Bản tin năng lượng số 22/2024
Mới đây, lễ công bố báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam – Đường đến phát thải ròng bằng không (EOR-NZ) diễn ra tại Hà Nội với sự chủ trì của Bộ Công Thương, Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam và Cục Năng lượng Đan Mạch.
Công bố báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam – Đường đến phát thải ròng bằng không
Báo cáo lần này là ấn phẩm thứ tư trong chuỗi các báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam được xây dựng trong khuôn khổ Chương trình Hợp tác đối tác năng lượng Việt Nam - Đan Mạch. Đây là chương trình hợp tác đối tác lâu dài giữa Việt Nam và Đan Mạch trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng xanh. Báo cáo đã trình bày các kịch bản phát triển của hệ thống năng lượng Việt Nam đến năm 2050, tập trung vào việc phân tích các lộ trình thực tế để Việt Nam đạt được cam kết phát thải ròng bằng không vào năm 2050.
Lễ công bố báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam – Đường đến phát thải ròng bằng không
Thông điệp của báo cáo rất rõ ràng: lựa chọn tốt nhất và hiệu quả nhất về chi phí nhằm hỗ trợ tăng trưởng bền vững của Việt Nam là mở rộng quy mô điện mặt trời và điện gió, cũng như điện hóa ngành giao thông vận tải và công nghiệp. Điều quan trọng là cần sớm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng xanh tại Việt Nam để tránh những chi phí lớn không cần thiết. Đặc biệt, báo cáo cũng đưa ra các khuyến nghị cụ thể về cách Việt Nam có thể đạt được mục tiêu trung hòa khí hậu vào năm 2050 và đảm bảo đạt đỉnh phát thải CO2 vào năm 2030.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long cho biết: “Các dự án, chương trình hợp tác với Đan Mạch trong thời gian qua đã hỗ trợ tích cực các mục tiêu của Việt Nam về đảm bảo nguồn cung năng lượng cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và ngành năng lượng theo hướng xanh, bền vững. Chúng tôi luôn đánh giá cao sự hỗ trợ của Chính phủ Đan Mạch và hy vọng rằng, trong thời gian tới, hai bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ để triển khai hiệu quả hơn nữa các chương trình hợp tác năng lượng”.
Chuyển dịch năng lượng hướng tới nền kinh tế xanh
Hội thảo công bố Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2024 đã diễn ra mới đây tại Hà Nội. Hội thảo do Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) trực thuộc trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF) Việt Nam tổ chức.
Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam là sản phẩm của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), trực thuộc trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, đã liên tục xuất bản và công bố trong 16 năm qua. Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2024 có chủ đề: Chuyển dịch năng lượng hướng tới nền kinh tế xanh.
Chuyển dịch năng lượng hướng tới nền kinh tế xanh
Hội thảo được chia làm 2 phiên làm việc. Phiên thứ nhất, đại diện nhóm tác giả của Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2024 trình bày những kết quả chính của báo cáo.
Báo cáo thường niên năm nay tập trung vào các nội dung chính như: toàn cảnh kinh tế thế giới năm 2023 và gần nửa đầu năm 2024, tổng quan về một số nền kinh tế lớn, có mối quan hệ chặt chẽ với Việt Nam, triển vọng kinh tế thế giới năm 2024 và xu hướng chuyển dịch năng lượng tái tạo trên toàn cầu. Tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2023 và gần nửa đầu năm 2024: về tăng trưởng kinh tế, lạm phát, các thị trường tiền tệ, tín dụng, tài chính, lao động và năng lượng.
Đánh giá mối quan hệ giữa chuyển dịch năng lượng tái tạo và tăng trưởng kinh tế: tác động của chuyển dịch năng lượng tái tạo tới tăng trưởng kinh tế như GDP, tỷ lệ việc làm và sự phát triển các ngành công nghiệp liên quan.
Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế ở các quốc gia như Anh, Đức, Trung Quốc về chuyển dịch năng lượng tái tạo và đưa ra giải pháp thúc đẩy chuyển dịch năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
Tự do hóa thị trường bán điện trực tiếp để thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam: đưa lý thuyết và nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về xây dựng thị trường mua bán điện cạnh tranh trực tiếp áp dụng trong điện mặt trời mái nhà, nêu lên rào cản và khó khăn khi áp dụng cơ chế mua bán điện trực tiếp đối với điện mái nhà tại các khu công nghiệp, từ đó đề xuất chính sách để thực hiện, áp dụng cơ chế mua bán điện cạnh tranh và trực tiếp tại các khu công nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu xanh.
Phiên thứ 2: các chuyên gia, phản biện tham gia thảo luận nội dung của báo cáo cùng các chuyên gia kinh tế, học giả trong và ngoài nước nhà quản lý, hoạch định chính sách tham gia hội thảo cùng thảo luận.
Công suất điện gió ngoài khơi tăng trưởng mạnh mẽ trên toàn cầu
Theo Báo cáo điện gió ngoài khơi toàn cầu mới công bố của Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC), vào năm 2023, bất chấp những thách thức kinh tế vĩ mô mà ngành điện gió phải đối mặt ở một số thị trường trọng điểm, ngành này đã lắp đặt 10,8 GW công suất điện gió ngoài khơi mới, nâng tổng công suất toàn cầu lên 75,2 GW. Công suất mới tăng 24% so với năm trước, tốc độ tăng trưởng mà GWEC dự kiến sẽ tiếp tục cho đến năm 2030 nếu đà tăng chính sách hiện tại tiếp tục.
Trong 10 tới, GWEC dự báo rằng 410 GW công suất điện gió ngoài khơi mới sẽ được lắp đặt, đưa việc triển khai điện gió ngoài khơi phù hợp với mục tiêu toàn cầu là lắp đặt 380 GW vào năm 2030. Phần lớn trong số đó sẽ đến vào đầu thập kỷ này, với 2/3 được lắp đặt từ năm 2029 đến năm 2033. Việc mở rộng triển khai nhanh chóng này phải được xây dựng trên sự hợp tác ngày càng tăng giữa ngành công nghiệp và chính phủ cũng như việc tạo ra các khung pháp lý, chính sách hợp lý, hiệu quả.
Tăng trưởng điện gió ngoài khơi mạnh mẽ vào năm 2023 khi ngành đặt mục tiêu cho thập kỷ phá kỷ lục
Sự tăng trưởng dự đoán này sẽ được thúc đẩy bởi sự xuất hiện của làn sóng thị trường điện gió ngoài khơi tiếp theo như Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Việt Nam, Brazil, Colombia, Ireland và Ba Lan - nơi phát triển chính sách và sự tập trung chưa từng có giữa các chính phủ, ngành công nghiệp cùng các tổ chức xã hội đang đặt ra những điều kiện cho việc phát triển điện gió ngoài khơi lâu dài trên quy mô lớn.
Báo cáo phác thảo một “khuôn khổ tăng trưởng toàn cầu về điện gió ngoài khơi” dành cho ngành công nghiệp và các chính phủ đang có kế hoạch nhanh chóng mở rộng quy mô phát triển bao gồm tài chính, nhu cầu và bao tiêu công nghiệp, phát triển chuỗi cung ứng, cấp phép, đồng thuận xã hội, phát triển lực lượng lao động, cơ sở hạ tầng lưới điện. Quan điểm của GWEC là mức tăng trưởng dự báo sẽ gặp rủi ro nếu khuôn khổ này không được thực hiện.
Ngân Hà