|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bản tin năng lượng số 15/2023

Việc nghiên cứu, đầu tư xây dựng các dự án điện gió ngoài khơi góp phần đẩy nhanh và định hình quá trình chuyển dịch năng lượng, thúc đẩy Việt Nam hiện thực hóa các mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả và cạnh tranh...

Phát triển điện gió ngoài khơi góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch năng lượng

Trong khuôn khổ Đối thoại năng lượng Việt – Đức do Bộ Kinh tế và Bảo vệ Khí hậu CHLB Đức (BMWK) tài trợ, Chương trình Hỗ trợ năng lượng GIZ (ESP) vừa cùng với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức hội thảo Lưới điện gió ngoài khơi.

Hội thảo đã chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn về phát triển, đấu nối và vận hành các dự án điện gió ngoài khơi, đặc biệt trong bối cảnh EVN đang nghiên cứu và đề xuất với Chính phủ để phát triển dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên ở khu vực vịnh Bắc Bộ với tổng công suất khoảng 800MW.

Hội thảo Lưới điện gió ngoài khơi

Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về đấu nối điện gió ngoài khơi, đấu nối lưới hỗn hợp, Offshore Hub - đảo nhân tạo, việc quản lý vận hành và các vấn đề kỹ thuật của điện gió ngoài khơi… Nhóm chuyên gia đặc trách về điện gió ngoài khơi của Nhóm Đối tác năng lượng Việt Nam (VEPG) cũng được giới thiệu.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Phạm Hồng Phương, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết: “Việc nghiên cứu, đầu tư xây dựng các dự án điện gió ngoài khơi góp phần đẩy nhanh và định hình quá trình chuyển dịch năng lượng và thúc đẩy Việt Nam hiện thực hóa các mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả và cạnh tranh, đồng thời đạt mục tiêu dần loại bỏ điện than vào những năm tiếp theo. Với mục tiêu đến năm 2030 đưa vào vận hành 07 GW điện gió ngoài khơi, Việt Nam cần phải có quá trình chuẩn bị tích cực với các chính sách phù hợp để rút ngắn thời gian thực hiện”.

Ông Markus Bissel, đại diện GIZ triển khai Đối thoại năng lượng Việt – Đức nhấn mạnh, chương trình GIZ/ESP sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động hợp tác giữa hai quốc gia trong khuôn khổ Đối thoại năng lượng Việt - Đức, qua đó hỗ trợ Chính phủ Việt Nam ở cấp quốc gia và cấp tỉnh tăng cường các quy trình thực thi chính sách cho quá trình chuyển dịch năng lượng và trung hòa carbon tại Việt Nam.

Thực hiện đề án phát triển Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng tái tạo

Mới đây, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành Kế hoạch số 1035/KH-UBND triển khai thực hiện Đề án “Phát triển Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước”.

Mục đích của kế hoạch là triển khai thực hiện Đề án phát triển Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước (gọi tắt là Đề án) nhằm cụ thể hóa các giải pháp đã nêu tại Đề án, gồm 3 nhóm giải pháp chính: các giải pháp tăng cường hạ tầng lưới điện và phát triển phụ tải; giải pháp về cơ chế chính sách; giải pháp phát triển các nguồn lực để sớm xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước. Tạo sự thống nhất để triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp và kiến nghị, đề xuất mà Đề án đề ra.

Phát triển các nguồn lực để sớm xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước

Về mục tiêu tổng quát: cần tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành trong triển khai thực hiện Đề án phát triển Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước. Xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên trong quá trình tổ chức chỉ đạo, điều hành của từng ngành, địa phương, nhằm góp phần thực hiện tốt nhất nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bảo đảm phát triển năng lượng phù hợp với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, đầu tư đồng bộ hạ tầng truyền tải, cung cấp nguồn năng lượng ổn định có chất lượng cao với giá cả hợp lý để phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhanh và bền vững, bảo đảm an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường sinh thái. Khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trên địa bàn, ưu tiên phát triển ngành năng lượng tái tạo, năng lượng mới, thực hiện tiết kiệm và sử dụng điện an toàn và hiệu quả.

Hướng dẫn đánh giá tác động môi trường và xã hội cho dự án điện sinh khối

Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) vừa ra mắt ấn phẩm song ngữ Sổ tay hướng dẫn đánh giá tác động môi trường và xã hội cho dự án điện sinh khối tại Việt Nam.

Tài liệu được xây dựng nhằm giúp các nhà đầu tư có những hiểu biết chung về quy trình và các khía cạnh cần quan tâm để có thể chuẩn bị tốt, rút ngắn thời gian, chi phí thực hiện đánh giá tác động môi trường và xã hội cho một dự án điện sinh khối nối lưới tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, sổ tay cũng cung cấp các kiến thức cơ bản cho các bên liên quan khác như cán bộ ngân hàng, các cơ quan chức năng để hỗ trợ quá trình thẩm định nội dung của đánh giá tác động môi trường và xã hội.

Ra mắt Sổ tay hướng dẫn đánh giá tác động môi trường và xã hội cho dự án điện sinh khối tại Việt Nam. (Ảnh: GIZ)

Trong phần lời nói đầu, ông Philipp Munzinger, Giám đốc Chương trình Hỗ trợ năng lượng GIZ viết: "GIZ tin rằng cuốn sổ tay sẽ giúp chủ đầu tư, các đơn vị phát triển dự án, các tổ chức tài chính tín dụng có những thông tin hữu ích trong quá trình phát triển dự án, thẩm định định dự án, quản trị và đánh giá rủi ro, hỗ trợ phát triển các dự án điện sinh khối một cách hiệu quả".

Cuốn sổ tay do GIZ phối hợp cùng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) thực hiện, nằm trong khuôn khổ dự án “Bảo vệ khí hậu thông qua phát triển thị trường năng lượng sinh học bền vững ở Việt Nam” (BEM). Dự án do Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu CHLB Đức (BMWK) tài trợ thông qua Quỹ Sáng kiến Khí hậu Quốc tế (IKI).

Ngân Hà


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết