Bản tin năng lượng số 25/2022
Nhóm Công tác kỹ thuật về tích hợp lưới điện và hạ tầng lưới điện, thuộc Nhóm Đối tác năng lượng Việt Nam đã vừa thảo luận về cách thức vận hành hệ thống điện có tỷ trọng năng lượng tái tạo cao, cập nhật những xu hướng phát triển và kinh nghiệm trên thế giới, cũng như đưa ra các đề xuất đối với hệ thống điện Việt Nam.
Vận hành hiệu quả hệ thống điện có tỷ trọng năng lượng tái tạo cao
Nhóm Công tác kỹ thuật về tích hợp lưới điện và hạ tầng lưới điện, thuộc Nhóm Đối tác năng lượng Việt Nam (viết tắt là VEPG) có phiên họp đầu tiên trong giai đoạn II trong hai ngày 27, 28 tháng 6 tại Thừa Thiên Huế.
Phiên họp được chủ trì bới ông Trần Tuệ Quang, Phó Cục trưởng, Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương và ông Gareth Ward, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam.
Nội dung thảo luận chính tại phiên họp liên quan đến cách thức vận hành hệ thống điện có tỷ trọng năng lượng tái tạo (NLTT) cao, cập nhật những xu hướng phát triển và kinh nghiệm trên thế giới, cũng như đưa ra các đề xuất đối với hệ thống điện Việt Nam. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng có cơ hội tham quan Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế, trạm biến áp Phú Bài và Nhà máy điện mặt trời Phong Điền 2, lắng nghe đại diện các công ty chia sẻ về kinh nghiệm vận hành hệ thống cũng như kế hoạch trong thời gian tới.
Toàn cảnh phiên họp
Một trong những chủ đề trọng tâm của phiên họp là thống nhất kế hoạch hoạt động của Nhóm Công tác kỹ thuật (CTKT) về tích hợp lưới điện và hạ tầng lưới điện trong năm 2022. Nhóm CTKT tích hợp lưới điện và hạ tầng lưới điện là nhóm công tác mới thành lập của VEPG sau Hội nghị cấp cao lần thứ 4 năm 2021, cùng với 4 nhóm CTKT chuyên trách khác hướng tới mục tiêu chung là đảm bảo sự hợp tác chặt chẽ, hỗ trợ hiệu quả và góp phần định hình quá trình chuyển dịch năng lượng của Việt Nam.
Nhiệm vụ này càng trở nên cấp thiết trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực thực hiện cam kết về việc đạt mục tiêu phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050 theo tuyên bố của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị COP26.
Tại phiên họp, Ban thư ký VEPG đã cập nhật các sửa đổi trong điều khoản tham chiếu của VEPG sau năm 2021, lắng nghe chia sẻ của các bên liên quan để xác định các chủ đề ưu tiên cho nhóm công tác trong giai đoạn mới.
Kết thúc thảo luận, các đại biểu đã thống nhất những chủ đề làm việc trọng tâm của nhóm tích hợp lưới điện và hạ tầng lưới điện trong năm 2022 bao gồm: tích hợp các nguồn điện biến đổi lên lưới; lưới điện thông minh, cơ chế đấu nối; hệ thống lưu trữ năng lượng, pin lưu trữ; mô hình phát điện phân tán.
Đóng góp tham luận về vận hành hệ thống điện Việt Nam, đại diện Cục Điều tiết điện lực đã chia sẻ các thông tin tổng quan về hệ thống điện Việt Nam. Theo đó, tổng công suất đặt của hệ thống điện Việt Nam là 78,682 MW. Trong đó chiếm tỷ trọng cao nhất là nhiệt điện than (32,28%) và thủy điện (22,23%), theo sau là điện mặt trời và điện mặt trời mái nhà (lần lượt 11,28% và 9,86%).
Để xây dựng và chuyển đổi hệ thống lưới điện có tỷ trọng NLTT cao, cần cân nhắc các vấn đề liên quan đến quá tải lưới điện và tổn thất công suất trong quá trình truyền tải, nguyên tắc huy động khi thừa nguồn, dự báo các nguồn NLTT, cũng như cơ chế phát triển hệ thống pin lưu trữ năng lượng (BESS) đi kèm với NLTT.
