Bản tin môi trường số 34/2022
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà đã vừa cùng lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ đã có buổi làm việc với một số chuyên gia quốc tế về chính sách, quản lý nhà nước và doanh nghiệp trong lĩnh vực môi trường.
Tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong ngành tài nguyên và môi trường
Trong buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT đã trao đổi, đề xuất các vấn đề mong muốn với các chuyên gia quốc tế. Điển hình như: Tổng cục Môi trường đề xuất hỗ trợ nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường; ứng dụng công nghệ hiện đại triển khai quản lý chất thải rắn ở đô thị và nông thôn, khoảng cách an toàn môi trường và bồi hoàn đa dạng sinh học.
Cục Quản lý tài nguyên nước đề xuất chuyên gia hỗ trợ nghiên cứu kinh nghiệm của Hàn Quốc về chính sách khôi phục các dòng sông bị suy thoái, ô nhiễm và cạn kiệt; quản lý hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu tài nguyên nước phục vụ quá trình hỗ trợ ra quyết định. Kinh nghiệm của Australia về chính sách liên quan đến bảo đảm an ninh nguồn nước và quản lý hạn hán ở Australia.
Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT trao đổi, đề xuất các vấn đề mong muốn với các chuyên gia quốc tế
Phát biểu tại buổi làm việc, các chuyên gia quốc tế chúc mừng những thành tựu to lớn của Bộ TN&MT trong việc quản lý, bảo vệ và thúc đẩy sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên quốc gia cho sự phát triển kinh tế - xã hội hiện tại của đất nước và cho thế hệ tương lai trong thời gian qua. Đồng thời, khẳng định dành sự hỗ trợ cao nhất cho các định hướng và lĩnh vực ưu tiên mà Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng như lãnh đạo các đơn vị của Bộ đã đặt ra trong thời gian tới.
Đáp lại, Bộ trưởng Trần Hồng Hà bày tỏ lòng cảm ơn và đánh giá cao những hỗ trợ, giúp đỡ của các chuyên gia quốc tế; đồng thời, hy vọng thời gian tới, các chuyên gia giàu kinh nghiệm trong quản lý TN&MT sẽ tiếp tục hỗ trợ Bộ kết nối thật tốt các dự án hợp tác; hỗ trợ thúc đẩy việc tăng cường năng lực thực thi chính sách quản lý chất thải, tái chế và phát triển hợp tác thúc đẩy công nghiệp môi trường và chính sách môi trường ở Việt Nam.
Thúc đẩy triển khai các cam kết ứng phó biến đổi khí hậu tại COP26
Mới đây, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã tiếp và làm việc với Chủ tịch Hội nghị thượng đỉnh COP26 để thảo luận về việc thúc đẩy triển khai các cam kết ứng phó biến đổi khí hậu tại COP26 và hướng tới COP27.
Trao đổi với ông Alok Kumar Sharma, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, bên cạnh những báo cáo mà Bộ đã chia sẻ với Chủ tịch COP26 tại những buổi làm việc trước, ngay đầu tháng 9 này, Bộ TN&MT tiếp tục chủ trì tổ chức Hội nghị đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ và các đối tác quốc tế để triển khai nhiều công việc trong thời gian tới.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà làm việc với Chủ tịch Hội nghị thượng đỉnh COP26
Cụ thể, Bộ TN&MT đang triển khai rà soát, cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam, đảm bảo việc đóng góp về giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu của Việt Nam phù hợp với Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng khẳng định rất coi trọng việc hoàn tất đàm phán Tuyên bố chính trị về Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng của Việt Nam (JETP) để báo cáo, trình các cấp có thẩm quyền xem xét. Qua đây, Bộ trưởng mong muốn Chủ tịch COP 26 phối hợp trong chỉ đạo nhóm làm việc kỹ thuật của hai bên đàm phán để đi đến thống nhất trong nhận thức và tiến đến thống nhất nội dung Tuyên bố chính trị.
Ghi nhận các kết quả Việt Nam đã đạt được và những kế hoạch hành động của Chính phủ Việt Nam, Chủ tịch COP26 Alok Kumar Sharma cho biết, Chính phủ Anh sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ cho Việt Nam thực hiện các cam kết trên.
Giám sát vấn đề môi trường tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ
BộTN&MT đã ban hành kế hoạch tăng cường phòng ngừa, giám sát, kiểm soát các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Kế hoạch nhằm tăng cường quản lý nhà nước trong phòng ngừa, giám sát, kiểm soát các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra sự cố, ô nhiễm môi trường, đặc biệt là sự cố ô nhiễm môi trường lớn, diễn ra trên diện rộng, ảnh hưởng đến môi trường, đời sống sức khỏe con người; triển khai kế hoạch để chủ động kiểm soát được các vấn đề môi trường, dự báo kịp thời, ngăn ngừa sự cố môi trường xảy ra; thực hiện tốt các hoạt động giám sát về môi trường đối với các cơ sở, dự án lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm các dự án vận hành, hoạt động an toàn về môi trường...
Kiểm soát nguy cơ gây ô nhiễm môi trường tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ
Theo đó, Bộ TN&MT sẽ triển khai 5 nội dung phòng ngừa, giám sát, kiểm soát các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, bao gồm: tiếp tục tổ chức giám sát thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở, dự án lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao ở 3 miền; tăng cường kiểm soát nguồn thải lớn, kiểm soát ô nhiễm môi trường tại khu vực tập trung nhiều nguồn thải, các điểm nóng có nhiều phản ánh về ô nhiễm môi trường; kế hoạch tăng cường phòng ngừa, giám sát, kiểm soát các khu vực có nguy cơ ô nhiễm môi trường theo quy định Luật Bảo vệ môi trường 2020; cập nhật cơ sở dữ liệu về các dự án, cơ sở sản xuất thuộc đối tượng cần phòng ngừa, kiểm soát; báo cáo kết quả thực hiện việc tăng cường kiểm soát cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và đề xuất các giải pháp quản lý.
Bảo Ngọc