Bản tin môi trường số 15/2021
Mới đây, thay mặt Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng vừa ký ban hành Chỉ thị số 10-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khí tượng thủy văn (KTTV) đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chỉ thị mới về công tác khí tượng thủy văn quốc gia
Chỉ thị nêu rõ, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khí tượng thủy văn, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; phấn đấu đến năm 2030 ngành KTTV nước ta đạt trình độ tương đương các nước tiên tiến khu vực châu Á, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như:
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, nhất là người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác KTTV trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và phục vụ thiết thực đời sống dân sinh.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác KTTV
Nâng cao năng lực, chất lượng dự báo, cảnh báo KTTV, giám sát biến đổi khí hậu; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến; hoàn thiện phương pháp, quy trình dự báo, cảnh báo thiên tai, biến đổi khí hậu, bảo đảm cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, dữ liệu KTTV, đặc biệt là thông tin, dữ liệu về nguy cơ xảy ra các hiện tượng KTTV nguy hiểm, bất thường có thể ảnh hưởng hoặc gây thiệt hại về người, tài sản và môi trường với độ tin cậy chính xác cao.
Tăng cường trao đổi thông tin, dữ liệu KTTV, kinh nghiệm với các nước, các đối tác, tổ chức quốc tế nhằm nâng cao năng lực, trình độ, vị thế cho ngành KTTV Việt Nam với vai trò là trung tâm dự báo khu vực của Tổ chức Khí tượng thế giới…
Hội nghị thượng đỉnh Thanh niên trước sự biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc
Mới đây, Hội nghị thượng đỉnh Thanh niên trước sự biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (Youth4Climate) đã diễn ra thành công ở Milan, Italia.
Sự kiện Youth4Climate là cơ hội hiếm có để các nhà hoạt động môi trường trẻ trên khắp thế giới đưa ra những ý tưởng và đề xuất cụ thể về một số vấn đề cấp bách nhất, đóng góp vào quá trình đàm phán của Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 26 về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP26).
Nhà hoạt động môi trường Greta Thunberg phát biểu tại Hội nghị Youth4Climate
Khoảng 400 nhà hoạt động sinh thái trẻ từ gần 200 nước tham dự hội nghị thượng đỉnh. Các nhà hoạt động môi trường trẻ bày tỏ mong muốn các nhà lãnh đạo thế giới cần thể hiện trách nhiệm rõ ràng hơn đối với cam kết giảm tác động từ biến đổi khí hậu và lắng nghe lời kêu gọi bảo vệ môi trường từ giới trẻ.
Hơn nữa, các nhà hoạt động khí hậu kỳ vọng các nước cần hành động nhiều hơn và dành thêm hàng tỷ USD để thực hiện mục tiêu chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch hơn trong bối cảnh thế giới liên tục chứng kiến những đợt nắng nóng, lũ lụt và hỏa hoạn kỷ lục từ đầu năm đến nay.
Đại sứ Italia tại Việt Nam Antonio Alessandro đánh giá: Việc giới trẻ tham gia các sự kiện đóng góp cho COP26 được kỳ vọng sẽ tạo sức ảnh hưởng lớn đối với chiến dịch vì khí hậu toàn cầu trong tương lai.
Sẽ tiến hành kiểm kê khí nhà kính vào năm 2022
Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ xem xét ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính năm 2022. 5 lĩnh vực phải kiểm kê khí nhà kính thuộc các ngành: công thương, giao thông vận tải, nông nghiệp và phát triển nông thôn, tài nguyên và môi trường, xây dựng.
Kiểm kê khí nhà kính cho các lĩnh vực, cơ sở phát thải lớn ngành giao thông vận tải
Việc kiểm kê khí nhà kính nhằm xác định rõ các nguồn phát thải, mức phát thải hàng năm của mỗi nguồn để có biện pháp quản lý phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, pháp luật hiện hành và các quy định của điều ước quốc tế có liên quan với mục tiêu phát triển kinh tế carbon thấp và tăng trưởng xanh gắn với phát triển bền vững của quốc gia.
Dự kiến, danh mục cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính là các cơ sở có mức phát thải khí nhà kính hàng năm từ 3.000 tấn CO2 tương đương trở lên. Bên cạnh đó, các nhà máy nhiệt điện, cơ sở sản xuất công nghiệp có tổng lượng tiêu thụ năng lượng hàng năm từ 1.000 tấn dầu trở lên; các công ty kinh doanh vận tải hàng hóa có tổng tiêu thụ nhiên liệu hàng năm từ 1.000 tấn dầu trở lên; các tòa nhà thương mại có tổng tiêu thụ năng lượng hàng năm từ 1.000 tấn dầu trở lên... cũng phải kiểm kê.
Bộ Tài nguyên và Môi trường lưu ý, trong giai đoạn hiện nay, đề xuất chưa quy định bắt buộc phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính đối với các cơ sở chăn nuôi (gia súc, gia cầm) do thực tế, các cơ sở chăn nuôi chỉ chiếm 5,85% tổng phát thải khí nhà kính quốc gia và chủ yếu là hộ gia đình. Tuy nhiên, các cơ sở này vẫn phải có trách nhiệm khi có yêu cầu tham gia kiểm kê khí nhà kính quốc gia, lĩnh vực.
Mỹ Dung