5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để quản lý và phát triển bền vững đô thị
Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành, địa phương trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình khẩn trương chủ động, tích cực thực hiện thiết thực, hiệu quả; trong đó tập trung 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị.
Văn phòng Chính phủ mới đây đã có thông báo số 14/TB-VPCP ngày 27/1/2023 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị Đô thị toàn quốc năm 2022, phổ biến và triển khai Nghị quyết số 148/NQ-CP về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành, địa phương trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình khẩn trương chủ động, tích cực thực hiện thiết thực, hiệu quả; trong đó tập trung 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp như sau:
Nhóm nhiệm vụ nâng cao, thống nhất nhận thức: quan điểm chỉ đạo là phải nâng cao nhận thức về vai trò, vị thế của đô thị trong sự phát triển chung. Nhận thức đúng thì hành động đúng, có tư duy phương pháp luận và phương pháp tiếp cận đúng với yêu cầu nhiệm vụ, chức năng quyền hạn của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương. Nâng cao nhận thức về phát triển đô thị, bao gồm 3 trụ cột chính gồm: công tác quy hoạch, công tác xây dựng và công tác quản lý. Từ nhận thức như vậy cần có hành động tương xứng, phù hợp.
Nhóm nhiệm vụ nâng cao chất lượng quy hoạch, quản lý quy hoạch đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị: trước hết là nâng cao chất lượng công tác tư vấn quy hoạch, công tác thẩm định và phê duyệt quy hoạch. Chất lượng kiến trúc và quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng cần được lồng ghép hài hòa ngay từ khi nghiên cứu và trong quá trình thực hiện quy hoạch đô thị, thiết kế, quản lý kiến trúc, cảnh quan đô thị, bảo đảm đô thị có bản sắc vùng miền, phát triển bền vững.
Nhóm nhiệm vụ về đầu tư phát triển, xây dựng đô thị: phải có nguồn lực, huy động được đủ nguồn lực. Quan điểm là phải phải kết hợp giữa nội lực và ngoại lực; nguồn lực của nhà nước và nguồn lực của xã hội, của tư nhân, nguồn lực của các nhà đầu tư và nguồn lực của hợp tác công tư. Yêu cầu các Bộ ngành, các tỉnh, thành phố vận dụng tối đa khuôn khổ pháp lý hiện hành, trọng tâm là Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư để huy động các nguồn lực hợp pháp trong phát triển đô thị. Tập trung phát triển hạ tầng chiến lược, đặc biệt là hạ tầng giao thông nhằm tạo ra không gian phát triển mới, tạo ra khu đô thị, khu vực phát triển mới, tạo ra sinh kế cho người dân. Tiếp tục hoàn thiện các mô hình chính quyền đô thị.
Nâng cao chất lượng quy hoạch, quản lý quy hoạch đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị
Nhóm thực hiện song song các nhiệm vụ, đề án theo chuyên ngành riêng: phát triển đô thị không phải là nhiệm vụ của một ngành, một cấp, mà đòi hỏi mà phải huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, phối hợp chặt chẽ có hiệu quả giữa các cấp, các ngành, giữa các địa phương, giữa các vùng miền để tạo ra nguồn lực. Vì vậy các ngành, các cấp cần rà soát các nhiệm vụ có liên quan để ưu tiên tổ chức thực hiện song song, thiết thực tạo hiệu ứng cộng hưởng; phối hợp, thống nhất trong phát triển đô thị vì lợi ích chung của quốc gia, của dân tộc.
Nhóm nhiệm vụ về xây dựng thể chế, cơ chế chính sách, văn bản pháp luật: tiếp tục rà soát, đánh giá tổng thể hệ thống cơ chế chính sách hiện hành về quy hoạch và phát triển đô thị, phát hiện các rào cản, vướng mắc, các mâu thuẫn, chồng chéo hoặc lạc hậu, cần tháo gỡ trên tinh thần vừa làm vừa rút kinh nghiệm mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội; hoàn thiện từng bước, làm tới đâu thì chắc tới đó. Tăng cường bám sát thực tiễn và kịp thời phản ứng chính sách hiệu quả, phù hợp. Đặc biệt lưu ý giải quyết các yêu cầu thực tiễn bức xúc như tắc nghẽn giao thông, ngập úng đô thị, thiếu nhà ở xã hội, nhà ở cho các đối tượng thu nhập trung bình; vấn đề ô nhiễm môi trường trong đô thị; vấn đề phát thải nhà kính; các vấn đề thiếu hụt về hạ tầng văn hoá xã hội như: y tế, giáo dục, thể thao, cây xanh.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng phải tích cực hướng dẫn, chủ động phối hợp, hỗ trợ các địa phương trong quá trình xây dựng chương trình hành động cụ thể của địa phương. Kịp thời tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xây dựng chương trình quốc gia về đô thị nhằm tích hợp các nguồn lực, không để tình trạng quy hoạch phân tán, nhiều chương trình triển khai chồng chéo, thiếu hiệu quả; đồng thời phối hợp kiểm tra đôn đốc việc thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ.
Các Bộ ngành trung ương chủ động xây dựng và giám sát các chỉ tiêu có liên quan đến phát triển đô thị. Thực hiện chế độ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thường xuyên để Chính phủ có chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời; xem xét xây dựng cơ chế, tạo điều kiện, hướng dẫn để xác định, tạo lập nguồn lực thực hiện; hướng dẫn địa phương về bố trí, phân bổ nguồn lực để triển khai Chương trình hành động tại địa phương.
Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các đô thị trên cả nước là chủ thể trực tiếp quản lý, tổ chức triển khai Nghị quyết số 148/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW. Sự thành công của Chương trình hành động này phụ thuộc vào sự chủ động, sáng tạo trong đổi mới tư duy cấp địa phương. Do vậy, địa phương cần quán triệt sâu sắc Chương trình hành động của Chính phủ, bổ sung các chỉ tiêu vào Nghị quyết của Tỉnh ủy, Thành ủy, xây dựng cơ chế thực hiện nghiêm túc; bám sát các chỉ tiêu; giám sát chặt chẽ trong quá trình thực hiện.
Các cơ quan truyền thông, báo chí tuyên truyền, lan tỏa và tạo hiệu ứng tốt trong toàn xã hội về vai trò, vị trí của đô thị.
Thanh Trúc