề án tích hợp mô hình kinh tế tuần hoàn vào chiến lược phát triển các doanh nghiệp năng lượng. Phát triển hệ thống quản lý và xử lý chất thải trong sản xuất năng lượng với công nghệ tiên tiến, phù hợp với điều kiện nước ta; bảo đảm năng lực tự xử lý các nguồn thải trong các doanh nghiệp năng lượng. Có cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp môi trường gắn với ngành năng lượng…
Tạo cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp năng lượng tăng cường đầu tư cho nghiên cứu và phát triển
Về khoa học và công nghệ: hình thành cơ chế liên kết giữa lực lượng nghiên cứu và phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo với các doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo trong lĩnh vực năng lượng thông qua các chương trình khoa học và công nghệ; lồng ghép hoạt động nghiên cứu và phát triển trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển năng lượng.
Tạo cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp năng lượng tăng cường đầu tư cho nghiên cứu và phát triển; thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực năng lượng.
Tiếp tục triển khai chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm quốc gia về nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng giai đoạn 2021 - 2030, trọng tâm là nghiên cứu chế tạo thiết bị năng lượng và ứng dụng các dạng năng lượng mới, năng lượng tái tạo, năng lượng thông minh, tiết kiệm năng lượng.
Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu để từng bước đưa vào áp dụng các công nghệ mới nhằm nâng cao hiệu quả, tiết kiệm chi phí bảo vệ môi trường.
Đẩy mạnh nghiên cứu các dạng năng lượng mới, như năng lượng hạt nhân, sóng biển, địa nhiệt, hydro xanh, amoniac xanh...; xây dựng các chiến lược về các dạng năng lượng mới khác.
Vương quốc Anh chia sẻ kinh nghiệm về chuyển đổi năng lượng
Mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tiếp và làm việc với ông Graham Stuart, Quốc vụ khanh Phụ trách An ninh năng lượng và Trung hòa Carbon (Net Zero) của Vương quốc Anh.
Phó Thủ tướng đánh giá cao tinh thần hành động của Chính phủ Vương quốc Anh cũng như cá nhân Quốc vụ khanh Graham Stuart đối với việc triển khai Thỏa thuận Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và ông Graham Stuart trao đổi về việc chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch, tái tạo. (Ảnh: VGP)
Phó Thủ tướng đề nghị Vương quốc Anh chia sẻ cách thức triển khai chính sách điện mặt trời áp mái; giới thiệu những doanh nghiệp đã đầu tư thành công các dự án điện gió, điện mặt trời, lưới điện thông minh, sản xuất hydro xanh, amoniac xanh, hệ thống lưu trữ điện công suất lớn… với hiệu quả cao nhất, chi phí thấp nhất. Cùng với đó là kinh nghiệm xây dựng các chính sách, tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư bảo đảm lợi ích tổng thể tốt nhất, cơ chế mua, bán điện trực tiếp từ nguồn năng lượng tái tạo…
Đây là những kinh nghiệm rất quý giá đối với Việt Nam để đẩy nhanh quá trình nhận thức, thống nhất hành động, hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, nhà nước, người dân và toàn cầu khi thực hiện chuyển đổi năng lượng.
Tại buổi làm việc, ông Graham Stuart thông tin với Phó Thủ tướng về quá trình, kết quả chuyển đổi các nguồn điện sử dụng than, nhiên liệu hóa thạch ở Anh từ năm 2012 sang các nguồn năng lượng tái tạo.
Ông Graham Stuart cũng chia sẻ những bài học từ Chính phủ Vương quốc Anh như: cần xây dựng khung pháp lý, cam kết chính sách dài hạn, ổn định đối với nhà đầu tư nhằm giảm rủi ro, chi phí vốn; hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các tổ, nhóm công tác về điện mặt trời, điện gió, tạo việc làm trong lĩnh vực năng lượng xanh… với sự tham gia, phối hợp của nhiều bộ, ngành; chính phủ tham gia quá trình khơi thông nguồn vốn đầu tư từ các tổ chức tài chính lớn...
Kết thúc buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Quốc vụ khanh Graham Stuart thống nhất thúc đẩy một số dự án năng lượng tái tạo cụ thể với sự tham gia của các doanh nghiệp hàng đầu hai nước, làm cơ sở để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm hai bên một cách thực chất, hiệu quả.
Gia Lai kiến nghị gỡ khó để đưa dự án năng lượng tái tạo vào vận hành
Theo Báo cáo số 156/BC-UBND về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh Gia Lai, UBND tỉnh Gia Lai kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam quan tâm, tạo điều kiện và hướng dẫn các nhà đầu tư các dự án điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp trong quá trình đàm phán giá điện theo khung giá phát điện ban hành kèm theo Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 7/1/2023 của Bộ Công Thương để có thể sớm đưa vào vận hành, giảm bớt khó khăn cho nhà đầu tư và tăng thu ngân sách địa phương.
Tỉnh Gia Lai kiến nghị tháo gỡ khó khăn để có thể sớm đưa các dự án điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp vào vận hành, giảm bớt khó khăn cho nhà đầu tư và tăng thu ngân sách địa phương
Đồng thời, UBND tỉnh Gia Lai kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan có văn bản hướng dẫn, ban hành hoặc đề xuất ban hành các quy định cụ thể về bảo vệ an toàn công trình điện gió và bồi thường, hỗ trợ đối với diện tích đất và tài sản gắn liền với đất nằm trong hành lang an toàn của cột tháp gió (như: xác định diện tích ảnh hưởng, mức độ ảnh hưởng, tính toán mức bồi thường, hỗ trợ về đất, nhà cửa, vật kiến trúc, cây trồng, chuồng trại, gia súc...) để làm cơ sở triển khai thực hiện, góp phần sớm ổn định tình hình an ninh trật tự tại các địa phương có dự án điện gió trên địa bàn tỉnh Gia Lai nói riêng và cả nước nói chung.
Ngân Hà