Triển khai thực hiện dự án Nhà máy điện sinh khối Hậu Giang
Mới đây, Lễ ký kết hợp đồng dự án Nhà máy điện sinh khối Hậu Giang giữa Công ty CP Tư vấn Xây dựng Điện 2 (PECC2) và Công ty CP Năng lượng sinh khối Hậu Giang (HBE) diễn ra tại TPHCM.
Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu bước khởi đầu cho quá trình xây dựng một dự án nhà máy điện sinh khối sử dụng nhiên liệu trấu lớn nhất được dự kiến đi vào vận hành đầu tiên tại Việt Nam. Sau khi dự án đi vào vận hành thương mại sẽ góp phần đa dạng hóa nguồn nhiên liệu cung cấp điện, tăng cường an ninh năng lượng tại địa phương nói riêng và trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Dự án Nhà máy điện sinh khối Hậu Giang có quy mô công suất 20MW do HBE đầu tư, được xây dựng tại phường Thuận An, thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang với quy mô sử dụng đất khoảng trên 10ha bao gồm 2 tổ máy độc lập (2 lò hơi, 2 tuabin, 2 máy phát) và một số hạng mục phụ trợ dùng chung.
Phối cảnh dự án
Dự án khi đi vào vận hành có thể góp phần giảm phát thải khí nhà kính, tận dụng các phế phẩm nông nghiệp làm nhiên liệu đầu vào sản xuất điện năng phù hợp mô hình kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững.
Về mặt kinh tế và xã hội, dự án góp phần thúc đẩy phát triển mạng lưới thu gom, vận chuyển, sơ chế nhiên liệu sinh khối; thu hút thêm vốn đầu tư phát triển năng lượng tái tạo trong và ngoài nước, đồng thời giúp tăng thêm thu nhập cho người nông dân trong khu vực.
HBE cùng với tổng thầu EPC PECC2 sẽ tích cực tập trung nguồn lực để triển khai thực hiện dự án theo đúng tiến độ đã cam kết với địa phương, phát điện thương mại vào cuối năm 2024, đồng thời nghiên cứu ứng dụng các công nghệ mới, hiệu suất cao, tối ưu về chi phí và đảm bảo quá trình vận hành, khai thác của dự án đáp ứng những quy định tiêu chuẩn về an toàn và bảo vệ môi trường.
Khánh thành Nhà máy điện gió số 5 Thạnh Hải (Bến Tre)
Ngày 1/7, UBND tỉnh Bến Tre phối hợp với nhà đầu tư tổ chức khánh thành Nhà máy điện gió số 5 Thạnh Hải, giai đoạn 1 công suất 30MW tại ấp Thạnh Thới B, xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, dự án Nhà máy điện gió số 5 Thạnh Hải - Bến Tre do Công ty CP Tân Hoàn Cầu Bến Tre làm chủ đầu tư. Dự án bao gồm 4 nhà máy Thạnh Hải 1, 2, 3, 4 với 28 tuabin có tổng công suất 120MW. Đến nay, dự án đã hoàn thiện phần xây dựng trụ móng, xây dựng lắp đặt hoàn thành gần 120MW. Trong đó, Nhà máy điện gió số 5 Thạnh Hải giai đoạn 1 công suất 30MW đã được vận hành hòa vào lưới điện quốc gia.
Tuabin của Nhà máy điện gió số 5 Thạnh Hải
Dự án được hoàn thành sẽ phục vụ đắc lực cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và tạo việc làm cho người dân, góp phần phát triển kinh tế tại địa phương theo đúng quy hoạch và định hướng phát triển về hướng Đông của tỉnh Bến Tre. Công trình còn hướng đến mục tiêu khai thác tiềm năng phát triển du lịch trong tỉnh để thu hút du khách từ mọi miền đất nước đến với Bến Tre.
Ngân Hà