|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bản tin môi trường số 4/2022

Mới đây, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) tuyên bố, năm 2021 là 1 trong 7 năm nóng nhất từng được ghi nhận, đồng thời cũng là năm thứ 7 liên tiếp ghi nhận mức nhiệt toàn cầu cao hơn 1 độ C so với mức tiền công nghiệp.

2021 là 1 trong 7 năm nóng nhất lịch sử

Theo WMO, lượng khí nhà kính trong khí quyển vẫn ở mức cao kỷ lục sẽ khiến hiện tượng nóng lên toàn cầu và các xu hướng biến đổi khí hậu dài hạn khác tiếp diễn. Nhiệt độ trung bình toàn cầu vào năm 2021 cao hơn khoảng 1,11 độ C (với sai số khoảng 0,13 độ C) so với mức nhiệt ở thời kỳ tiền công nghiệp.

Năm 2021 là 1 trong 7 năm nóng nhất trong lịch sử

Cơ quan thời tiết của Liên Hợp Quốc cho biết, kể từ những năm 1980, mỗi thập kỷ đều ấm hơn so với thập kỷ trước và tình hình này dự kiến sẽ còn tiếp tục. Đáng lưu ý, 7 năm nóng nhất đều nằm trong giai đoạn 2015 - 2021, trong đó các năm 2016, 2019 và 2020 xếp vị trí hàng đầu.

Giáo sư Petteri Taalas, Tổng thư ký WMO khẳng định, hiện tượng La Nina xảy ra liên tiếp khiến cho sự nóng lên trong năm 2021 ít rõ rệt hơn so với những năm gần đây nhưng nhìn chung vẫn ấm hơn những năm trước. Mặc dù năm 2021 là năm mát nhất trong số 7 năm nóng nhất lịch sử nhưng nó vẫn được đánh dấu bởi một loạt các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt liên quan đến sự ấm lên toàn cầu.

Theo ông Petteri Taalas, sự nóng lên tổng thể trong thời gian dài do sự gia tăng khí nhà kính hiện lớn hơn nhiều so với sự thay đổi nhiệt độ trung bình toàn cầu hàng năm do các tác nhân khí hậu tự nhiên gây ra.

Khởi công dự án Đầu tư khu liên cơ quan quản lý nhà nước thuộc Bộ TN&MT

Ngày 16/1, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức Lễ khởi công dự án Đầu tư khu liên cơ quan quản lý nhà nước thuộc Bộ. Dự án là công trình trọng điểm; là tâm huyết của nhiều thế hệ lãnh đạo Bộ với mục tiêu xây dựng trụ sở khối cơ quan hành chính đồng bộ, hiện đại, với kiến trúc xanh, thông minh đáp ứng yêu cầu quản lý điều hành, tập trung; thực hiện chủ trương về sắp xếp lại, xử lí cơ sở nhà đất của Bộ TN&MT tại thành phố Hà Nội.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu tại Lễ khởi công dự án

Phát biểu tại Lễ khởi công dự án, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, Bộ đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư mở rộng khu liên cơ quan với quy mô 18 tầng nổi, 2 tầng hầm, tổng diện tích sàn 34.700m2 với hệ thống công nghệ thông tin, quản lý, điều hành thông minh, không gian xanh. Công trình khi hoàn thành không chỉ giải quyết cơ sở làm việc cho các đơn vị trực thuộc Bộ mà còn là điểm nhấn với thiết kế thông minh, hiện đại và các tiêu chí xanh. Quan trọng hơn cả, đây cũng công trình gửi gắm tâm huyết, trách nhiệm và là cầu nối giữa các thế hệ đi trước với các thế hệ cán bộ hôm nay và mai sau của Bộ.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: “Tôi tin tưởng rằng với trách nhiệm, sự năng động, sáng tạo của chủ đầu tư, Ban quản lý dự án xây dựng của Bộ; năng lực kinh nghiệm của nhà thầu tư vấn thiết kế; nhà thầu thi công; nhà thầu tư vấn giám sát và sự đồng hành của các cấp chính quyền, dự án sẽ sớm hoàn thành đi vào hoạt động và phát huy tốt hiệu quả, đúng như mục tiêu đã đề ra và tôi sẽ được chào đón các đồng chí Bộ trưởng, lãnh đạo Bộ qua các thời kỳ đến chứng kiến công trình chính thức được khánh thành, đi vào hoạt động đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu về môi trường làm việc xanh hiện đại, văn minh”.

UNICEF hỗ trợ tiếp cận nguồn nước, vệ sinh môi trường khu vực nông thôn Việt Nam

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan đã vừa có buổi tiếp và làm việc với bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá cao sự hỗ trợ của UNICEF tại Việt Nam trong thời gian qua. Bộ trưởng tin tưởng, sự hợp tác giữa UNICEF và Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển tốt đẹp trong thời gian tới, tất cả nhằm đảm bảo chất lượng cuộc sống cho người dân khu vực nông thôn. Đặc biệt, Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được hỗ trợ kỹ thuật của UNICEF để mọi đối tượng có thể tiếp cận nguồn nước sạch, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan tiếp và làm việc với Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam Rana Flowers

Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam khẳng định: UNICEF và Bộ NN&PTNT có mối quan hệ hợp tác rất chặt chẽ. UNICEF rất vui mừng khi được đồng hành cùng Bộ NN&PTNT Việt Nam trong hành trình triển khai chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn trong thời gian tới. Chiến lược này đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng cho Việt Nam trên con đường thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trong bối cảnh Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn về ô nhiễm nguồn nước, xâm nhập mặn, nhất là khu vực đồng bằng sông Cửu Long… Những thách thức này đòi hỏi Việt Nam cần phải có sự đầu tư bài bản để tìm ra những giải pháp đồng bộ, có tính bền vững, lâu dài.

Theo đó, UNICEF cam kết tiếp tục hợp tác với Bộ NN&PTNT, tập trung vào các gia đình vùng sâu xa, đối tượng dễ bị tổn thương như trẻ em… để họ được tiếp cận với hệ thống cấp nước sạch và vệ sinh được quản lý, vận hành an toàn, bền vững. Vấn đề nước sạch đã, đang và sẽ là ưu tiên của UNICEF.

Mỹ Dung


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết