|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bản tin năng lượng số 13/2023

Mới đây, Diễn đàn Doanh nghiệp Australia - Việt Nam về chuyển dịch năng lượng 2023 diễn ra tại Hà Nội.

Doanh nghiệp Australia và Việt Nam trao đổi cơ hội hợp tác về năng lượng tái tạo

Diễn đàn được tổ chức nhân dịp phái đoàn Năng lượng Australia đến Việt Nam.

Diễn đàn Doanh nghiệp Australia – Việt Nam về chuyển dịch năng lượng 2023 do Cơ quan Thương mại và Đầu tư Chính phủ Australia (Austrade) phối hợp với Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương Việt Nam và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức.

Phái đoàn Năng lượng Australia tới Việt Nam lần này nhằm hỗ trợ doanh nghiệp hai bên tiếp cận, trao đổi cơ hội hợp tác trong lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo, nỗ lực giảm phát thải carbon và phát triển chuỗi cung ứng, trao đổi năng lượng giữa hai nước.

Diễn đàn Doanh nghiệp Australia - Việt Nam về chuyển dịch năng lượng 2023

Phát biểu tại diễn đàn, ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, với năng lực khoa học kỹ thuật sẵn có của các doanh nghiệp của Australia và tiềm năng phát triển của Việt Nam, hai bên có thể hướng tới tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực: năng lượng tái tạo, năng lượng xanh thân thiện với môi trường như: điện gió ngoài khơi, điện mặt trời, điện sinh khối, các giải pháp lưu trữ năng lượng; phát triển lưới điện thông minh…

Đại sứ Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski cho biết: Australia từ lâu đã là một trong những đối tác năng lượng lớn nhất của Việt Nam, đã hỗ trợ Việt Nam trong đường dây truyền tải 500kV đầu tiên nối các nguồn điện miền Bắc với miền Trung và miền Nam từ đầu những năm 1990. 

Ngoài việc khám phá các cơ hội thương mại từ chương trình khử carbon, phái đoàn cũng sẽ tìm hiểu các cơ hội trong việc vận hành lưới điện trong bối cảnh năng lượng tái tạo tham gia lưới ngày càng tăng nhanh; cơ hội áp dụng các giải pháp lưu trữ năng lượng; giải pháp tối ưu hóa vận hành lưới điện thông minh, nhà máy điện ảo, tiết kiệm năng lượng và ứng dụng số hóa doanh nghiệp trong chuyển đổi năng lượng; hệ thống chứng chỉ xanh, công nghệ khử carbon...

Ngân hàng Nhật Bản tài trợ vốn cho các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam

Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vừa tổ chức Lễ ký kết hợp đồng tài trợ vốn 300 triệu USD để hỗ trợ dự án năng lượng tái tạo.

Lễ ký kết hợp đồng tài trợ vốn 300 triệu USD để hỗ trợ dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam

Tại lễ ký kết, ông Uchida Makoto, Giám đốc quản lý, Giám đốc toàn cầu khối Tài chính, cơ sở hạ tầng và môi trường, Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) cho biết: Khoản vay phù hợp với khái niệm “Cộng đồng châu Á phát thải bằng 0” (AZEC - Asia Zero Emissions Community) do Chính phủ Nhật Bản đứng đầu, nhằm theo đuổi mục tiêu trung hòa carbon và tăng trưởng kinh tế tùy theo hoàn cảnh của mỗi quốc gia.

Khoản vay này cũng phù hợp với thỏa thuận Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP - Just Energy Transition Partnership) đã được Chính phủ Việt Nam và các nước đối tác, bao gồm Nhật Bản và Hoa Kỳ, thống nhất vào tháng 12 năm 2022.

Đây cũng là khoản vay đầu tiên JBIC cung cấp trong khuôn khổ “Khung tài chính khí hậu Việt Nam” (VCFF - Vietnam Climate Finance Framework), được công bố trong khuôn khổ Đối tác cơ sở hạ tầng ba bên Úc - Nhật Bản - Hoa Kỳ (TIP) vào tháng 1/2023.

JBIC đánh giá đây là hoạt động hợp tác phù hợp với định hướng của hai Chính phủ Nhật Bản và Việt Nam, của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng như định hướng phát triển của Vietcombank. Việc triển khai dự án lần này giúp thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa JBIC và Vietcombank, qua đó góp phần vào sự phát triển mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản cũng như góp phần vào các giải pháp chống biến đổi khí hậu mà Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực triển khai.

Khởi công xây dựng Nhà máy sản xuất hydro xanh Trà Vinh

Lễ khởi công xây dựng Nhà máy sản xuất hydro xanh Trà Vinh đã vừa diễn ra tại ấp Đông Thành, xã Đông Hải, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh.

Dự án Nhà máy sản xuất hydro xanh Trà Vinh có tổng nguồn vốn đầu tư gần 8.000 tỷ đồng, trên diện tích khoảng 21ha, thời gian thi công dự kiến 2 năm. Đây là dự án sản xuất hydro từ công nghệ điện phân nước biển, sử dụng điện năng lượng tái tạo để tạo ra nguyên liệu hydro xanh và oxy. Hydro tạo ra có thể được lưu trữ dưới dạng khí lỏng, thích hợp để sử dụng trong nhiều lĩnh vực và dễ dàng vận chuyển.

Nhà máy sản xuất hydro xanh tại tỉnh Trà Vinh sẽ giải quyết đầu ra cho lượng điện năng dư thừa của các nhà máy sản xuất điện gió, điện mặt trời. Tới đây, các loại xe ô tô, buýt, tải sẽ chạy bằng nhiên liệu hydro với khí thải là hơi nước thay vì khí carbon như hiện nay. Ngoài ra, sản phẩm phụ của quá trình sản xuất khí hydro là oxy có thể dùng trong lĩnh vực y tế.

Các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công xây dựng Nhà máy sản xuất hydro xanh Trà Vinh

Khi dự án hoàn thành và đi vào hoạt động, quy mô sản xuất 24.000 tấn hydro/năm, 195.000 tấn oxy y tế/năm; dự án giải quyết việc làm cho khoảng 300 - 500 lao động.

Việc xây dựng nhà máy sản xuất hydro xanh sẽ mang đến cho Trà Vinh cơ hội phát triển kinh tế bền vững và phấn đấu trở thành một trong những trung tâm năng lượng xanh ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long cũng như trong cả nước.

Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn yêu cầu chủ đầu tư dự án - Công ty CP TGS Trà Vinh Green Hydrogen tập trung mọi nguồn lực để triển khai thi công dự án đảm bảo đúng tiến độ theo quyết định chủ trương đầu tư dự án. Trong quá trình thi công, tuân thủ nghiêm các tiêu chuẩn về môi trường, đảm bảo chất lượng và an toàn công trình, tuân thủ nghiêm ngặt các vấn đề về bảo vệ môi trường trong khu vực xây dựng dự án.

Ngân Hà


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết