Bản tin năng lượng số 28/2022
Để thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26, các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực năng lượng sẽ đóng vai trò quan trọng, là đầu tàu để các doanh nghiệp khác cùng áp dụng các giải pháp chuyển dịch năng lượng theo hướng sạch hơn và bền vững hơn.
Doanh nghiệp năng lượng xây dựng lộ trình hướng tới phát thải ròng bằng 0
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) vừa phối hợp với Quỹ Đối tác chuyển dịch năng lượng tổ chức Hội nghị triển khai hoạt động hợp tác nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực năng lượng xây dựng lộ trình hướng tới phát thải ròng bằng 0.
Tháng 11/2021, tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cam kết Việt Nam sẽ giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Để thực hiện cam kết này, các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực năng lượng sẽ đóng vai trò quan trọng, là đầu tàu để các doanh nghiệp khác cùng áp dụng các giải pháp chuyển dịch năng lượng theo hướng sạch hơn và bền vững hơn. Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cùng với Quỹ Đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á thống nhất hợp tác trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp năng lượng nhà nước nghiên cứu, xây dựng lộ trình hướng tới phát thải ròng bằng 0 phù hợp với lĩnh vực hoạt động, chức năng nhiệm vụ được giao.
Hội nghị triển khai hoạt động hợp tác nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực năng lượng xây dựng lộ trình hướng tới phát thải ròng bằng 0 được xem như bước đầu khởi động quan trọng để Ủy ban và các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực năng lượng cùng phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương cũng như các đối tác trong và ngoài nước tham gia vào việc thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26.
Hỗ trợ các doanh nghiệp năng lượng nhà nước trong quá trình nghiên cứu chuyển dịch theo hướng bền vững. (Ảnh minh họa)
Quỹ Đối tác chuyển dịch năng lượng là một quỹ đa bên của Chính phủ Pháp, Đức, Vương quốc Anh và Canada cùng các tổ chức từ thiện bao gồm CIFF, IKF, Sequoia Climate Fund và nhiều tổ chức khác nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng.
Tại hội nghị, các đơn vị tư vấn đã trình bày đề cương hoạt động nghiên cứu, giới thiệu tổng quan kế hoạch triển khai, kinh nghiệm quốc tế và phương pháp luận mô hình hóa các kịch bản giảm phát thải/chuyển đổi các nhà máy điện than, cũng như phương pháp luận đánh giá ảnh hưởng tài chính và pháp lý.
Doanh nghiệp Hàn Quốc muốn hợp tác phát triển chuỗi cung ứng hydrogen tại Cần Thơ
Mới đây, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường và Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Văn Hồng có buổi tiếp, làm việc với Tập đoàn SK Hàn Quốc để trao đổi, định hướng hợp tác trong phát triển chuỗi cung ứng hydrogen tại Cần Thơ.
Theo đại diện Tập đoàn SK Hàn Quốc, Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều điểm tương đồng trong định hướng phát triển nền kinh tế tuần hoàn. Ðặc biệt là chú trọng ứng dụng năng lượng tái tạo, trong đó có ứng dụng hydrogen vào các ngành sản xuất công nghiệp và đây được xem là một trong những giải pháp phù hợp để hướng tới phát triển kinh tế xanh, bền vững trong tình hình mới…
Ðại diện Tập đoàn SK cũng chia sẻ những tiềm lực của tập đoàn trong đầu tư phát triển các nguồn năng lượng mới, thân thiện môi trường và mong muốn hợp tác với Cần Thơ ở lĩnh vực có thế mạnh của tập đoàn, cũng như định hướng hợp tác phát triển chuỗi cung ứng hydrogen tại thành phố.
Quang cảnh buổi làm việc giữa lãnh đạo UBND TP Cần Thơ với đại diện Tập đoàn SK
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường đánh giá cao tiềm lực của Tập đoàn SK trong lĩnh vực đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, nhất là cung cấp hydrogen xanh.
Ðồng thời, ông Trần Việt Trường cho biết: TP Cần Thơ đang thực hiện các dự án quy hoạch, định hướng phát triển ngành công nghiệp theo hướng xanh, sạch. Trong đó, nhấn mạnh đến dự án trọng điểm là Trung tâm liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long… Theo đó, ngoài định hướng hợp tác phát triển chuỗi cung ứng hydrogen, lãnh đạo UBND TP Cần Thơ mong muốn Tập đoàn SK quan tâm, hợp tác đầu tư vào một số lĩnh vực khác mà thành phồ có lợi thế và tiềm năng phát triển.
Đại diện TP Cần Thơ và Tập đoàn SK thống nhất tiếp tục thông qua các cuộc họp tiếp theo để trao đổi những nội dung liên quan đến phát triển Cần Thơ và đồng bằng sông Cửu Long bền vững. Những nội dung nào vượt thẩm quyền, hai bên tiếp tục trao đổi, tham mưu Chính phủ để có chỉ đạo, định hướng.
Chuyển đổi năng lượng xanh trong ngành giao thông vận tải
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải.
Mục tiêu tổng quát của chiến lược là phát triển hệ thống giao thông vận tải xanh hướng tới mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính về 0 vào năm 2050.
Mục tiêu cụ thể giai đoạn đến năm 2030, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, đẩy mạnh chuyển đổi sử dụng điện, năng lượng xanh đối với các lĩnh vực thuộc ngành giao thông vận tải đã sẵn sàng về mặt công nghệ, thể chế, nguồn lực nhằm thực hiện mức cam kết trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) và mục tiêu giảm phát thải khí mê-tan của Việt Nam.
Giai đoạn đến năm 2050, phát triển hợp lý các phương thức vận tải, thực hiện mạnh mẽ việc chuyển đổi toàn bộ phương tiện, trang thiết bị, hạ tầng giao thông vận tải sang sử dụng điện, năng lượng xanh, hướng đến phát thải ròng khí nhà kính về 0 vào năm 2050.
Về lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh giai đoạn 2022 - 2030, trong đó, với đường bộ, thúc đẩy sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và chuyển đổi sử dụng các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sử dụng điện; mở rộng phối trộn, sử dụng 100% xăng E5 đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; phát triển hạ tầng sạc điện đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp; khuyến khích các bến xe, trạm dừng nghỉ xây dựng mới và hiện hữu chuyển đổi theo tiêu chí xanh.
Phát triển hệ thống giao thông vận tải xanh hướng tới mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính về 0 vào năm 2050
Với đường sắt, nghiên cứu thí điểm sử dụng phương tiện đường sắt sử dụng điện, năng lượng xanh trên các tuyến đường sắt hiện tại. Đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt mới theo định hướng điện khí hóa; xây dựng kế hoạch và đầu tư theo lộ trình thay thế phương tiện đường sắt cũ hết niên hạn bằng loại phương tiện có thể chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh; khuyến khích chuyển đổi trang thiết bị bốc, xếp tại các nhà ga sang thiết bị sử dụng điện, năng lượng xanh.
Với đường thủy nội địa, khuyến khích đầu tư đóng mới, nhập khẩu, chuyển đổi phương tiện thủy nội địa sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng dụng điện, năng lượng xanh; nghiên cứu, xây dựng tiêu chí cảng xanh, tuyến vận tải xanh làm cơ sở xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư mới cảng thủy nội địa xanh. Áp dụng thí điểm tại một số cảng thủy nội địa; nghiên cứu, đưa một số tuyến vận tải thủy trở thành tuyến vận tải xanh.
Ngân Hà