|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bản tin môi trường số 7/2021

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 78/2021/NĐ-CP về thành lập và quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý.

Thành lập Quỹ phòng, chống thiên tai

Quỹ phòng, chống thiên tai có nhiệm vụ hỗ trợ các hoạt động phòng, chống thiên tai mà ngân sách nhà nước chưa đầu tư hoặc chưa đáp ứng yêu cầu; tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài chính. Thực hiện chế độ báo cáo, kế toán theo quy định tại Nghị định này và các quy định của pháp luật liên quan; chấp hành việc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Ảnh minh họa

Quỹ phòng, chống thiên tai Trung ương (Quỹ Trung ương) được Chính phủ thành lập, và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý. Quỹ phòng, chống thiên tai cấp tỉnh (Quỹ cấp tỉnh) do Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thành lập, do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý. Quỹ phòng, chống thiên tai hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Quỹ sẽ chi cho việc cứu trợ, hỗ trợ các hoạt động ứng phó thiên tai khẩn cấp khi vượt quá khả năng ứng phó của địa phương; trong đó ưu tiên cứu trợ khẩn cấp về lương thực, nước uống, thuốc chữa bệnh và các nhu cầu cấp thiết khác cho đối tượng bị thiệt hại do thiên tai, hỗ trợ tu sửa nhà ở, cơ sở y tế, trường học và xử lý vệ sinh môi trường vùng thiên tai.

Hỗ trợ các hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai cho các địa phương chịu thiệt hại bởi thiên tai vượt quá khả năng khắc phục của địa phương; hỗ trợ, trợ cấp đột xuất cho các nạn nhân, gia đình nạn nhân bị thiệt hại do thiên tai và người bị tai nạn, thiệt hại khi tham gia phòng, chống thiên tai.

Hỗ trợ cho các dự án khẩn cấp phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, dự án điều tra cơ bản và các hoạt động phòng, chống thiên tai liên tỉnh, liên vùng, liên ngành. Công tác cảnh báo, theo dõi, giám sát, truyền tin thiên tai cũng sẽ được hỗ trợ.

Phê duyệt Đề án Tổng kiểm kê tài nguyên nước quốc gia

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1383/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Tổng kiểm kê tài nguyên nước quốc gia giai đoạn đến năm 2025.

Theo Đề án, việc tổng kiểm kê tài nguyên nước quốc gia được thực hiện và công bố số liệu trong kỳ kiểm kê trên phạm vi cả nước. Các đối tượng được kiểm kê bao gồm: nguồn nước mặt (sông, suối, kênh, rạch, hồ, đầm, phá); nguồn nước dưới đất (các tầng chứa nước trên phạm vi đất liền và các đảo có khai thác, sử dụng nước); nước mưa; công trình khai thác, sử dụng nước và xả nước thải vào nguồn nước (các công trình khai thác, sử dụng nước mặt, nước dưới đất và nước biển; các công trình xả nước thải vào nguồn nước trên phạm vi đất liền và các đảo có khai thác, sử dụng nước).

Tổng kiểm kê tài nguyên nước bao gồm nguồn nước sông, suối

Các số liệu kiểm kê về tài nguyên nước, khai thác sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước là số liệu quan trọng phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước, quy hoạch, điều hòa, phân bổ tài nguyên nước. Đồng thời sẽ là cơ sở để hoàn thiện chính sách, pháp luật về tài nguyên nước và lập, điều chỉnh chiến lược, quy hoạch, kế hoạch khai thác sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, hướng tới việc đảm bảo an ninh tài nguyên nước, phát triển kinh tế - xã hội và chuyển đổi số quốc gia, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực tài nguyên nước.

Sản phẩm của Đề án sẽ là báo cáo kết quả tổng kiểm kê tài nguyên nước quốc gia; phần mềm quản lý, cập nhật, khai thác dữ liệu kiểm kê tài nguyên nước; các báo cáo chuyên đề theo từng chỉ tiêu kiểm kê; bộ thông tin, số liệu về kiểm kê tài nguyên nước quốc gia; hồ sơ công bố kết quả tổng kiểm kê tài nguyên nước quốc gia, giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2025.

Hoàn thiện Chiến lược phát triển ngành khí tượng thủy văn đến năm 2030

Trong cuộc họp báo cáo về Chiến lược phát triển ngành khí tượng thủy văn (KTTV) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 diễn ra mới đây, Tổng Cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái cho biết, Chiến lược đặt ra mục tiêu đến năm 2030 là phát triển ngành KTTV đạt trình độ, năng lực tương đương các nước tiên tiến của khu vực châu Á; cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, dữ liệu KTTV đáp ứng các yêu cầu trong điều hành chính sách, phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia; hình thành thị trường KTTV phục vụ đa mục tiêu, đa lĩnh vực. Mục tiêu đến năm 2045, trình độ, năng lực ngành KTTV của Việt Nam tương đương các nước phát triển trên thế giới.

Hiện đại hóa công nghệ dự báo, cảnh báo thời tiết, khí hậu

Chiến lược đã đề ra các chỉ tiêu cụ thể cần đạt được đến năm 2030 trong các lĩnh vực: quan trắc KTTV; thông tin, dữ liệu, truyền tin và xây dựng tài nguyên số thông tin KTTV; dự báo, cảnh báo KTTV; phát triển dịch vụ và thị trường KTTV; truyền thông KTTV.

Chiến lược cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu tăng doanh thu từ hoạt động dịch vụ KTTV của các đơn vị sự nghiệp công lập KTTV, đến năm 2030 đạt 40% kinh phí chi hoạt động thường xuyên do ngân sách Nhà nước bố trí. Đồng thời, tăng tỷ lệ nội địa hóa sản xuất trong nước các phương tiện đo, trang thiết bị không bao gồm radar, vệ tinh sử dụng trong mạng lưới trạm KTTV quốc gia, phấn đấu đến năm 2030 đạt 40%.

Ngọc Mai


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết